Di vật khảo cổ học: Những giải mã ý nghĩa cho lịch sử và bảo tồn di sản

Nguyễn Văn Hảo| 14/11/2022 10:49

Song hành với công cuộc xây dựng đất nước, các di vật khảo cổ học được phát hiện ngày một nhiều. Việc xác định tộc thuộc của các di vật đó - điều cơ bản trong quá trình nghiên cứu và bảo tồn di vật khảo cổ học, càng trở nên cấp thiết bởi nó gắn liền với những giải mã lịch sử, cũng như việc bảo tồn di tích, di sản Việt.

Tuy nhiên, xác định tộc thuộc của một loại di vật không phải là công việc “một sớm một chiều”, có những hành trình kéo dài tới hàng chục năm, như việc xác định tộc thuộc của trống đồng Đông Sơn, của Nha Chương. Song đó là “động tác” đầy ý nghĩa đối với lịch sử và việc bảo tồn di sản văn hóa Việt.

hinh-dang-trong-dong-lang-vac-1(1).jpg
Hình dáng trống đồng Làng Vạc 1.

Thêm nhận diện cho di sản trống đồng Đông Sơn
Trong những năm 50 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ học Trung Quốc khai quật khu mộ táng người Điền ở Thạch Trại Sơn (huyện Tấn Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), phát hiện gần 100 ngôi mộ của người Điền. Trong số 100 ngôi mộ đó có 10 ngôi mộ thuộc tầng lớp quý tộc nước Điền, và trong đồ tùy táng của họ có 19 chiếc trống đồng cùng gần 40 đồ vật liên quan đến trống đồng. Ngay lập tức, giới khảo cổ học Trung Quốc lên tiếng nhận di sản trống đồng là của dân tộc mình. Minh chứng là trong tác phẩm “Trống đồng cổ của Trung Quốc”, Hội nghiên cứu trống đồng cổ Trung Quốc nhận định: Sưu tập trống đồng đó là sản phẩm của người Điền, do người Điền chế tạo và sử dụng, nó là di vật của văn hóa Điền, bởi vì chúng được phát hiện trong mộ người Điền. Thêm vào đó, khi bàn về tộc thuộc của trống Đông Sơn (trống Thạch Trại Sơn), các nhà khảo cổ học Trung Quốc còn cho rằng, phạm vi phân bố của loại trống này khá rộng, 6 dân tộc cư trú trong phạm vi đó đều là dân tộc chế tạo và sử dụng loại trống này.

hoa-van-trang-tri-tren-mat-trong-dong-ngoc-lu-anh-bao-tang-lich-su-quoc-gia..jpg
Hoa văn trang trí trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.


Luận điểm đó của giới khảo cổ học Trung Quốc không khỏi tạo ra những tranh cãi về chuyên môn cho giới khảo cổ học Việt Nam. Ta có thể đặt câu hỏi cho một số vấn đề: Nếu coi sưu tập trống Đông Sơn chôn trong mộ người Điền là sản phẩm của người Điền, do người Điền chế tạo, thì tại sao các đồ vật bằng đồng khác của văn hóa Điền lại không trang trí hoa văn người lông chim như trên trống đồng? Ngược lại, hoa văn người lông chim không chỉ trang trí trên trống đồng Đông Sơn mà còn trang trí trên một số đồ đồng của văn hóa Đông Sơn như thạp, thố, chậu, rìu, hộ tâm phiến… tất cả đều là di vật của văn hóa Đông Sơn.
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc cho rằng 6 dân tộc sinh sống trong phạm vi phân bố của trống Đông Sơn (trống Thạch Trại Sơn) đều là tác giả đã chế tạo và sử dụng trống Đông Sơn. Chúng ta đều biết, đến nay, trong 6 dân tộc ngụ cư tại đó, chỉ có người Lạc Việt và người Điền là có một nền văn hóa đồ đồng phát triển, 4 dân tộc còn lại chưa phát hiện được bất kỳ thứ đồ đồng nào thuộc về họ. Vậy làm sao họ có thể chế tạo ra một loại nhạc cụ - trống đồng - có kích thước lớn và hoa văn trang trí đẹp như vậy?
Hơn thế nữa, trong khu vực cư trú của một vài dân tộc ở khu vực Tây Nam Quảng Tây và khu vực Bắc Việt Nam, ngoài trống đồng Đông Sơn, còn phát hiện một loại trống khác là trống Vạn Gia Bá. Vậy ngoài dân tộc chế tạo trống đồng Đông Sơn, dân tộc nào đã chế tạo ra loại trống Vạn Gia Bá đang tồn tại ở đây?

