Lấp lánh dòng chảy lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Hồng Thinh| 05/10/2022 05:09

Từ những giây phút thăng hoa và cháy hết mình của nghệ sĩ tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V - 2022, khán giả được đắm mình trong các vở diễn lấp lánh dòng chảy lịch sử Thăng Long - Hà Nội để cùng trăn trở, ngẫm suy.

Lấp lánh dòng chảy lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Vở cải lương “Bất tử với Thăng Long” của Nhà hát Cải lương Việt Nam đem đến cho khán giả những phút giây xúc động về hình tượng tổng đốc Hà thành Nguyễn Tri Phương. Ảnh: HT 

Suốt những ngày se se hương thu, rạp Đại Nam, rạp Công Nhân, rạp Hồng Hà cùng một số điểm biểu diễn khác như Nhà hát Kịch nói quân đội, Nhà hát Chèo quân đội, Trườngng Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội đã trở thành điểm hẹn của những người yêu sân khấu Thủ đô. Bởi lẽ, khi đến với mỗi không gian biểu diễn này, khán giả được hòa mình vào những đêm diễn của các thể loại sân khấu tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V - 2022, như: Kịch nói, chèo, cải lương và kịch xiếc (lần đầu tham gia). Và, 13 vở diễn: “Bất tử với Thăng Long”, “Trung trinh liệt nữ”, “Sóng dựng Lô Giang”, “Trời Nam”, “Mưa đỏ”, “Đêm trước ngày hoàng đạo”, “Án tình”, “Câu hát tìm nhau”, “Hoa cúc nhà trời”, “Hà Nội - Thành phố của những giấc mơ”, “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên”, “Huyền tích chùa Một Cột” và “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” của 13 đơn vị nghệ thuật đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Trung ương đã đem đến cho khán giả biết bao cung bậc cảm xúc trước không ít câu chuyện lắng sâu về dòng chảy lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Đó là câu chuyện về nàng công chúa An Tư trong trắng dịu hiền đã xả thân cứu nước được khắc họa xúc động trong vở chèo “Trung trinh liệt nữ” của Nhà hát Chèo Hà Nội. Giữa lúc vận nước khó khăn, chưa thể ngăn nổi vó ngựa bách chiến, bách thắng của giặc Nguyên đang tiến như vũ bão vào thành Thăng Long, hòng bắt quan quân nhà Trần, công chúa An Tư bất đắc dĩ trở thành mỹ nhân kế của triều Trần. Sang trại tướng giặc tàn bạo Thoát Hoan với vai trò là một vật cống nạp nhưng thực tế nàng đã là một liệt nữ trực tiếp xung trận, góp phần quan trọng vào việc cản bước quân giặc, ngăn đà tiến công của chúng để quan quân nhà Trần có thời gian củng cố lực lượng rồi phản công giành chiến thắng. 

Là một đào thương tài năng hát hay, diễn giỏi, khi vào vai công chúa An Tư, nghệ sĩ trẻ Thanh Huyền đã khiến khán giả không khỏi rưng rưng nước mắt trước sự lựa chọn của nàng giữa việc nước và tình riêng - mối tình với Chiêu Thành vương Trần Thông: “Vì sự an nguy của sơn hà xã tắc, vì non sông Đại Việt, vì muôn dân trăm họ, An Tư ta xin chấp thuận”. Hoặc như lúc công chúa An Tư vững vàng và tài trí ứng phó với tên giặc Thoát Hoan hám sắc, bạo tàn: “Tình yêu Đại Việt lớn hơn tất cả. Ta muốn làm để xoa dịu nỗi đau cho những người dân lành đã phải chịu đựng sự tàn bạo ghê rợn của kẻ thù/ Ta là một công chúa triều Trần, một người con dân Đại Việt thì ta phải đánh, phải đuổi ngài ra khỏi bờ cõi thiêng liêng này chứ?” Chẳng những thế, cũng ở vở diễn này, khán giả còn được hả lòng, hả dạ trước lời tạ lỗi của người vợ Thoát Hoan: “Triều đình Đại Hãn đã sai lầm khi giành những gì không thuộc về mình, xin non nước này hãy tha tội cho chúng tôi”.

Đó là khúc bi tráng về tổng đốc thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương trong vở cải lương “Bất tử với Thăng Long” của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Khi đắm mình vào vở cải lương lịch sử này, khán giả thêm một lần được tự hào về một người con đất Việt kiên trung đối đầu với giặc Phú Lang Sa (thực dân Pháp) và quyết giữ thành Hà Nội cho đến hơi thở cuối cùng. Mặt khác, từ cách ứng xử của vị quan tổng đốc này với dân, với nước, khán giả còn như được thấy những khát vọng, ước mơ về một người đứng đầu luôn hiểu rằng: “Chiếc ghế tổng đốc Hà thành được cố kết bởi lòng dân” nên: “Làm quan phải như cây cao bóng cả cho dân tựa vào nương náu khi mưa. Làm quan là phải thương dân, không được làm cho dân sợ”. 

Đó còn là câu chuyện xúc động về vua Lê Thánh Tông với bao nỗi trăn trở khi lật lại vụ án Lệ Chi viên để giải oan cho khai quốc công thần Nguyễn Trãi và bà lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ trong vở cải lương “Đêm trước ngày hoàng đạo” của Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt. Hay câu chuyện về Trần Nguyên Hãn - vị tướng từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, góp công dựng nghiệp nhà Hậu Lê cũng như dốc lòng, dốc sức chăm lo việc nước lúc giang sơn yên bình nhưng lại phải chịu bi kịch giữa chốn quan trường tranh quyền, đoạt vị, trong vở chèo “Sóng dựng Lô Giang” của Nhà hát Chèo quân đội. Sân khấu Lệ Ngọc thì từ huyền tích chùa Một Cột để kể với khán giả câu chuyện về vua Lý Thái Tông - một vị vua nhân từ, khoan dung, tài trí hơn người trong vở kịch nói “Huyền tích chùa Một Cột”…

Có thể thấy, qua những nhân vật, câu chuyện lịch sử được tái hiện và khắc họa trong các vở diễn tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô, khán giả được dịp ngược dòng trở về với những tháng năm hào hùng cha ông giữ gìn, bảo vệ, dựng xây kinh đô Thăng Long - Hà Nội để rồi cùng ngẫm suy và soi mình vào những tấm gương sáng ngời về tài đức, nhân cách. Và, không ít vở diễn còn gửi gắm các thông điệp, giá trị vẹn nguyên tính thời sự để người đời nay được khát vọng, ước mơ…

 Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V - 2022 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25/9 đến ngày 2/10/2022. So với kỳ liên hoan trước, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 5 có khá nhiều vở diễn kể chuyện về Thăng Long - Hà Nội và bên cạnh các đơn vị nghệ thuật công lập còn thu hút được sự tham gia của một số đơn vị nghệ thuật xã hội hóa. Tuy nhiên, tiếc là những vở diễn kể chuyện về Hà Nội hôm nay vẫn tiếp tục vắng bóng, khi trong 13 tác phẩm thì chỉ có đôi tác phẩm kể chuyện về vẻ đẹp người Hà Nội bây giờ như “Mưa đỏ” hay “Hoa cúc nhà trời”, “Hà Nội thành phố của những giấc mơ”... còn lại đều kể chuyện xưa. Cùng với đó, kịch bản văn học mới còn ít ỏi nên phần lớn là kịch bản quen thuộc, đã từng được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng như: “Bất tử với Thăng Long”, “Đêm trước ngày hoàng đạo”, “Trời Nam”, “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường”... Ngoài ra, bên cạnh những vở diễn được đầu tư khá chỉn chu cả về dàn dựng lẫn diễn xuất thì vẫn còn đó một số vở diễn có phần quá đơn điệu về thiết kế mỹ thuật, vai diễn chưa được trau chuốt, đôi khi diễn viên quên lời và diễn khô cứng, thiếu cảm xúc. Thậm chí có vở diễn được dàn dựng thiếu logic, lan man, chưa làm bật được thông điệp, giá trị tư tưởng. 

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc
    Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình.
  • Đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội là cơ sở hình thành văn hóa thanh lịch, giá trị sống hướng tới sự an bình
    GS-TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, nhận định, đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội chính là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình. Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long – Hà Nội.
  • Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa
    Theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển), tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, UNESCO phong tặng danh hiệu “Thành phố hòa bình” cho Hà Nội là đúng đắn.
  • Đêm hồ Gươm kỳ diệu
    Sáng rực, lung linh, huyền ảo, thơ mộng - những vòm cây ven hồ sẫm tối nhả ra muôn ngàn trái quả nhấp nhánh như trong một đêm địa đàng, một vườn cổ tích. Ấy chính là quang cảnh hồ Gươm những ngày lễ Tết trong ký ức tuổi thơ tôi.
  • Chuyện ở hàng nước mắm
    Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.
  • Kiến trúc Thủ đô (1954 - nay): Dấu ấn qua mỗi chặng đường
    Sau ngày tiếp quản (10/10/1954), từ một thành phố nhỏ bé, với lượng dân số ít, Hà Nội đã vươn tầm trở thành thành phố lớn trong khu vực và thế giới với không gian kiến trúc đô thị đa hệ, giàu bản sắc và phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, có thể thấy ngành kiến trúc quy hoạch xây dựng đã có những đóng góp đáng kể và để lại nhiều dấu ấn. Đây chính là những bước đệm, tạo đà cho sự phát triển của đô thị Hà Nội trong tương lai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lấp lánh dòng chảy lịch sử Thăng Long - Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO