Đình, chùa Thiết Úng (huyện Đông Anh)
Đình, chùa Thiết Úng thuộc thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thiết Úng còn có tên nôm là làng Ống, do đó di tích còn tên gọi khác là đình, chùa Ống.
Đình, chùa Thiết Úng là công trình tôn giáo tín ngưỡng của làng. Cổ xưa, thôn Thiết Úng ngoài việc làm nghề nông nghiệp dân còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt cửi và chạm khắc gỗ. Thiết Úng nằm kề bên sông Hoàng Giang tức sông Thiếp, là khu vực đã có cư dân cổ sinh sống lập xóm lập làng, lập phường thợ nên làng còn có tên là Xa Lập phường.
Đình Thiết Úng thờ hai vị Bình Thục và Đông Pha đại vương làm thành hoàng làng. Thần tích chép rằng: vào cuối thời Hùng Vương ở phủ Hồng Châu có ông Triệu Quang và vợ là bà Nguyễn Thị Tín, hai ông bà xuất thân hào phú nhưng tính tình lại phúc hậu hay giúp đỡ mọi người. Ông bà muộn con, sau thần báo mộng và sinh đôi được hai con trai có tướng mạo thần kỳ khác người, đặt tên người anh là Thục, người em là Pha. Lớn lên hai anh em học giỏi, tinh thông võ nghệ. Đến năm 17 tuổi ông bà qua đời, mãn tang cha mẹ, gặp đúng lúc vua Hùng Duệ Vương chọn người tài giúp nước, hai anh em ứng thí và người anh được ban phong chức Đô uý, người em được ban phong chức Lang trung. Hai anh em hết lòng phò giúp vua, giúp nước, cần mẫn siêng năng, người được vua tin, dân quý. Nhân lúc thanh bình hai ông xin vua đi thăm cảnh du ngoạn các nơi. Trong chuyến đi đó hai ông đã về vùng Đông Ngàn và phường Xa Lập cảm mến phong cảnh hữu tình ở đây, hai ông đã cho xây cất một hành cung để làm chỗ nghỉ ngơi cạnh dòng Hoàng Giang. Hai ông tàu xin vua cho lấy nơi đây làm đất hộ nhi hậu phần về sau. Vua chuẩn y, hai ông liền ở lại phường Xa Lập dạy dân trong bản tích cực sản xuất ruộng đồng, phát triển canh cửi tầm tang. Hai vị lấy điều nhân nghĩa thu phục nhân tâm, thuận hoà tạo nên mỹ tục được dân tin yêu quý mến. Bấy giờ đất nước có hoạ xâm lăng, vua gọi hai ông cùng Tản Viên Sơn Thánh bàn kế giúp nước. Hai ngài được phong đại tướng quân lĩnh mệnh đem quân đi giữ nước. Hai ông mở yến tiệc khao quân tại làng rồi lấy thêm người đi làm gia thần túc vệ. Sau khi thắng trận, hai ông được phong làm Đại vương rồi về mở tiệc vui cùng dân thôn bản quán và ngỏ ý muốn lấy phường Xa Lập làm nơi ân sủng thờ cúng về sau, dân làng đã vui vẻ nhận lời. Tiệc tan, hai ông đột nhiên theo mây hoá mất. Vua Hùng thương tiếc ban sắc chỉ cho nhân dân lập miếu thờ và làng Thiết Úng giữ tục lệ thờ cúng cho đến ngày nay.
Chùa Thiết Úng còn có tên chữ là Viên Thông tự. Cùng với ngôi đình, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, di tích là cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng, du kích kháng chiến. Dưới nền toà Tam bảo được dùng làm hầm bí mật để cất giấu tài liệu, cũng như là nơi ẩn nấp của cán bộ, du kích bám cơ sở đánh địch giữ làng. Hậu cung đình, màn giếng của đình là nơi cất giấu tài liệu và che chở cán bộ hoạt động.
Đình Thiết Úng có bố cục mặt bằng chữ “đinh”, ngôi đình bề thế với mái đao cong vút ẩn mình trong màu xanh của cây cổ thụ. Bộ cửa bức bàn tạo nên sự thâm nghiêm trầm ấm cùng với ao đình phía trước quả là một cảnh vật sơn thuỷ hữu tình. Kiến trúc của đình theo lối truyền thống với trang trí cầu kỳ trên từng chi tiết như đầu dư, cốn mê, các thân xà, kẻ, bẩy... mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX.
Ngôi đình còn lưu giữ nhiều di vật quý như thần phả, sắc phong, ngai thờ bài vị, khám thờ, giá văn, hương án, ngũ sự, chuông đồng đúc năm Tự Đức 4 (1853). Tất cả những di vật đều do bàn tay khối óc của người thợ làng Thiết Úng làm và để lại cho hậu thế.
Đình và chùa Thiết Úng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02