Trùng tu nhóm tháp Khu đền tháp Mỹ Sơn với sự giúp đỡ của chuyên gia Ấn Độ

Hải Truyền| 21/12/2022 15:05

Ngày 20/12, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp nhận bàn giao dự án trùng tu Khu đền tháp Mỹ Sơn trong chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ.

z3976474123615_5679e9d02c5400e87566f96a2e2ea568.jpg
Nhóm tháp A tại Khu đền tháp Mỹ Sơn sau khi được trùng tu (Ảnh: Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn).

Đây là nhóm kiến trúc bị tàn phá nặng nề do thời gian và chiến tranh ở Khu đền tháp Mỹ Sơn. Dự án được các bên triển khai thận trọng, tuân thủ nguyên tắc trùng tu khảo cổ học.

Dự án bảo tồn, tôn tạo các nhóm tháp K, H, A ở Khu đền tháp Mỹ Sơn được khởi công từ năm 2017 theo bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ về việc "Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn". Đây là nhóm kiến trúc bị tàn phá nặng nề do thời gian và chiến tranh. Dự án được các bên triển khai thận trọng, tuân thủ nguyên tắc trùng tu khảo cổ học.

Quá trình thực hiện dự án diễn ra trong thời gian dài, gặp không ít trở ngại, nhất là ảnh hưởng của 2 năm đại dịch Covid-19, đã tác động gây khó khăn trong việc liên kết, kết nối, xúc tiến thành phần dự án; đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và công nhân phải vừa thực hiện công tác trùng tu vừa thực hiện giãn cách.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm của các bên tham gia dự án, sự đồng lòng, nỗ lực của đội ngũ chuyên gia và cán bộ kỹ thuật, sau 6 năm thực hiện (2017-2022), dự án "Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn" đã hoàn thành và đảm bảo đúng các nguyên tắc về bảo tồn di tích, được Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các chuyên gia của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá cao.

Qua đó, khắc phục được tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích, góp phần phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đây sẽ là tiền đề tốt để cho việc xúc tiến công tác hợp tác trùng tu nhóm tháp F trong năm tới cũng như xem xét một số công trình kiến trúc thuộc khu E và A' trong tương lai.

z3976472391630_86ea8fe8c9534faa95481c2bf2a6a0d4.jpg
Tháp K sau trùng tu.

Trong quá trình phát lộ trùng tu đã phát hiện hàng trăm hiện vật có giá trị, nhiều hiện vật lần đầu mới phát hiện tại Mỹ Sơn, trong đó có tượng thần bằng đá phát hiện ở khu tháp A, bức phù điêu trong lòng tháp A13 tương đối khác lạ so với các công tình kiến trúc được điêu khắc trong lòng tháp của kiến trúc Champa, đặc biệt là đài thờ Linga - Yoni liền khối lớn nhất Việt Nam được công nhận Bảo vật quốc gia. Một số hiện vật đã được xử lý hoàn trả lại vị trí ban đầu, một số được xử lý bảo quản tại kho. Các khu tháp sau khi trùng tu đã mở cửa đón khách tham quan.

Thông qua dự án, đội ngũ công nhân lành nghề (có thời điểm hơn 100 công nhân trên công trường) đã được đào tạo, tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.

Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng có đường kính khoảng 2km, thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Ðà Nẵng khoảng 70 km về phía Tây Nam, có diện tích quy hoạch bảo tồn khu vực I là 324.600m2, khu vực II là 11.255.400m2.
Khu di tích này được người Pháp tình cờ phát hiện vào năm 1885. Sau đó, nhiều học giả quốc tế đã đến Mỹ Sơn để khảo sát và nghiên cứu. Năm 1904, những công trình nghiên cứu đầu tiên về bi ký và kiến trúc tại Mỹ Sơn đã được công bố trong kỷ yếu của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (B.E.F.E.O). Dựa trên kết quả nghiên cứu, hầu hết các nhà khoa học đều khẳng định, đa phần đền tháp lớn ở Mỹ Sơn đều được xây dựng để thờ thần Shiva. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lại cho rằng, ban đầu vị thần chính của Mỹ Sơn chỉ mang tính chất địa phương (miền Bắc Chămpa), phải đến thế kỷ XI, vị thần chủ ở Mỹ Sơn, với tên gọi Srisana-Bhadresvara, mới trở thành thần chủ của toàn Vương quốc Chămpa…
Trong khu vực Mỹ Sơn có trên 70 kiến trúc đền tháp, được xây dựng từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII. Mỗi ngôi tháp thường gồm 3 phần là đế, thân và mái tháp, được xây bằng gạch, kết hợp cùng các mảng trang trí bằng sa thạch, với kỹ thuật rất tinh tế. Mô típ trang trí hoa văn trên các trụ đá cùng với những tượng tròn và phù điêu sa thạch thường được chạm khắc dựa theo các thần thoại của Ấn Độ giáo, đã tạo ra vẻ đẹp mỹ miều, sinh động, mang những nét đặc trưng nhất của các phong cách nghệ thuật Chămpa - một nền nghệ thuật được kết hợp bởi những yếu tố bản địa và ngoại lai.
Dựa vào vị trí phân bố của các tháp, H. Parmentier - một học giả người Pháp, đã đặt tên cho các tháp theo mẫu tự Latin, gồm nhóm A và A'(tháp Chùa); nhóm B, C, D (khu tháp Chợ); nhóm E và F (khu tháp Hố Khế); nhóm G, nhóm H (khu tháp Bàn Cờ); các tháp riêng lẻ được đánh ký hiệu lần lượt là: K, L, M, N.
Nhà nghiên cứu P. Stern, đã chia các di tích tại Mỹ Sơn dựa theo các phong cách như sau:
+ Phong cách cổ (phong cách Mỹ Sơn E1): thế kỷ VII - thế kỷ VIII, gồm các tháp E1, F1;
+ Phong cách Hòa Lai: cuối thế kỷ VIII - đầu thế kỷ IX, gồm các tháp A2, C7, F3;
+ Phong cách Đồng Dương: giữa thế kỷ IX - đầu thế kỷ X, gồm các tháp A10, A11, A13, B4;
+ Phong cách Mỹ Sơn A1: thế kỷ X, gồm các tháp A1, B2, B3, B5, B6, B8, C1, C2, C4, C5, C6, D1, D2, D4, E7;
+ Phong cách chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định: thế kỷ XI - XII, gồm các tháp E4, F2;
+ Phong cách Bình Định: thế kỷ XIII-XIV, gồm tháp B1, tháp K, các tháp nhóm G, H.
Cũng giống như các đền tháp Chămpa khác, đền tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng thành nhiều cụm, mỗi cụm được bố trí theo trật tự sau:
- Đền thờ chính (Kalan) nằm ở giữa (được đánh ký hiệu số 1 trong các bản vẽ của H. Parmentier), thông thường có một cửa ra vào ở hướng Đông, nơi thờ vị thần chính (Shiva), tượng trưng cho ngọn núi Mêru, nơi hội tụ của thần linh;
- Tháp cổng (Gopura, ký hiệu số 2) nằm ngay phía trước đền thờ chính, có 2 cửa thông nhau ở hướng Đông và hướng Tây;
- Mandapa là ngôi nhà dài tiếp theo tháp cổng, thường được sử dụng để làm nơi đón tiếp khách hành hương, tiếp nhận lễ vật;
- Cạnh đền thờ chính là ngôi tháp Kosagraha, có một hoặc hai phòng (ký hiệu số 3), cửa ra vào ở hướng Bắc, thường được sử dụng để làm nơi cất giữ các đồ tế lễ;
- Ngoài ra, quanh đền thờ chính còn có những tháp phụ, để thờ các vị thần phương hướng (Dikpalaka), các vị thần tinh tú (Grahas), hoặc các vị thần phụ, như Skanda, Ganesa,...
Các nhóm tháp ở Mỹ Sơn
- Nhóm A: gồm 13 đền tháp, từ A1 đến A13, nằm ở phía Đông - Nam, trong thung lũng Mỹ Sơn;
- Nhóm A': gồm 4 tháp, nằm ở phía Nam của nhóm A. Đây là những đền thờ nhỏ, tất cả các tháp đều có cửa ra vào ở hướng Tây, quay về phía khu trung tâm;
- Nhóm B: gồm 14 tháp. Trong nhóm này, tháp B5 là tháp còn lại đẹp nhất, có mặt bằng hình chữ nhật, kéo dài theo trục Đông - Tây, cửa ra vào ở hướng Bắc. Trên tháp trang trí hoa văn hình cành lá cuộn tròn liên hoàn, hình người đứng chắp tay, hình 2 con voi đứng đấu vòi dưới một tán cây…;
- Nhóm C: gồm 7 tháp, nằm ở hướng Bắc nhóm B. Năm 1904, tại tháp C7, các nhà khảo cổ Pháp đã tìm được một bộ trang phục bằng vàng gắn với một pho tượng thần (có kích thước bằng 1/2 người thường), gồm có mũ, nịt, miếng hộ tâm;
- Nhóm D: gồm 6 tháp, nằm ở phía Đông nhóm B và C. Trong nhóm này, riêng hai tháp D1 và D2 không được làm theo kiểu truyền thống của kiến trúc Chămpa, mà có mặt bằng hình chữ nhật, cửa ra vào ở hai đầu hồi nhà hướng Đông và hướng Tây;
- Nhóm E: gồm 9 tháp, nằm ở phía Bắc nhóm A và nhóm G, bao gồm:
+ Đền thờ E1: có cửa ra vào ở hướng Tây, mặt bằng đền (tháp) hình vuông, 4 góc có 4 trụ đá, được điêu khắc khá đẹp. Trên mi cửa có một bức phù điêu bằng sa thạch, thể hiện cảnh “Đản sinh Brahma”. Bên trong ngôi đền E1 có một đài thờ lớn, được làm bằng những khối sa thạch ghép lại với nhau, chạm trổ rất tinh tế, thể hiện những cảnh múa lụa, đánh đàn, thổi sáo, những cảnh sinh hoạt của các tu sĩ Bà-la-môn, như luyện thuốc chữa bệnh...
+ Tháp E2: là tháp cổng của đền thờ E1.
+ Tháp E3: là nơi chuẩn bị đồ tế lễ.
+ Tháp E4: là tháp phụ, nằm cạnh tháp E1 về phía Bắc.
+ Tháp E5 và E6: là hai tháp phụ, xếp thành một hàng dọc, ở phía Nam tháp E1. Năm 1903, tại tháp E5, đã phát hiện một pho tượng thần Ganesa đứng, có 4 tay, niên đại khoảng cuối thế kỷ VII - đầu thế kỷ VIII. Đây là một tác phẩm rất hiếm trong nền nghệ thuật Ấn Độ giáo .
+ Tháp E7: là nơi cất giữ đồ tế lễ của nhóm E. Mái tháp cong hình thuyền, kéo dài theo trục Đông - Tây, cửa ra vào ở hướng Bắc.
+ Tháp E8 và E9: là hai tháp nhỏ, ở góc Đông Bắc, phía sau tháp E4, hiện chỉ còn một vài dấu tích nền móng.
Nhóm F: gồm 3 tháp, nằm ở phía Bắc nhóm E, bao gồm tháp chính F1, tháp cổng F2 và tháp phụ F3.
- Nhóm G: gồm 5 tháp, nằm trên một ngọn đồi thấp - giữa nhóm A và nhóm E. Hiện nay, chỉ còn lại đền thờ G1, với cửa chính mở về hướng Tây. Trên các cửa ra vào và cửa giả có các vòm cuốn hình mũi giáo, trang trí phù điêu nữ thần Laksmi. Thân tháp trang trí những mặt Kala. Góc tháp có tượng sư tử bằng sa thạch.
- Nhóm H: gồm 4 tháp, nằm trên một ngọn đồi thấp phía Tây - Bắc nhóm B, C, D. Đặc biệt, tại khu vực này đã phát hiện một bức phù điêu lớn, hình thần Shiva.
- Tháp K, L, M, N: nằm riêng lẻ và cách xa khu trung tâm. Phần lớn các tháp này đã bị hư hỏng.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/08/2009).
(Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa)
Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tưởng nhớ Hoàng Nhuận Cầm: Những câu thơ viết đợi mặt trời
    Sáng ngày 10/5, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề Tưởng nhớ Hoàng Nhuận Cầm "Những câu thơ viết đợi mặt trời" nhân kỷ niệm ba năm ngày mất của nhà thơ. Tới dự buổi sinh hoạt hôm nay có đại diện ban chấp hành Hội và đông đảo hội viên, văn nghệ sĩ.
  • Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận và những công trình “lưu dấu” Điện Biên
    Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận nói rằng ông “không có một chút ngỡ ngàng nào về lịch sử Điện Biên”, bởi từ thuở bé, ông đã tìm hiểu lịch sử dân tộc mình. Bắt tay vào thiết kế bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng là lần đầu tiên ông bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc, làm thế nào để chuyển hóa những tình cảm của mình về Điện Biên trong công việc sáng tạo. Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, khu Trung tâm hành lễ và nhà tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 là hai công trình đầu tiên khẳng định ông có duyên với mảnh đất này.
  • “Hiểu con tuốt tuồn tuột”: Bí kíp để trở thành người mẹ hạnh phúc
    Nhân Ngày của mẹ (12-5), Crabit Kidbooks liên kết với NXB Hà Nội ra mặt bộ sách “Hiểu con tuốt tuồn tuột”. Bộ sách gồm ba cuốn mang đến những gợi ý quý báu để mẹ và con có thể hiểu nhau hơn, đồng hành một cách hiệu quả.
  • Hơn 1600 học sinh THCS quận Ba Đình dự thi Olympic cấp quận
    Ngày 10/5, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức kỳ thi Olympic các môn văn hóa và khoa học lớp 6,7,8 năm học 2023 -2024 với 1.618 thí sinh dự thi. Thí sinh dự thi với điều kiện đã tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp trường và được nhà trường chọn cử đảm bảo đủ điều kiện.
  • Bệnh viện Trung ương Huế tọa đàm chào mừng Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5
    Bệnh viện Trung ương Huế tọa đàm chào mừng Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 và tập huấn về “Giao tiếp chuyên nghiệp trong an toàn người bệnh và chất lượng chăm sóc”.
Đừng bỏ lỡ
Trùng tu nhóm tháp Khu đền tháp Mỹ Sơn với sự giúp đỡ của chuyên gia Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO