Làng Phú Xá (tên Nôm là làng Xù, xưa thuộc tổng Phú Gia, phủ Hoài Đức, trấn Sơn Tây) nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Vùng này xưa là cửa sông Thiên Phù nối với sông Hồng. Ở thế kỷ XV, căn cứ một số bản đồ cổ, GS Trần Bá Chí cho biết: Vua Lê Đại Hành từ Hoa Lư ra còn qua sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô, sông Thiên Phù, sông Hồng. Ngược lên phía Bắc qua sông Cán Khê, Cà Lồ lên tới sông Cầu (sông Nguyệt Đức).
Đình làng Phú Xá
Hệ thống sông Thiên Phù, Cán Khê không còn, nay chỉ là những mảnh ao, đầm song khoảng đời Lê vẫn còn tác dụng với địa vực Long Đỗ - Từ Liêm (sau là Thăng Long - Hà Nội). Bản đồ Hồng Đức năm 1490 vẫn ghi rõ Thiên Phù giang. Dân làng ven hồ Tây cho biết sông Thiên Phù tách ra từ làng Xù chảy xuôi qua đền Sóc ở giữa Xuân Tảo xã, Quán La sở, Bái Ân, Nghĩa Đô (đất làng Tân - chợ Bưởi) thì nhập Tô Lịch giang. Nơi đây là quê hương của cụ Nguyễn Kiều, một vị quan đức độ thanh liêm với nhiều đóng góp cho triều đình nhà Lê.
Gia phả dòng họ Nguyễn cho biết cụ Nguyễn Kiều tổ tiên ở Thanh Hóa. Đời thứ nhất về làng Xù là cụ Nguyễn Khắc Yên. Đời thứ hai là cụ Nguyễn Khắc Minh. Cụ Minh sinh ra Nguyễn Khắc Kiều ngày 27/2 năm Ất Hợi (1695), quen gọi là Nguyễn Kiều, tự Hạo Hiên. Nguyễn Kiều đậu Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715) làm quan Đô ngự sử, Chánh sứ năm 1740, được tiếp kiến vua Thanh Thế Tông tức vương triều Ung Chính. Đi sứ Trung Quốc, ông sáng tác tập “Sứ Hoa tùng vịnh” với nghệ thuật điêu luyện, tình cảm trong sáng và nhớ quê đau đáu:
Rơi lệ thương quê trời vạn dặm
Khuya tàn mộng khách nguyệt ba canh.
Đến đất Thượng Ngô (Quảng Tây), đoàn được thăm cảnh đẹp Ngạc Trì. Truyền rằng sau này, Phạm Tâm nuôi 10 con cá sấu để xử tội tù nhân. Cá sấu không ăn thì người mắc tội oan được tha. Một thời gian sau, cá sấu hóa rồng bay về trời. Tổng đốc Hàn Ung đổi tên ao Ngọc Trì thành Gia Ngự Tôn, vườn biến thành nơi trường học dạy học trò. Nguyễn Kiều viết bài “Bóng trăng Ngạc Trì” năm 1742:
Cá sấu Ngạc Thành đâu đã kỳ
Cóc vàng Cung Quảng lội ao đi
Vẩy trai óng ánh như trải biếc
Lấp loáng cá bơi sóng thầm thì
Văn nhân nghiên bút dòng tuôn chảy
Nhà học bốn mùa nước lạ kỳ
Ao xưa nền cũ tìm đâu thấy
Nước biếc lầu son, trăng chớp mi
(bản dịch)
Bà Đoàn Thị Điểm, hiệu là Hồng Hà nữ sĩ quê làng Giai Phạm nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên là vợ kế của quan Đô ngự sử Nguyễn Kiều. Bà học chữ Hán, chữ Nôm, có tài thơ văn, là tác giả của “Truyền Kỳ tân phả” và dịch tác phẩm chữ Hán “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn ra chữ Nôm.
Đến với ông Kiều, bà Điểm phải nuôi dạy 3 đứa trẻ mồ côi, đỡ đần ông Kiều bận đi sứ Trung Quốc. Khi vợ chồng sum vầy, có những phút xướng họa thơ. Đây là cảnh chơi thuyền ngắm trăng trên sông Thiên Phù, bà Điểm viết:
Sao nhỉ đêm thu đốt đuốc chơi
Sáng như ngày hửng quế thơm trời
Cầu Ngân bến Hán treo cao nhịp
Phách ngọc đầu thu tỏa ánh ngời
Đồng nội trước nay nhìn chẳng khác
Phồn hoa vua chúa đất này thôi
Hứng đưa chẳng quản sông hồ lạ
Một mái chèo thênh chuốc rượu mời.
(Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn)
Năm 1748, ông Kiều tổ chức 10 chiếc thuyền đưa cả gia đình vào Nghệ An nhậm chức. Do không chịu được sóng gió trên đường đi nên bà đã mắc bệnh, và mất vào ngày 11/9 Âm lịch Mậu Thìn (1748). Nguyễn Kiều lúc đó bận việc nhiệm sở nên chỉ tổ chức thuyền tang, đưa linh cữu về chôn ở xứ Cổng Đồng. Ông gửi theo sáu bài văn tế để khóc vợ từ lúc rời ở bến sông cho đến lúc hạ huyệt. Bài văn tế có đoạn:
Ba năm đi xứ Bắc, mày liễu buồn chau
Năm ngựa trở về nhà, mặt hoa hớn hở
Lúc rảnh việc cùng vui thú văn hàn
Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu
Ngọc nát châu chìm, lòng tôi quặn nhớ.
Mộ bà hiện nay ở bên phố Phú Xá, lối rẽ bên cầu Nhật Tân. Ông Kiều sau thời gian làm Đốc Đồng xứ Nghệ được về Thăng Long thăng chức Chánh Đô ngự sử rồi Bồi Tụng (phó Tể tướng). Ông mất vào ngày 16/6 năm Tân Mùi (1752). Dân làng tôn làm Thành hoàng làng Phú Xá. Năm 1750, đình làng Phú Xá khánh thành và hiện nay vẫn còn di bút của ông đề trên tấm biển gỗ nói việc lập làng, xây đình. Xin trích từ bản dịch chữ Hán:
… “Tên đình là “Tụy Lạc Đình” (tập hợp những điều vui vẻ). Mỗi làng có niềm vui riêng biệt không khi nào là không tụ họp ở ngôi đình. Vì thế mà bảo ngôi đình là nơi tụ họp niềm vui cũng chẳng phải là sự kết hợp lắm đó sao! Song cũng chỉ là niềm vui một làng mà thôi. Còn như du khách bốn phương đến thăm ngôi đình này thấy cấu trúc ngôi đình sẽ tán thưởng rằng: Các vị quan triều tôn quý của ngôi làng này đã làm nên ngôi đình quý giá để cho con cháu muôn đời sau tận hưởng, thanh danh tiền nhân không bao giờ mất, phúc đức để lại cho con cháu đến mãi vô cùng…”
Mộ ông ở xứ Đồng Tâm, dân làng quen gọi mộ cụ Nghè. Ngày 28/7/2011 mộ ông được chuyển về hợp táng bên mộ bà Điểm. Khu mộ có tường bao, có vườn hoa cây cảnh bên phố Phú Xá.
Bia mộ bà Điểm ghi: “Phong tặng Chinh phu nhân Đoàn Thị Điểm Hiển Chính Thuần, thân chủ mất ngày 14/5 “Hiển Tôn - Hồng Hà nữ sĩ - chi mộ”.
Chúng tôi có hỏi và xem gia phả dòng họ Nguyễn Khắc, ông Nguyễn Khắc Tạc, đời thứ 13 cho biết đó là ngày chuyển táng bà Điểm cùng hai người vợ khác. Còn ngày giỗ bà theo gia phả dòng họ Đoàn ở Giai Phạm, Văn Giang (nay là Yên Mỹ) Hưng Yên cho biết đó là ngày 11/9 âm lịch