Chùa Càn Phúc (quận Nam Từ Liêm)
Chùa Càn Phúc hay còn có tên gọi là chùa Nhổn hiện nằm trên một khu đất rộng ở sát thôn Tu Hoàng, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Về niên đại ra đời của chùa Nhổn (chùa Càn Phúc), ngày nay không còn tài liệu nào ghi chép cụ thể. Vào thời Lê, chùa Nhổn đã là một di tích Phật giáo có quy mô bề thế và nổi tiếng khắp trong vùng. Theo tấm bia hậu Phật của chùa vào năm Chính Hoà thứ 19 (1698), chùa được nhân dân tu bổ, nâng cấp. Đến năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) những người mộ đạo nhà Phật trong làng đã cùng nhau tổ chức đúc quả chuông lớn cho chùa.
Chùa Nhổn được xây dựng trên một khu đất hình con rùa ở phía tây - bắc của làng. Khu chùa hiện có địa thế và cảnh quan đẹp. Quanh chùa là những luỹ tre bao bọc và các công trình kiến trúc của chùa ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ xum xuê. Các công trình kiến trúc của chùa bao gồm:
Toà Tiền đường: Là một ngôi nhà 5 gian quay mặt theo hướng tây - nam và được làm theo kiểu nhà đầu hồi bít đốc tay ngai, mái nhà lợp loại ngói ta, bờ nóc lợp ngói bò, hai bờ đầu nóc là hai toà Thượng điện: Là ngôi nhà 3 gian được làm nối liền với toà Tiền đường tạo thành kết cấu kiến trúc hình chữ “đinh”. Thượng điện cũng được làm theo kiểu nhà đầu hồi bít đốc.
Nhà Tổ: Nhà gồm 7 gian được làm phía sau chùa chính và chạy dọc theo toà thượng điện. Nhà tổ cũng được làm theo kiểu nhà đầu hồi bít đốc tay ngai.
Nhà thờ Hậu: Gồm 3 gian được làm liền sát với hồi phải nhà Tổ và cũng được làm theo kiểu nhà đầu hồi bít đốc.
Tồn tại đến ngày nay, mặc dù trải qua nhiều thời kỳ đầy biến động của lịch sử xã hội nhưng chùa Nhổn vẫn bảo lưu lại được một khối lượng di vật khá lớn bao gồm nhiều loại hình chất liệu khác nhau: Các bộ tượng thờ, 6 tấm bia đá, 1 quả chuông đồng, 10 bức hoành phi, 6 biển gỗ ghi chép các bài kệ và bài vịnh trà và nhiều các di vật khác.
Chùa Càn Phúc đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02