Làm hồi sinh “Bộ bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường

Nhật Anh| 14/11/2022 10:52

Hà Nội đang chung sức đồng lòng cùng các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắk Lắk lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh Mo Mường là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Loại hình nghệ thuật đặc sắc mà giới học giả trong và ngoài nước đánh giá như “Bộ bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường đó thực sự là một trong những di sản quý giá mà Hà Nội đang lưu giữ trong đời sống cộng đồng đương đại.

Bộ bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường

Không phải ngẫu nhiên mà hơn một thế kỷ đã qua, kể từ khi người Pháp khơi màn nghiên cứu về các dân tộc ở Việt Nam, đã có hàng trăm công trình khoa học lớn, nhỏ nghiên cứu về Mo của người Mường. Mo trở thành một trường hợp hiếm hoi trong số những sản phẩm văn hóa của người dân tộc thiểu số Việt Nam được nghiên cứu nhiều nhất cho đến giờ. Cũng không phải ngẫu nhiên mà giới học giả trong và ngoài nước đưa ra rất nhiều khái niệm về Mo Mường. Nhưng tựu trung lại, Mo Mường đích thực là tên gọi một loại nghề nghiệp, một loại hình di sản văn hóa có tính nguyên hợp, là hoạt động tín ngưỡng, văn hóa dân gian chỉ thực hiện trong tang lễ và một số nghi lễ tín ngưỡng, nghi lễ vòng đời của người Mường. Mục đích nhằm cầu mạnh khỏe, trấn an con người trước các biến động lớn khi đau ốm, chết người và thực hiện các nghi lễ trong tang lễ trước khi đưa người chết đi mai táng.

trinh-dien-mo-muong-trong-doi-song(1).jpg
Trình diễn Mo Mường trong đời sống.


Mo Mường gồm 3 lĩnh vực chính cấu thành: Lời Mo (các bài văn khấn, văn vần dân gian), môi trường diễn xướng (tang lễ và các nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội liên quan) và con người thực hành diễn xướng mo, tức là nghệ nhân mo. Trong đó, lời mo gắn liền với nghệ nhân mo chiếm vị trí quan trọng nhất. Bao đời qua, lời mo được truyền dạy gắn liền với con người thực hành mo và lưu giữ trong truyền khẩu dân gian. Chỉ từ khi được sưu tầm, biên dịch, in thành sách, lời mo mới tồn tại riêng rẽ ngoài con người.
Được chứng kiến nghi lễ Mo sẽ hiểu Mo Mường chứa đựng trong nó những giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử, nhân sinh quan, vũ trụ quan, ngữ văn dân gian của người Mường. Bởi trong mo Mường có: ngữ văn dân gian - chính là lời mo, các câu chuyện truyền thuyết, câu chuyện phản ánh lịch sử, giải thích sự vật, hiện tượng trong cuộc sống, giải thích một số phong tục tín ngưỡng Mường, tiếng Mường - Việt cổ; vũ trụ quan, nhân sinh quan: quan niệm về thế giới được sinh ra từ một vụ nổ, vũ trụ 3 tầng - 5 thế giới; các quan niệm về cuộc sống của người Mường...; địa chí dân gian, địa vực người Mường sinh sống; tri thức dân gian: kinh nghiệm sản xuất, lịch pháp, phân loại thực vật, kinh nghiệm ứng xử với tự nhiên...; hệ thống biểu tượng văn hóa: đồ túi khót của thầy mo, các biểu tượng trong tang lễ, đồ vàng mã, nhà táng, mộ Mường... có trong tang lễ phục vụ cho diễn xướng Mo; âm nhạc dân gian: giai điệu các bài mo, nhạc lễ trong mo…; các hiện tượng thiêng chưa giải thích được: bùa chú, mằn hà của các thầy Mo… Mo Mường cũng chứa đựng hệ thống tín ngưỡng dân gian Mường, bao gồm các tục thờ: thờ tổ tiên, thờ tổ nghề; tục thờ người sống: các nghi lễ làm vía, có nơi gọi là mo vía...; tục thờ cây: các nghi lễ làm vía kéo si…; tục hiến sinh: mo trâu, bò, gà...

thay-mo-lam-phep-trong-nghi-le-lam-mat-nha-copy.jpg
Thày Mo làm phép trong nghi lễ làm mát nhà.