nha-chuong-tim-thay-tai-phu-tho.jpg
Một số Nha chương được tìm thấy tại tỉnh Phú Thọ (Ảnh do PGS.TS. Đặng Hồng Sơn cung cấp)


Một điều đáng chú ý, trong sưu tập trống chôn trong mộ người Điền ở Thạch Trại Sơn, có một số trống Đông Sơn bị người Điền cạo sạch hoa văn người lông chim, khắc đè lên đó hoa văn người mặc áo dài - hình ảnh của người Điền, biến trống Đông Sơn thành trống của người Điền. Vì sao người Điền lại làm như vậy? Có gì khác ngoài nguyên nhân: vì trống Đông Sơn - trống có trang trí hoa văn người lông chim, không phải là trống thuộc văn hóa Điền. Điều đó ngược với luận điểm của các nhà khảo cổ học Trung Quốc cho rằng trống chôn trong mộ người Điền đều là trống của người Điền, do người Điền chế tạo.


Trong sưu tập trống chôn trong mộ người Điền chủ yếu là trống Đông Sơn - trống do người Lạc Việt chế tạo và trống của người Điền do người Điền mô phỏng trống Đông Sơn hoặc cải tạo trống Đông Sơn thành trống người Điền. Vậy, một sưu tập trống Đông Sơn - trống do người Lạc Việt chế tạo, đã tồn tại ở đây bằng cách nào?


Tóm lại, xác định tộc thuộc của trống đồng nói riêng và các loại di vật khảo cổ học nói chung, không đơn giản chỉ dựa vào tiêu chí địa điểm, hoặc di tích đã phát hiện ra chúng. Đồng nghĩa, khi chiếc trống đồng (trước nay vẫn thuộc về văn hóa Đông Sơn, do người Lạc Việt chế tác) được phát hiện tại khu Thạch Trại Sơn (Trung Quốc), các nhà khảo cổ học Trung Quốc lại đặt ra vấn đề: Trống Đông Sơn (mà các nhà khảo cổ học Trung Quốc gọi là trống Thạch Trại Sơn) là sản phẩm của các dân tộc sinh sống trên đất nước Trung Quốc ngày nay là hoàn toàn không có căn cứ. Chính những nghiên cứu để xác định đúng tộc thuộc của trống đồng Đông Sơn đã cho ta thêm những nhận định về một di sản quý giá của người Việt cổ này.

Chứng tích của cuộc đấu tranh chống giặc Ân

Từ năm 1976, trong quá trình lao động và sản xuất, người dân Phú Thọ đã tìm thấy một sưu tập đồ đá có hình dáng kỳ lạ. Chúng được làm bằng loại đá có độ hạt mịn, độ cứng cao (Nephơrít), mài nhẵn toàn thân, trên thân không còn dấu vết ban đầu. Các di vật đá đó có thân hình mỏng, rộng hẹp, dài ngắn khác nhau gồm: chuôi, thân, lưỡi và 2 mấu nhỏ ở phần tiếp giáp giữa chuôi và thân. Mô tả bộ sưu tập đồ đá, các nhà khảo cổ học ghi nhận: Chuôi thường có hình chữ nhật, ngắn gần vuông, trên chuôi thường có từ một đến hai lỗ khoan nhỏ, có thể dùng trong lúc táp thêm một cán, chuôi bằng gỗ; thân mỏng dài, lưỡi ở đầu thân, có loại lưỡi tương tự như đuôi cá, có loại cong lõm vào. Thoáng nhìn nó giống như một chiếc răng, có chân răng, thân răng. Nhìn chung di vật mảnh mai, không phù hợp với một công cụ dùng trong lao động sản xuất hoặc một công việc đòi hỏi sức mạnh. Hơn nữa, tại nơi được gọi là lưỡi, chưa phát hiện thấy dấu vết sử dụng… Bước đầu, giới làm khảo cổ đoán định, nó có thể là một biểu tượng cho một ý tưởng nào đó của triều đại.


Tuy nhiên, loại di vật này đã từng được tìm thấy ở Trung Quốc, các nhà khảo cổ học Trung Quốc gọi nó là Nha chương. Nhiều nhất là những chiếc Nha chương của triều đại nhà Thương, được coi là những Nha chương có niên đại sớm nhất. Chúng có hình dáng phong phú, biến đổi theo thời gian và địa điểm phát hiện. Cho đến nay, các nhà khảo cổ học Trung Quốc cũng chưa có câu trả lời thống nhất cho câu hỏi “Nha chương được chế tạo để làm gì?”. Song, đáng chú ý trong số các ý kiến đưa ra đó có quan điểm cho rằng loại di vật này liên quan đến quân sự, dùng để điều binh khiển tướng. Đây là chiều suy luận thuyết phục, bởi di vật được phát hiện trong di chỉ của triều đại xã hội phát triển. Nhà Thương lúc đó đã bước vào xã hội nô lệ, mọi mặt đều phát triển, đã phát minh ra chữ viết…, lại thường xuyên đem quân đi xâm lược các dân tộc khác để cướp của, bắt người làm nô lệ. Do vậy, việc điều binh, khiển tướng trở thành nhu cầu của tầng lớp quý tộc lúc đó.


Trở lại với bộ sưu tập đồ đá ở Phú Thọ, tính đến nay đã phát hiện được 8 thanh Nha chương, trong đó 3 chiếc trong di chỉ Phùng Nguyên, 5 chiếc trong di chỉ xóm Rền, đều là di chỉ của văn hóa Phùng Nguyên. Chúng tồn tại trong mộ táng, trong hố đất đen, trong tầng văn hóa của di chỉ đó. Nhưng cũng cần nói thêm, không phải mộ táng, hố đất đen của di chỉ khác thuộc văn hóa Phùng Nguyên cũng phát hiện di vật này. Ví dụ như ở di chỉ Nghĩa Lập gần đó - cũng là một di chỉ của văn hóa Phùng Nguyên, nhưng trong mộ táng, hố đất đen, tầng văn hóa… chưa phát hiện một thanh Nha chương nào.


Không ít câu hỏi đã được đưa ra cho Nha chương ở Phú Thọ: Thứ nhất, nếu chúng là di vật của văn hóa Phùng Nguyên, vì sao chỉ tập trung trong một hai di chỉ? Thứ hai, nếu chúng là di vật của văn hóa Phùng Nguyên, thì nhu cầu của người Phùng Nguyên đối với di vật này như thế nào? Thứ ba, những chiếc Nha chương phát hiện ở Phú Thọ lại rất giống với những chiếc Nha chương của nhà Thương. Do vậy rất khó nhận định, những chiếc Nha chương phát hiện ở Phú Thọ là sản phẩm của người Phùng Nguyên chế tạo... Trong một lần trao đổi với cố Giáo sư Hà Văn Tấn, tác giả bài viết này đã từng bày tỏ quan điểm và nhận được sự đồng tình của ông khi nhận định, loại di vật này không phải là của văn hóa Phùng Nguyên. Sự có mặt của chúng ở Phú Thọ hẳn liên quan đến cuộc xâm lược của nhà Thương đối với nước ta.


Người Việt không ai không biết câu chuyện Thánh Gióng đánh giặc Ân, nhưng không phải ai cũng giải mã được giặc Ân từ nước nào, thuộc thời đại nào ở phương Bắc đến xâm lược nước ta. Theo lịch sử Trung Quốc, sau khi nhà Hạ bị lật đổ, nhà Thương ra đời, vào giai đoạn cuối, nhà Thương chuyển đến khu vực Ân Khư, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay, và cũng từ đó nhà Thương được gọi là nhà Ân. Nhà Ân chính là tên gọi khác của nhà Thương, giặc Ân mà nhân dân ta gọi chính là giặc nhà Thương. Chuyện Thánh Gióng còn cho biết lúc đó nhân dân ta đã biết dùng vũ khí bằng sắt như kiếm sắt, roi sắt... để đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi. Từ đây, có thể suy luận, những thanh Nha chương ở Phú Thọ hẳn có liên quan đến giặc Ân xâm lược nước ta. Chúng chính là chứng tích của cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của giặc Ân (nhà Thương) ra khỏi bờ cõi.
Câu chuyện của trống đồng Đông Sơn và Nha chương ở Phú Thọ là minh chứng rõ nét cho sự tham gia của di vật khảo cổ vào giải mã lịch sử, góp phần bảo tồn di sản. Rõ ràng, khảo cổ học với những điều “tai nghe mắt thấy” từ thực tế có vai trò đắc lực trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Việt

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Di vật khảo cổ học: Những giải mã ý nghĩa cho lịch sử và bảo tồn di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO