Chùa Đông Lao (huyện Hoài Đức)
Chùa Đông Lao hiện nay thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Chùa có tên chữ là Đại Bi tự, nhân dân quen gọi là chùa Bi. Tam quan làm theo kiểu chồng diêm, 2 tầng 8 mái, phần cổ diêm lắp chấn song con tiện mang phong cách đầu thế kỷ XX. Hạng mục này mới được nhân dân tu sửa vào năm 1900, ghi rõ trên xà nóc. Tam quan chùa đồng thời cũng chính là gác chuông, trên treo một quả chuông lớn thời Lê. Sau Tam quan là sân rồi đến chùa chính có kết cấu theo kiểu chữ “công” gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Trên thượng lương Tiền đường và Thượng điện còn ghi hai công trình này được làm lại vào năm Nhâm Thân, niên hiệu Bảo Đại thứ 7 (1931), với lối kiến trúc đơn giản, trên một số vì có chạm tứ linh và tứ quý. Tại gian giữa Tiền đường có bức cửa võng chạm trổ khá công phu, chính giữa đề tên chữ của chùa: “Đại Bi tự”. Phía sau Thượng điện còn có một công trình nữa gọi là toà Hậu đường, nơi đây thờ Nguyễn Công Triều, một người có nhiều công lao với dân làng, người đã tổ chức dựng lại chùa Đại Bi ở cuối thế kỷ XVII.
Trong chùa hiện còn khoảng 50 pho tượng lớn nhỏ thuộc các thế kỷ XVII, XVIII và XIX. Đáng chú ý nhất là pho Thiên thủ thiên nhãn được tạc 12 tay bày giữa Phật điện, hai bên có tượng Văn Thù và Phổ Hiền. Tượng Thích Ca thế tôn được cổ nhân tạc trong thế đứng thuyết pháp. Ngoài ra còn có bộ tượng Cửu long và Ngọc Hoàng tạc trong tư thế như gần gũi với chúng sinh hơn. Hai bên Thượng điện còn có bộ Thập điện Diêm vương. Ngoài toà Tiền đường có bộ tượng Đức Ông, Thánh Hiền, Hộ pháp mang phong cách thế kỷ XIX, bộ tượng Quảng Mục và Đa Văn cũng hiếm gặp tại các chùa trong vùng. Nhưng còn phải kể đến 11 pho tượng hậu bằng chất liệu đá ở Tam bảo, 1 pho tượng Nguyễn Công Triều trong toà Hậu đường, pho tượng này cao 1,15m, ngồi trên bệ cao 0,63m. Tương truyền được tạc ngay khi ông còn sống vào cuối thế kỷ XVII nên mang đậm nét chân dung. Tại hồi Tam quan còn có tượng bà họ Đỗ, cao 0,76m trong tư thế toạ thiền thật sinh động mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Chùa Đông Lao còn lưu giữ 1 tấm bia hậu cao tới 2,54m, khối vuông khắc bài văn “Đại Bi tự hậu đường phụng sự Nguyễn tướng công bi ký tính minh”, ca ngợi công đức Nguyễn Công Triều, 1 tấm bia trước chùa với dáng trụ cao 1,49m khắc bài văn Đông Lao tự thiên bi ký, ca ngợi vợ chồng ông Hoàng Văn Tá, người đã giúp Nguyễn Công Triều dựng lại chùa. Đây là 2 tấm bia thuộc loại quý hiếm, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc, trang trí mỹ thuật truyền thống cũng như văn phong thế kỷ XVII.
Chùa Đông Lao đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02