Đền thờ Tổ nghề khảm (huyện Phú Xuyên)
Đền thờ Tổ nghề khảm Trương Công Thành nằm ở giữa làng thuộc thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội.
Đền thờ Tổ nghề khảm Trương Công Thành được xây dựng lâu đời, hướng đông nam. Kiến trúc kiểu chữ “đinh” bao gồm Tiền tế và Hậu cung.
Phần Tiền tế được xây dựng 3 gian, với chiều dài 6,20m, chiều rộng 3,30m; Hậu cung được xây dựng theo kiểu hai tầng 4 mái, bên trong cuốn vòm, trên lợp ngói ri cổ. Hiện đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý: 1 cuốn thần phả, 1 long ngai bài vị, 1 bát hương gốm, 1 bản khảm khắc tên tuổi chức sắc của Tổ nghề...
Theo cuốn thần phả cho biết: Tháng 8 niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo năm thứ 23 (1051) phụng ghi. Ngày 5 tháng giêng niên hiệu Hồng Đức (1470) ghi lại và niên hiệu Chiêu Thống năm thứ 2 (1788) Nguyễn Hiền phụng sao. Sự tích Trương Công Thành như sau:
“Xưa kia phường Ngọ thuộc huyện Quảng Nguyên (tên cũ của huyện Phú Xuyên) là một làng nổi tiếng đất đai bằng phẳng, non nước hữu tình. Trong làng có vợ chồng ông Trương Huy và bà Trần Thị Ba vốn hòa thuận, hay làm điều thiện. Bà được báo mộng sau này sinh được một quý nhân. Quả nhiên về sau, ngày mùng 9 tháng giêng bà sinh được một mụn con trai. Ông bà đặt tên là Thành. Thủa nhỏ Trương Công Thành đã thông minh, ham học. Lớn lên đi thi đỗ Thái học sinh, rồi lại đỗ khoa Bác học Hoành từ, được Lý Đạo Thành gả con gái cho.
Thời vua Lý Nhân Tông, Trương Công Thành có công giúp Lý Thường Kiệt đánh hai châu Ung và Khiêm, được ban thưởng. Nhà Tống vô cùng tức giận xui các chúa Chiêm Thành và Chân Lạp cướp phá nước Nam. Vua sai Lý Thường Kiệt thống lĩnh đạo quân phía đông, Trương Công Thành phó soái nắm đạo quân phía tây để đánh giặc. Giặc Tống kéo sang nước ta, hai ông cầm quân chống giặc ở sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay). Sau khi nghe bài thơ thần vang lên, quân Chiêm Thành và Chân Lạp không hòa hợp, quân Tống tan rã. Nhà vua sai mở tiệc ăn mừng, khen thưởng tướng sĩ. Tướng công Trương Công Thành tâu rằng: Đất nước đã thanh bình, ông muốn lui về chốn nhà tranh, tháng ngày đọc kinh niệm Phật. Nhà vua ưng thuận, ban cho Trương Công Thành chiếc Ân, lệnh cho tăng ni địa phương lo việc phụng dưỡng”.
Tương truyền những lúc nhàn dỗi, tướng công thường đi dạo chơi, thấy vỏ trai có sắc, vân ngũ sắc thường ngắm nghía nhặt về nhà chắp thành hình, thành chữ. Người gọi dân đến dạy, lúc đầu gọi là “xà cừ công nghệ”, xưa kia dân quen gọi là khảm xà cừ. Sau khi ông qua đời, những người thợ khảm ở đây thờ ông làm Thành hoàng làng, tôn ông làm Tổ nghề. Nghề khảm trai ra đời, ông được tôn thờ là Tổ sư.
Ông được ban mỹ tự: Phổ Quảng Thượng Sĩ.
Thần vị là một mộc bản cổ hiện thờ ở đền ghi: “Phổ Quảng Thượng Sĩ Linh Nhân Hiển ứng Công Lý Thành Tự Phả An Thụy Phổ Quảng Pháp Tự Huyền Chân Bồ Tát”.
Đền thôn Ngọ thờ Tổ nghề khảm được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02