Đình Trinh Tiết (huyện Mỹ Đức)
Đình Trinh Tiết thuộc địa phận xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Làng Trinh Tiết còn có tên là làng Bối Lan, trên dải đất ở gần làng Đông Bình, bên bờ sông Đáy. Địa danh Trinh Tiết vào thời Lê Trung hưng thuộc huyện Hoài An, phủ Ứng Thiên của trấn Sơn Nam Thượng. Đến cuối thế kỷ XIX, Trinh Tiết thuộc huyện Chương Đức. Đến vua Minh Mệnh (1820 - 1840) bỏ trấn Sơn Nam Thượng, lập tỉnh Hà Nội vào năm 1831.
Vào đình, qua hệ thống cột trụ, tường bao rồi qua sân đình lát gạch rộng rãi là tới Đại bái được xây ba gian hai chái. Kết cấu kiến trúc trên bốn hàng chân cột, bộ vì đỡ mái được làm theo hai kiểu thức khác nhau. Hai bộ vì gian giữa được làm kiểu “Thượng giá chiêng rường nách, hạ rường cốn bẩy hiên”. Các bộ vì gian bên được làm theo kiểu “Thượng giá chiêng rường nách, hạ kẻ bẩy” trên bốn hàng chân cột. Theo tư liệu ghi chép của dân làng thì đình được xây dựng vào thời Hậu Lê. Đáng chú ý ở các đầu dư đã được chạm khắc những đầu rồng rất tinh xảo. Đầu rồng có những nét độc đáo như: miệng loe, mắt lồi và đặc biệt là râu tóc đều chạy theo một đường thẳng về phía sau, hình tia lửa, đó là nét đặc trưng nghệ thuật thế kỷ XVII. Các bức cốn của đình được tạo bởi hệ thống các con rường nối từ cột cái ra cột quân chồng khít lên nhau. Mặt chính của bức cốn thường lấy đề tại “long nghệ quần tự”.
Theo bản thần phả do Quản giám bách thần chi điện Hùng Lĩnh Thiếu Khanh Nguyễn Hiền soạn năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) và 9 đạo sắc phong hiện lưu tại đình thờ vị thành hoàng làng Nguyễn Đức Bảo (Bảo Công), quê ở Trinh Tiết một vị tướng giỏi của Việt vương Triệu Quang Phục.
Nghe tin Bảo Công và hai anh em họ Trương Hống, Trương Hát có tài thao lược, Triệu Việt Vương xuống chiếu vời các ông ra giúp nước và phong Bảo Công làm Đốc lĩnh binh nội vệ, hai anh em họ Trương làm tả hữu tướng quân. Ba ông thống lĩnh ba vạn hùng binh, tiến thẳng vào đầm Dạ Trạch (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên), gây dựng cơ sở để chiến đấu với giặc Lương. Giặc Lương thất bại phải rút về nước.
Triệu Việt Vương khao thưởng ba quân. Bảo Công được phong làm Cư sĩ tả vệ tướng quân kiêm Tri thuỷ bộ chư quân sự. Anh em họ Trương phong làm Tả hữu tướng quân thuộc tòng thuỷ bộ. Sau đó, Bảo Công về quê vui thú điền viên, được 4 - 5 năm thì ông hoá. Sau này, khi vua Lê Đại Hành xuất quân đánh Tống qua đây đã cầu ngài âm phù quốc tộ và ngài đã hiển linh trợ giúp. Các triều Lý, Trần, Lê đền biết công lao của ngài và đã khen thưởng, lại cho xã Trinh Tiết xây đình thờ ngài.
Đình Trinh Tiết hiện nay còn giữ gìn bảo lưu được một số di vật quý là 01 cuốn thần phả bằng chữ Hán ghi chép về đức Trung đẳng phúc thần Nguyễn Đức Bảo, 9 đạo sắc phong, 1 hương án gỗ sơn thếp vàng...
Lễ đại phước của làng Trinh Tiết diễn ra vào tháng 10 âm lịch.
Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2002./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02