Phải nói rằng, đây là một loại hình di sản văn hóa đặc biệt của người Mường có dung lượng khổng lồ, có sự ảnh hưởng sâu sắc, chi phối đến mọi mặt đời sống của người Mường bao đời qua, hiện tại và cả tương lai. Giới học giả trong và ngoài nước đánh giá Mo Mường như "Bộ bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường, những gì có ở người Mường đều được phản ánh trong Mo Mường quả là không sai.


Di sản Mo Mường hiện có tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Hà Nội. Riêng tại Hà Nội, đồng bào Mường sống ở cả 30 quận, huyện, thị xã, nhưng tập trung đông nhất tại huyện Thạch Thất và huyện Ba Vì. Theo kết quả đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội” công bố năm 2016, di sản Mo Mường được kiểm kê với các tên gọi khác nhau tại các địa phương như: Bài cúng ma - cúng giỗ của dân tộc Mường tại các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì); tập quán ma chay của người Mường ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai; nghi lễ tang ma của người Mường ở thôn Luồng, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. Hiện trên địa bàn Hà Nội chỉ còn 7 thầy Mo còn đang thực hành Mo Mường thường xuyên. Người cao tuổi nhất là ông Đinh Công Sinh ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì, 86 tuổi, còn người trẻ tuổi nhất là anh Đinh Xuân Nam ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, 28 tuổi. 

Còn những nỗi lo

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng bộ hồ sơ quốc gia về Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp. Tại Hội nghị triển khai công tác xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường (diễn ra ngày 3/10) - một trong những khâu quan trọng trong tiến trình này, chuyên gia của Viện Âm nhạc Việt Nam đã hướng dẫn, phổ biến về công tác kiểm kê theo quan điểm và yêu cầu của UNESCO đối với các di sản văn hóa phi vật thể; ứng dụng lý thuyết vào công tác kiểm kê di sản Mo Mường ở Hà Nội, hướng dẫn kiểm kê; thực hành kiểm kê thông qua việc phỏng vấn các thầy Mo. Thông qua đó, nhận thức về di sản Mo Mường được củng cố, nâng cao hơn trong đội ngũ cán bộ, từ đó phục vụ tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường, hướng tới việc di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường được UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.


