Đình Thọ Vực (huyện Đan Phượng)
Đình Thọ Vực thuộc địa phận xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Xưa ngôi đình này là đền thờ các vị thuỷ thần của những ngư dân sống bằng nghề chài lưới ven dòng sông Đáy thuộc làng Vạn Chài, phường Vực Tảng. Về sau, do dân cư nơi đây phát triển đông đúc nên việc thờ các vị thuỷ thần trong hệ thống tín ngưỡng nguyên thuỷ đã được nâng cao thành các vị thần bảo hộ cho cuộc sống yên bình của người dân.
Theo truyền thuyết, đình Thọ Vực là nơi thờ Lạc Long Vương và Hà Bá thuỷ quan tôn thần. Theo sách “Việt điện u linh” thì từ mấy ngàn năm trước có vị thần tên là Lạc Long Vương là người đứng đầu xứ Lạc. Một hôm, Lạc Long Vương lên rừng tìm diệt Mộc Tinh, sau đó lại xuôi theo các dòng sông tới vùng sông Cái (vùng Long Biên). Tại đây, Lạc Long Vương đánh và diệt được hồ tinh chín đuôi ở hồ Tây. Rồi sau đó, ngài đi về vùng biển Đông. Cũng theo truyền thuyết, Hà Bá thuỷ quan tôn thần là vị thần trong hệ thống tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp. Đây chính là vị thần cai quản các dòng sông cửa bể.
Đình Thọ Vực hiện tại toạ lạc sát chân đê sông Đáy, quay hướng đông, hướng ra dòng sông Đáy. Từ trên thân để có những đường làm bằng đá dẫn vào khuôn viên đình, bao gồm Nghi môn, Tả hữu mạc, Phương đình, Đại bái và Hậu cung.
Nghi môn được làm theo kiểu trụ biểu, giữa là cổng chính có hai trụ lớn, trên đỉnh mỗi trụ có 4 chim phượng kết thành hoa dành, dưới là ô lồng đèn, bên trong đắp tích tứ linh (long, ly, quy, phượng). Hai bên là dãy Tả hữu mạc, mỗi dãy gồm 3 gian tường hồi bít đốc, cuối dãy có ban thờ và 4 tấm bia hậu ghi công những người đóng góp tiền của xây dựng đình.
Toà Phương đình là một công trình xây dựng theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái đao cong, trên bờ nóc chính giữa có hình mặt trời, hai bên là hình khối “long cuốn thuỷ” mềm mại và uyển chuyển, bên trong có 4 bức cốn chạm nổi đề tài “tứ linh” mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Đại bái là một ngôi nhà 3 gian hồi bít đốc. Hạng mục này đã được nhân dân tu bổ vào thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại 3 (1928). Trên các kiến trúc gỗ vẫn giữ được kẻ chuyền, kẻ bẩy và những bức cốn trang trí đề tài “tứ linh”, “hổ phù ngậm chữ thọ”. Toà Hậu cung ngôi nhà nối từ gian giữa toà Đại bái kéo về phía sau hai gian tạo hình chữ “đinh” mà dân gian thường quen gọi là hình “chuôi vồ”. Đây chính là nơi bài trí các đồ tế tự như long ngai bài vị của thành hoàng làng.
Đình Thọ Vực còn bảo tồn được nhiều di vật quý, trong đó có 2 pho tượng bằng đá xanh, đường nét chạm khắc trau chuốt mang phong cách nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVIII), 4 tấm bia đá dựng vào thời Nguyễn, 13 đạo sắc phong, trong đó đạo cổ nhất vào thời Lê, niên đại Cảnh Hưng 44 (1783) cùng nhiều di vật khác.
Đình Thọ Vực đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02