11 nhiệm vụ, giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên năm 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết số 205/NQ-CP về “Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương”. Nghị quyết đặt ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để năm 2025 nước ta hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên.
Tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2025 của Việt Nam cao nhất trong giai đoạn 2011-2025
Theo Nghị quyết nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2025 đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tiếp tục xu hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ước đạt 7,96% so với cùng kỳ, 6 tháng đạt 7,52%, cơ bản đạt kịch bản tăng trưởng 7,6% nêu tại Nghị quyết số 154/NQ-CP, là mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2025, dự báo cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới.

Có 17/34 địa phương sau sáp nhập tăng trưởng trên 8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,27% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng bằng 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất khoảng 107,7 nghìn tỷ đồng…
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 6 tăng cao so với cùng kỳ, lần lượt đạt 18,1%, 16,3%, 20,2%; tính chung 6 tháng, xuất khẩu tăng 14,4%, xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc; ước giải ngân đến hết tháng 6 là 268,1 nghìn tỷ đồng, đạt 32,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ 4,26% về tỷ lệ, khoảng 80 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối. Việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh. Trong tháng 6 đã đưa vào khai thác thêm 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác của cả nước lên 2.268 km.
Công nghiệp duy trì đà phát triển ổn định; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng tăng 9,2%, cao nhất từ năm 2020 đến nay; an ninh năng lượng được bảo đảm. Khu vực nông nghiệp phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, bảo đảm an ninh lương thực. Khu vực thương mại dịch vụ tăng trưởng mạnh; tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 8,3%, tính chung 6 tháng tăng 9,3% so với cùng kỳ. Du lịch tiếp tục là điểm sáng; khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ.
Trong tháng 6, có hơn 24,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 60,5% so với cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt gần 14,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 91,1%; tính chung 6 tháng, có hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng tăng 9,8%; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6%, vốn FDI thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc; tích cực chuẩn bị triển lãm “80 năm Hành trình Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9; đồng thời, chủ động, tích cực tổ chức đại hội thi đua, tạo không khí sôi nổi lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI và Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng...
Công tác sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai quyết liệt, bám sát chỉ đạo của Trung ương. Chính phủ đã ban hành 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của cấp xã (mới).

Ngày 30/6/2025, toàn bộ 34/34 địa phương đã đồng loạt tổ chức Lễ công bố các Nghị quyết, quyết định của Trung ương, địa phương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, thành lập đảng bộ tỉnh, thành phố và nhân sự lãnh đạo địa phương để chính thức vận hành từ ngày 1/7/2025, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của bộ máy hành chính nhà nước và hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn. Mô hình tổ chức mới bước đầu hoạt động ổn định, các thủ tục hành chính được xử lý nhanh chóng, không xảy ra gián đoạn, tạo tiền đề tích cực để tiếp tục hoàn thiện mô hình trong thời gian tới.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyên đổi số quốc gia được thúc đẩy mạnh mẽ. Ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Các lực lượng duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, xử lý các tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chú trọng, triển khai hiệu quả tháng cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thông tin, truyền thông được đẩy mạnh, nhất là truyền thông chính sách; tăng cường đấu tranh phản bác, ngăn chặn thông tin xấu, độc và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế được thực hiện hiệu quả; tổ chức chu đáo, thành công các hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhiệm vụ, giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên
Theo Nghị quyết số 205/NQ-CP, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, tập trung quán triệt, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư và Lãnh đạo chủ chốt, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tận dụng thời cơ, thuận lợi, nhất là hiệu quả của chính sách, giải pháp mới ban hành và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, khai thác không gian phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng ngay trong quý III và năm 2025; nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhất là tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 8% trở lên; trong đó chú trọng một số nội dung:
1. Tổ chức triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về: đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật; hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế tư nhân.

2. Tích cực, khẩn trương, chủ động, tập trung nguồn lực hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm thông suốt, hiệu quả.
3. Thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.
4. Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
5. Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tăng cường xúc tiến thương mại, bảo đảm cân đối cung cầu trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
6. Quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách đối với người có công, nâng cao đời sống của Nhân dân.
7. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là trong mùa mưa, bão.
8. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia; xử lý hiệu quả các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng; quyết liệt thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
9. Tiếp tục cũng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; triển khai thực chất, hiệu quả công tác đối ngoại.
10. Tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội
11. Về nhiệm vụ cụ thể của các bộ, cơ quan, địa phương: Từng bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, phân công nhiệm vụ với tinh thần “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả đối với những nội dung tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này./.