Tuy nhiên, đứng trước ngưỡng cửa bước ra thế giới, những người làm di sản vẫn ăm ắp nỗi lo hướng về phía Mo Mường. Trước hết là theo kế hoạch, hồ sơ quốc gia Mo Mường đệ trình UNESCO phải hoàn thành trong năm nay để kịp nhận góp ý, chỉnh sửa và trình lên UNESCO vào tháng 3/2023. Nhìn từ thực tế, nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hóa cho rằng, kế hoạch này khó khả thi bởi tiến độ xây dựng hồ sơ của các địa phương thực sự không đáp ứng được yêu cầu. TS. Phạm Minh Hương - Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam chia sẻ, có 7 tỉnh cùng cam kết tham gia vào việc xây dựng hồ sơ di sản Mo Mường gồm Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa, Đắk Lắk. Đây là các tỉnh vẫn còn giữ các nghi lễ Mo trong sinh hoạt của người Mường, song đến nay chỉ có Hòa Bình và Ninh Bình là sẵn sàng. Ngoài khó khăn về bố trí kinh phí, để trình hồ sơ lên UNESCO thì các tỉnh đứng tên trong hồ sơ này đều phải có trong tay quyết định công nhận Mo Mường của tỉnh mình là di sản phi vật thể cấp quốc gia trước tháng 12 năm nay. Vậy mà hiện mới chỉ có Hòa Bình đã có quyết định từ năm 2016, các tỉnh khác quá khó khăn để đạt được tiến độ trên. Vì vậy đơn vị chủ trì (tỉnh Hòa Bình) và đơn vị tư vấn (Viện Âm nhạc Việt Nam) đang tính đến việc lùi lại kế hoạch đã định.
Ngoài băn khoăn về tiến độ, ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, còn băn khoăn liệu chỉ làm hồ sơ cho Mo tang ma mà không làm các Mo khác (Mo mát nhà, Mo vía mụ, Mo cầu mạnh, Mo cầu thọ...) như đề xuất của các nhà nghiên cứu thì có là thiếu sót? Còn các nghệ nhân - những “người trong cuộc” và các nhà nghiên cứu - những người hiểu tường tận về di sản lại chất chứa nỗi lo kết nối từ hiện thực cuộc sống. Không ai có thể phủ nhận giá trị văn hóa to lớn của Mo Mường như áng sử thi lớn phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội người Mường cổ xưa. Thế nhưng hiện nay 70 - 80% Mo Mường không còn được diễn xướng trong đời sống bởi tập tục đã thay đổi nhiều. Để diễn xướng đủ bài Mo tang ma như trước đây thì cần 12 ngày hoặc hơn, nhưng thực tế hiện nay tất cả các nơi đều thực hiện chôn cất người quá cố trong 48 giờ… Vậy phải làm thế nào để hồi sinh “Bộ bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường thực sự là câu hỏi lớn…


Có thể thấy, Mo Mường là một sáng tạo vĩ đại của người Mường, tích tụ trong nó gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hóa Mường: lịch sử, văn học, xã hội, nghệ thuật, tín ngưỡng, sinh hoạt..., là di sản văn hóa phản ánh rõ thế giới quan, nhân sinh quan của người Mường rất cần được trân trọng, bảo tồn, lưu giữ cho đời sau. Đó đích thực là “Cuốn bách khoa thư dân gian” về người Mường còn chưa được nghiên cứu, hiểu biết thấu đáo, đầy đủ. Hành trình đi và đến danh hiệu Di sản phi vật thể bảo vệ khẩn cấp của UNESCO là con đường đi đúng đắn để di sản tìm thấy giá trị đích thực của nó trong đời sống đương đại hôm nay.

Một số giá trị cốt lõi trong Mo Mường

Giá trị ngữ văn dân gian và giáo dục của Mo Mường vẫn còn nguyên trong đời sống ngày nay, là bộ sách giáo khoa truyền miệng và có tính răn dạy giáo dục rất sâu sắc, góp phần dung dưỡng nên tâm hồn và nhân cách sống dung dị, hiền hậu và cũng rất quyết liệt của người Mường.
Giá trị lịch sử là điều dễ nhận thấy rõ trong mo Mường, cụ thể trong tập hợp các roóng mo Đẻ đất - Đẻ nước, giúp cho người Mường thông qua Mo có thể tìm hiểu về cội nguồn dân tộc Mường Việt cổ.
Giá trị bảo vệ, sàng lọc văn hóa: Nhờ có Mo Mường nên gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, các loại đạo ngoại lai rất khó thâm nhập vào người Mường. Ngày nay cũng vậy. Mất Mo Mường là hết sức nguy hiểm, người Mường, văn hóa Mường mất đi khả năng phòng vệ trước văn hóa ngoại lai có hại cho người Mường.

Bài liên quan
  • Festival kết nối di sản Ninh Bình 2022
    Từ ngày 17/11 đến ngày 19/11/2022 tại thành phố Ninh Bình, "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" được tổ chức với chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm".
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
  • Huy động sức dân xây dựng Thủ đô Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp
    Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm, thúc đẩy phong trào chung tay hành động để xây dựng Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Làm hồi sinh “Bộ bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO