Đền, chùa Sét (quận Hoàng Mai)
Đền, chùa Sét thuộc phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đền Sét thuộc thôn Giáp Lục, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Giáp Lục nằm trong vùng đất cổ Thanh Trì, có lịch sử lâu đời, là một thôn nhỏ nhưng lại có tên nôm chỉ cả một khu dân cư đông đúc Kẻ Sét - làng Sét.
Đền Sét được dựng lên để thờ Thành hoàng làng là Nguyễn Chính. Nguyễn Chính cũng là người thuộc vùng Thịnh Liệt, năm 41 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Nhâm Dần (1602), triều Lê Kính Tông. Chính đã được cử làm phó sứ sang Trung Quốc. Những ngày ở Trung Quốc, Nguyễn Chính đã học được nghề dát thiếc và về truyền dạy cho dân làng Giáp Lục. Đây là một nghề có nhiều công đoạn công phu, kỹ thuật cao, cẩn thận. Nhờ có nghề dát thiếc, đời sống người dân Giáp Lục trở nên khá giả. Sau ngày Nguyễn Chính mất, dân làng Giáp Lục nhớ ơn ông, dựng đình đền, thờ ông làm Thành hoàng làng.
Đình Sét xưa có 5 gian Đại bái, 3 gian Hậu cung. Ở đình có bản thần tích, bia đá, cùng nhiều hoành phi, câu đối. Tháng 12/1972 bom B52 của giặc Mỹ đã phá huỷ toàn bộ đình Sét.
Đình Sét đã được nhân dân địa phương đóng góp tiền của công sức xây dựng lại trên nền đất đình cũ. Đình còn lưu giữ được 3 đạo sắc phong thần. Trong Hậu cung có chân dung truyền thần tiến sĩ, vị tổ nghề dát thiếc Nguyễn Chính.
Hội làng Giáp Lục được tổ chức ngày 14 tháng tám âm lịch.
Chùa Sét có tên chữ là “Cổ Am tự” thuộc thôn Giáp Lục (tức Kẻ Sét thời xưa) nay thuộc phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Tương truyền chùa Sét được xây dựng từ thời nhà Lý (1009 - 1225) và được trùng tu nhiều lần. Tấm bia cổ của chùa ghi rõ vào các năm (1630) Canh Ngọ, Tân Mùi (1631) dưới triều vua Lê Thần Tông, niên hiệu Đức Long đã dựng điện thờ Phật, nhà Thiêu hương, tăng phòng, xây gác chuông...
Xưa kia, Kẻ Sét có hai ngôi chùa là “Cổ Am tự” và “Đại Bi tự”. Năm 1972 chùa Đại Bi đã bị bom Mỹ phá huỷ hoàn toàn, nên chùa Sét hiện nay là chùa Cổ Am cũ còn lại.
Kiến trúc chùa Sét có ngũ quan, qua ngũ quan đến sân gạch rồi vào chùa chính gồm Tiền đường, nhà Thiêu hương, Hậu cung. Trong chùa còn có nhà Tổ kiêm nhà tăng.
Toà Tiền đường có ba gian, trên bờ nóc đắp hình “lưỡng long triều nhật” mặt ngoài của tường hồi đắp nổi hình hổ phù.
Tại bệ cao nhất trong tiền đường là ba pho tượng Tam thế, rồi hàng tượng A Di Đà... tượng Phật Thích Ca, toà Cửu Long...
Do vừa thờ hệ thống Tứ Pháp và các thần nông nghiệp truyền thống (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), vừa thờ Phật nên việc xếp đặt tượng chùa Sét có khác với đa số các chùa ở miền Bắc.
Ở đây Hậu cung được dùng làm nơi đặt bệ thờ Pháp Vân, tượng Bà được đặt trong khám. Phía trước tượng Pháp Vân là tượng Quan Âm (với sáu đôi tay) ở bên phải, phía trái là tượng Quan Âm tổng tử.
Nhà Tổ cũng là nơi ở của các sư trụ trì chùa ở phía trái sát tường hồi toà Tiền đường.
Chùa Sét còn giữ lại được 9 tấm bia đá ghi rõ các năm từ 1635 (thời Lê Trung Hưng) đến thời Nguyễn (1927), 8 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn (1802 đến 1945), một tượng Thích Ca đúc bằng đồng cao 2m năm 1934 (Giáp Tuất), đời triều Bảo Đại năm thứ 9, một quả chuông, ba bức hoành phi, tám đôi câu đối...
Hội chùa Sét diễn ra từ ngày khai hạ (mùng 7 tết) đến hết ngày 18 tháng giêng âm lịch.
Đền và chùa Sét đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1999./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01