Đình thôn Hạ (huyện Đan Phượng)
Đình thôn Hạ thuộc địa phận xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Ngôi đình toạ lạc trên một thế đất đẹp giữa làng Hạ. Thôn Hạ vốn xưa kia thuộc xã Hạ Trì, phủ Quốc Oai, sau tách ra và sáp nhập với thôn Trung thành xã Liên Trung. Ngôi đình cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 20km. Nếu đi từ trung tâm thành phố theo đường Yên Phụ đến Chèm, từ đây đi tiếp khoảng 12km là tới di tích.
Thần tích còn ghi: Ngài Công Lang, vốn là con trai của Thánh phụ Hùng Trác và Thánh mẫu Hà Hoà, người trấn Sơn Tây. Công Lang có công lớn trong việc giúp trang Hạ Trì, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Đại đắp để chống lũ, cải tạo đồng ruộng, xây dựng trang Hạ Trì thành một làng quê trù phú. Bấy giờ, đất nước thanh bình, bỗng nhiên có quân Thục kéo sang xâm lược bờ cõi. Khi ấy vua Hùng truyền lệnh cho Đức thánh Tản Viên đem quân đi dẹp giặc. Khi quân đội của Thánh Tản Viên qua trang Hạ Trì, Công Lang đã chiêu mộ nhiều trai tráng trong trang đi theo đánh giặc. Khi chiến thắng trở về, vua Hùng khen thưởng tướng sĩ và Công Lang được phong thưởng rất hậu. Một thời gian sau, Công Lang xin nhà vua được trở về quê giúp dân chăn tằm dệt lụa, nhà vua đồng ý và ban nhiều vàng ngọc châu báu. Sau khi ngài hoá, nhân dân thôn Hạ xây dựng miếu thờ ngay tại nơi ngài hoá và tôn vinh làm thành hoàng của làng mình.
Đình thôn Hạ trước đây khá bề thế, nhưng trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử nên không còn dáng vẻ như ngày đầu khởi dựng. Hiện tại, đình có kết cấu kiến trúc chữ “đinh” gồm Tiền tế, Đại bái và Hậu cung. Toà Đại bái gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, các bộ vì được làm theo kiểu “vì kèo” truyền thống, các cột, xà bào trơn đóng bén, thiên hẳn về độ bền chắc. Hai gian hồi được xây bệ gạch cao 50cm thờ các vị bộ hạ. Từ Tiền tế qua sân là tới Đại bái. Toà Đại bái chỉ có ba gian tường hồi bít đốc, các bộ vì tương tự như toà Tiền tế. Gian giữa đặt nhang án, bên trên bài trí các đồ tế tự. Đây là nơi khách hành hương dâng lễ vật tới đức thành hoàng. Hậu cung nối từ gian giữa toà Đại bái, hai gian chạy dọc thành chữ “đinh” mà dân gian thường gọi là “chuôi vồ”. Bên trong Hậu cung - đặt long ngai bài vị đức thánh Công Lang. Bộ long ngai khá đẹp, sơn son thếp vàng với tay ngai là đôi rồng chầu, đường nét uyển chuyển mang phong cách thời Nguyễn. Các di vật hiện còn cho đến ngày nay có giá trị cao về nghệ thuật điêu khắc như bộ bát bửu thời Nguyễn, bộ chấp kích, cây hương, cây đèn nhuốm màu thời gian. Đặc biệt còn nguyên vẹn 12 đạo sắc phong, cổ nhất là đạo sắc thời Lê, niên hiệu Dương Hoà thứ 5 (1639) cho đến thời Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) cùng một cuốn thần phả.
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02