Chùa Bùi Xá (huyện Thanh Oai)
Chùa Bùi Xá thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Đầu thế kỷ XIX, làng Bùi Xá thuộc tổng Hà Liễu, huyện Thanh Đàm, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng.
Chùa Bùi Xá có kiến trúc và phong cách tạo tác tượng mang đậm dấu ấn thời Lê, Nguyễn.
Căn cứ vào tấm bia “Bối động Thánh tích bi ký” thì giếng này gắn với sự tích đức Thánh Bối, tự là Bình An, hiệu là Đức Minh Chân nhân, tu tới chức Bồ tát. Truyền rằng, thủa nhỏ đức Thánh Bối mồ côi cha mẹ, phải nương tựa nhà cô cậu tại làng Bùi Xá. Hàng ngày, ngài thường chăn trâu, cắt cỏ nhưng hễ thấy sinh linh vô tri gặp hạn hán, ngài thường độ quá về thả ở sông Bùi. Sau đó, ngài thường về tắm tại giếng. Dấu tích về phiến đá ngài ngồi tắm hiện vẫn nằm ở đáy giếng. Sau khi ngài hiển thánh, cứ đến ngày chính hội chùa Bối Khê (Đại Bi tự), dân thôn tam tổng phải xuống giếng này rước nước về chùa Bối Khê để làm lễ mộc dục, bao sái, diễn tích lại thủa hàn vi của đức Bồ tát.
Toà Tiền đường là một ngôi nhà ngang 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, 2 mái chảy lợp ngói ri. Bờ nóc đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp trụ đấu. Hai bên đầu hồi nối với hai cột trụ biểu qua bức tường lửng. Trên đỉnh cột đắp tứ phượng. Tiếp đến là bốn ô lồng đèn vuông. Các bộ vì đỡ mái được làm theo một kiểu thức “thượng chồng rường, bẩy hiện”. Nối từ gian giữa Tiền đường vào là 3 gian thượng điện được làm kiểu nhà dọc bít đốc. Bên trong bộ vì được làm tương tự như Tiền đường.
Trong Thượng điện ở vị trí cao nhất là bộ tượng Tam thế gồm 3 pho có kích thước và tạo dáng tương tự nhau mang phong cách tạo tác thế kỷ XIX. Lớp thứ hai là Di Đà Tam tôn ngồi kiết già trên đài sen hai tay đặt ngửa trên lòng đùi. Đứng hai bên là tượng Đại Thế Chí Bồ tát và Quan Thế Âm Bồ tát trợ thủ cho ngài. Lớp thứ 3 là tượng Quan Âm chuẩn đề, ngồi kiết già trên bệ sen. Lớp thứ 4 là hai pho tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Tiếp đến là toà Cửu long chạm kiểu vòm cầu. Tượng Thích Ca sơ sinh được tạc là một hài nhi trong tư thế đứng trên đài sen, tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất. Ngoài Tiền đường có bộ tượng Đức Ông, Thánh tăng, Khuyến thiện và Trừng ác. Đặc biệt, phía bên tả của toà Tiền đường còn có pho tượng A Di Đà đứng. Đây là một pho tượng khá hiếm.
Trong các ngày tết Nguyên đán, Thượng nguyên (15 tháng giêng), Phật đản (8 tháng 4), lễ vào hè (1 tháng 4), lễ ra hè (1 tháng 7), Vu lan (15 tháng 7), mọi người đến chùa đông hơn ngày thường.
Chùa Bùi Xá đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02