Đình, chùa thôn Cam (huyện Gia Lâm)
Đình, chùa thôn Cam thuộc địa phận xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Cổ Bi là xã nằm ở bờ nam sông Đuống gồm 3 thôn: Cam, Vàng, Hội. Trước năm 1945, đất xã Cổ Bi thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau này đặt là xã Trung Thành, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; từ năm 1961 thuộc Hà Nội, năm 1965 xã Trung Thành đổi gọi là xã Cổ Bi.
Cổ Bi là vùng đất đế vương có lịch sử phát triển và tạo dựng rất lâu đời. Nơi đây xưa có 99 gò đống, thấy Cổ Bi có thế đất đẹp, chúa Trịnh Cương (1709 - 1729) đã cho định đô tại đây, đến năm 1755, chúa Trịnh Doanh (1740 -1767) đã cho sửa sang lại cung cũ Cổ Bi, dự định rời đô từ Thăng Long sang Cổ Bi song ý đồ không thực hiện được.
Cổ Bi xưa kia nổi tiếng vì đất đế vương và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lại nổi tiếng vì đã 2 lần kiên cường chống địch càn quét, bảo vệ xóm làng góp phần vào chiến thắng của nhân dân Thủ đô.
Đình thôn Cam thờ phụng 2 vị phúc thần là Ả Lã Nàng Đê công chúa - vị nữ tướng mưu lược và anh dũng đã có công phò giúp Hai Bà Trưng dẹp tan giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Bà là biểu tượng cao đẹp, một tấm gương sáng về hình tượng người phụ nữ Việt Nam anh hùng thuộc thời Hai Bà Trưng. Vị thần hoàng thứ 2 là Thái tử Chiêu Dương - vị công thần có công lao với đất nước, một thái tử có đức tính hiền lành thiên tư sáng suốt, thương dân được gia phong là thần tướng đại vương. Trang Cổ Bi là nơi thái tử sinh ra nên yêu mến mảnh đất này, khi trưởng thành ngài xin vua cha cho trang Cổ Bi làm ấp thang mộc.
Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, ngôi đình thôn Cam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược còn là nơi ghi đậm tích lịch sử trọng đại của nhân dân Cổ Bi. Ngày 18 tháng giêng năm 1947, thực dân Pháp điên cuồng dùng một lực lượng quân đội với cả xe tăng, máy bay để tàn phá làng. Tại nơi đây, giặc Pháp đã gây tội ác với dân làng, chúng bắn chết hơn 100 người dân và tàn phá xóm làng khốc liệt. Trong trận càn quét này, ngôi đình cổ khang trang lộng lẫy bao đời đã bị chúng đốt phá.
Năm 2004, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự công đức của nhân dân địa phương, ngôi đình làng đã được trùng tu tôn tạo theo lối kiến trúc cũ bề thế, khang trang.
Hiện nay, kiến trúc của đình Cam gồm: Tam quan, Đại đình (gồm Tiền tế và Hậu cung), hai bên là dãy nhà Tả mạc, Hữu mạc.
Cách đình làng không xa là chùa thôn Cam có tên chữ là “Sùng Nghiêm tự” với quy mô kiến trúc bề thế được quy hoạch hài hoà trong một cảnh quan thiên nhiên tĩnh lặng. Chùa kết cầu kiểu chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện, nhà thờ Tổ, thờ Mẫu, dọc 2 bên là 2 nhà dải vũ. Toà Tiền đường, gồm 5 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, mặt bằng nội thất với 6 hàng chân cột, các vì kèo làm kiểu “Thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy hiên”, đặc biệt chùa còn có hai cây tháp cửu phẩm cao 14m vươn cao vượt lên hẳn so với những kiến trúc khác xung quanh tạo cho ngôi chùa có một vẻ thâm nghiêm.
Hiện di tích còn lưu giữ bộ sưu tập tượng tròn gồm 28 pho được tạo tán công phu tỷ mỷ; các di vật văn hoá quý như: bia niên hiệu Chính Hoà (1783), chuông đồng Cảnh Thịnh (1800), bài vị, cửa võng, cuốn thư, hoành phi... Đây là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII, XIX.
Đình và chùa thôn Cam đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02