Chùa Cả (huyện Hoài Đức)
Chùa Cả thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Chùa nằm trên đất thôn Vân Lũng. Xưa kia, ngôi chùa này được coi là chùa của tổng Yên Lũng gồm 6 xã Yên Lũng, Văn Lũng, Yên Thọ, La Phù, La Dương, Ngãi Cầu thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Chùa có tên chữ là Đại Bi tự, nhưng đến thời Nguyễn thì đổi là Đại Phúc tự.
Tương truyền, ngôi chùa này đã được nhân dân hàng tổng rước duệ hiệu Pháp Vân từ chùa Dâu (Bắc Ninh) về thờ. Vì thế ở đây có hiện tượng “tiền Phật hậu Thánh” nhưng tách thành 2 hệ thống thờ cúng riêng biệt. Phía trước là toà Tiền đường gắn với Thượng điện tạo hình chữ “đinh” để thờ Phật, phía sau là Đại bái và Hậu cung tạo thành chữ “nhị” để thờ thánh. Hai khu vực thờ tự này cách nhau một khoảng sân nhỏ. Ngoài ra còn có nhà tổ thờ các vị sư trụ trì.
Tiền đường là ngôi nhà ngang 5 gian dài 16,6m, rộng 5,8m, xây kiểu tường hồi bít đốc có trụ biểu hoa chanh và nghệ chầu phía trước. Các bộ vì làm theo kiểu “chồng rường” có chạm hổ phù. Thượng điện chạy dài về phía sau dài 7,4m, rộng 4,6m gắn với tiền đường qua hệ thống máng nước.
Khu vực thờ thánh bố cục hai toà song song hình chữ “nhị”. Hai hạng mục này có hình khối gần vuông, Đại bái 1 gian 2 chái dài 8,5m, rộng 6,4m. Hậu cung sát phía sau trên nền cao chỉ có 1 gian chạm khắc đơn giản. Song đáng chú ý là 4 đầu dư chạm rồng theo phong cách thời Mạc. Trên câu đầu còn ghi rõ thời Cảnh Thịnh thứ 7 (1799). Trong chùa còn lưu giữa được 21 pho tượng được bài trí như sau: Pho Quan Âm chuẩn đề 21 đôi tay, kết các thế ấn khác nhau, đặt ở vị trí cao nhất, ngồi trên toà sen, cao 1,38m, bệ sen cao 0,28m. Tiếp theo là tượng đức Phật ngồi trên toà sen do sư tử đội, tượng cao 0,85m, cả bệ là 1,48m, tay phải có ngón trỏ và ngón giữa chỉ lên trời như gợi tượng phật Niêm hoa hay thuyết pháp. Hàng tiếp theo cũng là pho Quan Âm chuẩn đề cao 1,25m, ngồi trên toà sen, hai bên có tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ cao 1,55m, vành mũ trang trí công phu những hoa văn nổi cao. Những pho tượng này có phong cách cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Trong chùa hiện giữ được 9 đạo sắc phong và chuông, khánh đồng. Đặc biệt là quả chuông có niên hiệu Hoằng Định thứ 6 (1606) thuộc loại những quả chuông sớm và lớn có 6 núm cao 1,3m, đường kính miệng 0,77m. Ngoài ra, chùa còn chiếc khánh cao 0,90m, rộng 1,38m. Hai mặt khánh đúc nổi các chữ Hán: Phúc Lâm viện, Đại Bi tự tử linh bảo khánh đúc năm Ất Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 6 (1745) trang trí rồng, phượng, lân, rùa rất có giá trị.
Chùa Cả đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02