Chùa Tam Huyền (quận Thanh Xuân)
Chùa Tam Huyền tên chữ là Sùng Phúc tự ở số 47, ngõ 117 đường Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Hạ Đình và Thượng Đình có tên nôm chung là Mọc (Nhân Mục Cựu), một vùng đất cổ bên bờ sông Tô Lịch, phía tây nam kinh thành Thăng Long xưa.
Theo thư tịch cổ, chùa Tam Huyền được xây dựng từ thời Lý, thế kỷ XI - XIII để cầu phúc cho dân làng đồng thời gắn liền với nhân vật lịch sử là Tăng quan Đồ án Từ Vinh, thân phụ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (Từ Lộ). Từ Vinh vì “làm mất lòng Diên Thành Hầu (con vua Lý Thánh Tông) nên đã bị bức hại chết”.
Vì Thiền sư Từ Đạo Hạnh là người đã đắc đạo, nổi tiếng đương thời, nên các triều đại đều ban sắc phong làm phúc thần, và nhân dân đã tôn Từ Vinh làm Thánh phụ, thờ tại chùa Tam Huyền.
Chùa Tam Huyền đã được tu sửa tôn tạo nhiều lần, tiêu biểu như các năm Quý Sửu 1613, niên hiệu Hoằng Định 14; năm Canh Tý (1780) niên hiệu Cảnh Hưng 41. Đầu thế kỷ XX, chùa bị đổ nát hư hại nặng nên đã được trùng tu lớn năm Đinh Mùi (1907), niên hiệu Duy Tân thứ hai.
Trải qua thời chiến tranh, chùa Tam Huyền đã bị phá huỷ. Từ năm 1992, qua trùng tu lớn đã khôi phục được phần nào quy mô ban đầu của di tích với đầy đủ hạng mục thiết yếu của một ngôi chùa thờ Phật. Hiện nay chùa còn bảo lưu được một số di vật có giá trị như một số bia ký, câu đối tạc bằng đá, ngưỡng cửa đá thời Lê. Trong chùa cũng có nhiều hoành phi, câu đối, cửa võng chạm trổ có nghệ thuật cao.
Chùa Tam Huyền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02