Chùa Trung Tự (quận Đống Đa)
Chùa Trung Tự tên chữ là Phúc Long tự thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
Chùa ở gần đình Trung Tự, có thể cùng được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.
Chùa Trung Tự do con gái chúa Trịnh lập ra và giao cho dân làng Trung Tự trông coi. Tấm bia gỗ còn giữ được ở chùa hiện nay khắc vào năm Tân Dậu, Cảnh Hưng thứ hai (1741) đời vua Lê Hiển Tông ghi rõ việc xây dựng chùa và nói đến nội thị cung tần Trịnh Thị Thuần.
Chùa Trung Tự tuy đã có từ lâu, nhưng vì qua nhiều lần tu sửa, nên kiến trúc hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Kiến trúc Chùa có Tam quan, trong là Tiền đường và Phật điện, kết cấu theo kiểu chữ “đinh”. Tiền đường là ngôi nhà 3 gian được xây dựng gần đây, kiến trúc phong cách đầu thế kỷ XX (thời Nguyễn). Các chạm trổ trong chùa có đề tài hoa cây và các đường triện. Nghệ thuật ở chùa chủ yếu là nghệ thuật điêu khắc các tượng Phật. Trong số 17 pho tượng còn lại, có bộ tượng Tam thế, tượng Quan Âm chuẩn đề, tượng A Di Đà và toà Cửu long là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Chùa còn lưu giữ được một bia hình vuông thời Lê, một chuông đồng, một số bia hậu.
Nhìn chung chùa Trung Tự không thật nổi bật nhưng cũng đáng được lưu ý về vị trí, lịch sử xây dựng và những phần nghệ thuật còn lại hiện nay.
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02