Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
Đây là một bảo tàng tư nhân, được thành lập từ tháng 12 năm 2004 trên diện tích gần 2000m2, trong khuôn viên rợp bóng mát cây xanh của gia đình ông Lâm Văn Bảng - Phó Ban liên lạc nhà tù Phú Quốc, người con của quê hương Nam Tuất, Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội. Bảo tàng do Ban liên lạc nhà tù Phú Quốc, điển hình là các ông Lâm Văn Bảng, Chu Hữu Ngọc, Nguyễn Ngọc Dư, Nguyễn Huy Phan, Nguyễn Văn Cử (Hà Nội); Nguyễn Văn Truyền, Nguyễn Văn Thử (Hà Nam); Út Long, Dương Văn Kế (Thành phố Hồ Chí Minh),... xây dựng. Các ông đã bỏ thời gian, công sức, tiền của để tìm kiếm, sưu tầm, trưng bày những hiện vật, chứng tích ở nhà tù Phú Quốc tại bảo tàng độc đáo này.
Nội dung trưng bày của bảo tàng hiện nay gồm 9 phòng theo thứ tự từ 1 đến 9. Khách đến tham quan trước hết phải thắp nén hương thành kính tại đền thờ các liệt sĩ anh dũng hy sinh ở Phú Quốc. Đền thờ này biểu tượng cho hồn thiêng, đất thiêng được lấy từ đảo tù bất khuất, còn chân hương trên bát nhang cũng được lấy từ Đá Chông - Ba Vì, nghĩa trang Trường Sơn đại ngàn, nghĩa trang Điện Biên lịch sử, thành cổ Quảng Trị anh hùng, Bến Được, Củ Chi, luỹ thép, tất cả hội tụ về để cùng vọng các hồn thiêng. Một điều mà ý tưởng xây dựng là ngôi đền được đặt dưới ao nước, tượng trưng cho hòn đảo giữa muôn trùng biển cả, còn nhịp cầu nối liền với đền thờ là sự giao hoà của âm dương.
Phòng số 2 là nơi ghi dấu bút tích của vị cha già dân tộc, một lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân văn hoá thế giới, một người tù bản lĩnh cao cả, khí phách hơn người, làm cho kẻ thù phải kính nể. Ở đây khách tham quan được xem những tài liệu hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh như: báo Người cùng khổ, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Tuyên ngôn độc lập, Thư gửi quốc tế cộng sản, gửi đồng chí Lê Duẩn, gửi giáo viên bổ túc văn hoá và những suy nghĩ của Người về lợi ích mười năm trồng người...
Phòng số 3 là nơi lưu giữ những hình ảnh truyền thống của “Bộ đội Cụ Hồ”, vẫn chiếc áo chấn thủ, chiếc ba lô của đồng chí Trường Chinh, chiếc bi đông dặm trường rong ruổi, chiếc gậy tầm vông, chiếc mã tấu, mũ tai bèo, tấm khăn dù, đôi dép cao su, cùng chiếc gậy “xẻ dọc Trường Sơn”, đi cứu nước mang hình ảnh người chiến sĩ vác bom ba càng xông trận “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” để chàng trai Cầu Giẽ, cô gái Suối Hai bắn rơi máy bay Mỹ. Trong phòng còn có tấm ảnh của đồng chí Đào Quang Được, Chủ tịch cựu chiến binh huyện Phú Xuyên, trao tấm khăn của người mẹ nước Lào cho phòng truyền thống. Cũng tại phòng trưng bày này quý khách lại có dịp chứng kiến hình ảnh xác địch chết chồng trên xe tăng, lính Mỹ bại trận về, Mỹ dùng máy bay ném xác đồng bọn, những thanh kiếm Nhật, lưỡi lê Pháp, mũ sắt Mỹ, bom 500kg, đạn M79, đạn pháo 12 ly, cả những quân hàm cấp uý, cấp tá không lực Hoa Kỳ cũng bị rơi rụng. Tiếp theo là những hình ảnh tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ thù được thể hiện ở các phòng 4, 5, 6. Những hình ảnh đục răng tù nhân, đánh tuốt móng tay, trói tù nhân treo ngược rồi cắt thịt, móc mắt, chôn sống, xả đạn bắn, thiêu cháy, lộn đầu trên vỉ sắt... Cũng tại đây, chúng dùng búa đập nát tay, dùng đinh dài 8cm đóng lên người, lên đầu tù nhân, chúng còn dùng gậy nhọn để đâm, đánh cho người tù ngắc ngoải - chúng đặt tên là “gậy sầu đời”, đánh người tù đến chết - chúng đặt tên là “gậy biệt ly”. Rồi chúng nhốt tù nhân vào “chuồng cọp thép gai” nằm không được, ngồi không yên phải co quắp trong nỗi đau khôn xiết giữa trời mưa, nắng. Có khu giam với diện tích 27m’ (dài 9m, rộng 3m), chúng giam tới 118 người giữa bốn bề lính canh coi giữ. Tàn ác hơn, chúng ném tù nhân đã buộc chặt trong bao tải vào chảo nước đang sôi sùng sục... Dã man, tàn bạo là thế, vậy mà các chiến sĩ cách mạng bị giặc bắt tù đày vẫn dũng cảm đấu tranh, giữ tròn khí tiết tin vào ngày toàn thắng. Những hình ảnh trưng bày ở phòng số 7 đã giúp người xem hiểu thêm về những gương sáng của chiến sĩ cách mạng ở Phú Quốc như: Trương Bá Ngãi (quê ở Phú Túc - Phú Xuyên, bị chúng dùng vô đập vào đầu, lấy gậy đánh gãy tay rồi chúng thay nhau giẫm giày đinh lên ngực cho tới lúc đồng chí hy sinh), Trần Văn Viêm (quê ở xã Hồng Minh - Phú Xuyên, đã tổ chức cho 30 chiến sĩ cách mạng vượt ngục bị địch bắt tra tấn sống đi chết lại vẫn không khai thác được gì, chúng liền buộc đồng chí vào xe kéo lê trên đất cho tới chết), đồng chí Nghị (quê ở Hữu Văn - Chương Mỹ, đã tự mổ bụng mình để đấu tranh với giặc) và còn biết bao tấm gương anh dũng khác bị giam ở chuồng cọp, hầm tối đã tuyệt thực hàng tuần lễ để đấu tranh, thậm chí sẵn sàng tự thiêu để phản đối chế độ nhà tù hà khắc, đã làm cho bọn chúa đảo, lính cai ngục nhiều phen khiếp vía. Đặc biệt, ở phòng số 8 là những hình ảnh, tài liệu quý nói lên sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng nhà tù. Từ cờ Đảng, cờ Đoàn tự tạo, đến bàn cờ phòng họp Chi bộ, những chiếc sáo bằng tôn để địch vận, chiếc lược chải đầu, chiếc kim châm cứu, chiếc bấm móng tay, chiếc xẻng đào hầm vượt ngục, chiếc kim khâu vá quần áo, con dao găm lấy ra ở thi hài tù nhân, đặc biệt hình ảnh chiếc thùng phi, cửa hầm đưa chiến sĩ cách mạng thoát vòng kìm kẹp đã chứng minh sự lãnh đạo của Đảng, kể các tài liệu cả tập thơ của chiến sĩ cách mạng viết trong nhà tù Phú Quốc. Cuối cùng là phòng số 9, nơi ghi dấu những phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ, “tàn mà không phể” như lời dạy của Hồ Chủ tịch, và lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh:
“Sống trong tù kiên trung, bất khuất.
Sống ngoài đời tình nghĩa thuỷ chung”.
Đó là những điển hình như: đồng chí Bùi Văn Mạc ở Tân Minh - Phú Xuyên, đồng chí Huệ ở Hiền Giang - Thường Tín... bị bệnh tật, khó khăn đã được anh em đồng đội cưu mang, đùm bọc. Hình ảnh Nguyễn Đình Đấu ở Đỗ Xá bị co giật thần kinh đã vui cùng đồng đội trồng hoa, cây cảnh làm đẹp cho đời. Hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Bốn ở Phú Túc làm chủ doanh nghiệp hàng đan cỏ tế đã tạo điều kiện cấp vốn, vật tư, tiêu thụ sản phẩm cho con em chiến sĩ cách mạng bị tù đày gây dựng cuộc sống, cùng nhiều đồng chí khác đã tích cực tham gia công tác xã hội có uy tín với làng, với xã cũng được giới thiệu ở bảo tàng này... càng làm cho chúng ta thêm khâm phục, tự hào về “thế hệ các anh bộ đội cụ Hồ” đã cống hiến hết sức mình vì nền độc lập, tự do của nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả trong thời bình cũng như thời chiến.
Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã được nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm. Bảo tàng đã đón nhiều đoàn đại biểu trong nước, quốc tế, các trường học, các đoàn thể khắp nơi đến tham quan, nghiên cứu./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02