Trụ sở Thư viện Quốc gia Việt Nam - dấu ấn lịch sử (quận Hoàn Kiếm)
Trụ sở Thư viện Quốc gia Việt Nam tọa lạc tại số 31 phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày nay là hậu duệ của Thư viện Trung ương Đông Dương nằm trong Nha Lưu trữ và công văn Đông Dương được thành lập bằng Nghị định ngày 29/11/1917 của Toàn quyền Đông Dương. Trụ sở của Thư viện đóng tại 31 Tràng Thi, Hà Nội.
Khu đất Tràng Thi này mang nhiều dấu ấn lịch sử. Trước hết, khu đất nằm trên phủ chúa Trịnh xưa. Phủ chúa được xây dựng năm 1594 trên khu đất cách Hoàng thành 500m (nghĩa là từ Cửa Nam trở xuống đến đầu phố Tràng Thi hiện nay), hướng ra 2 hồ: hồ Gươm được gọi là hồ Tả Vọng và hồ Thủy Quân được gọi là hồ Hữu Vọng. Phủ chúa bao gồm 50 công trình kiến trúc tráng lệ và vườn ngự uyển. Vào năm 1788 vua Lê Chiêu Thống, đã sai đốt trụi phủ chúa, biến khu đất này thành nơi hoang tàn.
Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, đóng đô tại Thuận Hóa (Huế) còn ở miền Bắc đặt chức Bắc Thành tổng trấn. Chỗ đất hoang phủ chúa cũ trở thành nơi đóng quân của trấn Bắc Thành.
Tại đây xây dựng 3 đồn: Trung quân, Tả quân, Hậu quân. Nơi góc Tràng Thi - Quang Trung ngày nay, trên đó có trụ sở Thư viện Quốc gia Việt Nam là đồn Tả quân của Tổng trấn Bắc Thành.
Năm 1813, tình hình đất nước tương đối yên hàn, Gia Long tổ chức lại các khoa thi Hương trong cả nước. Trường thi Hương Thăng Long, một trong hai trường thi Hương ở miền Bắc, được tổ chức cho sĩ tử 8 tỉnh quanh Hà Nội. Bắt đầu từ đây trường thi Hương Thăng Long (năm 1831 Thăng Long được đổi thành Hà Nội) mới có địa điểm ổn định, có nhà cửa xây dựng kiên cố, và vào năm 1845 lại được xây tường gạch bao quanh. Trường thi Hà Nội có hình vuông, chu vi 182 trượng, tương đương 564m, choán một diện tích khoảng 75.000m2.
Đến năm 1873 Gacniê xâm lược Hà Nội, đóng quân tại trường thi, sau đó theo hiệp ước với triều Nguyễn, quân Pháp rút về đóng quân tại Cửa Cấm (nay là Hải Phòng). Đổi lại, nhà Nguyễn nhượng cho Pháp 5ha ở khu Đồn Thủy để xây dựng lãnh sự quán. Trong khi chờ xây xong lãnh sự quán, quân Pháp vẫn đóng ở trường thi. Năm 1876 chúng mới trả lại song năm 1882 Rivie tái chiếm Hà Nội. Trường thi Hà Nội lại được nhà binh sử dụng, xây thêm 40 gian để làm bệnh xá đón các thương bệnh binh từ các chiến trường về điều trị.
Năm 1886 Pháp dồn trường thi Hà Nội xuống thi chung với Nam Định, lấy đất xây nha Kinh lược. Khi mới xây xong tòa nhà chính của nha Kinh lược, người Pháp đã tổ chức triển lãm (hội chợ) với mục đích phô trương khoa học - kỹ thuật, kinh tế của Pháp...
Đây là cuộc triển lãm đầu tiên thời Pháp thuộc mở cửa ngày 15-3-1887. Triển lãm trải rộng trên toàn bộ diện tích 75.000m’ của trường thi gồm dinh của Kinh lược và 28 ngôi nhà trong đó có 1 số nhà tranh lợp lá. Ngoài hàng hóa của Pháp, người Hà Nội trưng bày vải vóc, đồ thủy tinh, đồ sứ, đồ gỗ...
Để gây ấn tượng mạnh mẽ với khách đi xem người ta dựng 1 cột cờ cao 40 mét, đặt 1 pho tượng nữ gọi là Thần Tự do, rập theo mẫu của nhà điều khác Pháp Bactonti.
Triển lãm bế mạc, pho tượng Thần Tự do (nhân dân ta gọi là tượng Bà Đầm xòe) được đưa về đặt ở vườn hoa Cửa Nam.
Sau khi nhà cửa được tu sửa lại nha Kinh lược làm việc từ tháng 2 năm 1888 cho tới ngày 26-07-1897 là ngày có dụ của vua Thành Thái bãi bỏ chức Kinh lược Bắc Kỳ. Sau đó khu trường thi trở thành trụ sở các phòng thương mại và canh nông.
Nghị định ngày 29 tháng 11 năm 1917 của Toàn quyền Đông Dương quy định thành lập nha Lưu trữ và Thư viện tại nha Kinh lược cũ. Phòng đọc của Thư viện Trung ương Đông Dương đặt tại phòng Thương mại. Còn phòng Nông nghiệp ở dẫy nhà giáp phố Jauréguiberay (nay là phố Quang Trung) thành Sở Lưu chiểu văn hóa phẩm (trong thành phần của Thư viện Trung ương).
Việc thành lập Thư viện Trung ương Đông Dương là sự kiện lớn trong đời sống của Việt Nam. Đặc biệt từ 31 - 1 - 1922, khi được quyền thu nhận lưu chiểu tất cả các xuất bản phẩm ra đời trên toàn cõi Đông Dương, Thư viện đã có vai trò hết sức quan trọng trong thu thập và gìn giữ lâu dài các xuất bản phẩm - di sản văn hóa thành văn của dân tộc ta.
Năm 1924, vua Bảo Đại đã tới thăm Thư viện.
Ngày 20 - 10 - 1945, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục thuộc Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đổi tên thư viện này thành Quốc gia Thư viện. Ngày 31/1/ 1946, Hồ Chủ tịch ban hành Sắc lệnh 18 quy định chế độ lưu chiểu văn hóa phẩm ở Việt Nam và giao cho Quốc gia Thư viện thực hiện việc thu nhận và giữ gìn các văn hóa phẩm của nước nhà. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10 - 1954), đổi tên thành Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Thư viện Quốc gia Việt Nam là thành viên chính thức của Hiệp hội Quốc tế các hội và cơ quan Thư viện (IFLA); là chi nhánh của Thư viện Liên hợp quốc, có quan hệ trao đổi sách với hơn 100 thư viện, cơ quan khoa học của nhiều nước trên thế giới.
Các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới Thư viện Quốc gia Việt Nam. Nhiều vị lãnh đạo đã tới thăm - làm việc với Thư viện như:
- Năm 1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm và làm việc với Thư viện, quyết định tăng thêm biên chế để Thư viện mở rộng hoạt động.
- Ngày 5/7/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong chuyến thăm - làm việc đã quyết định nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng, cải tạo, mở rộng trụ sở nhà Thư viện Quốc gia Việt Nam.
- Ngày 10/8/2001, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới thăm và tặng nhiều sách quý cho Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Có thể nói rằng Thư viện Quốc gia Việt Nam ẩn chứa nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa quan trọng của đất nước. Lịch sử và cảnh quan kiến trúc đẹp của Thư viện Quốc gia được ghi nhận là một di tích và thắng cảnh Thủ đô./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02