Đình Phù Sa (Thị xã Sơn Tây)
Đình Phù Sa thuộc xã Viên Sơn, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Đình Phù Sa là tên gọi một ngôi đình thờ phò mã và công chúa - con vua Đinh Tiên Hoàng thuộc địa phận thôn Phù Sa, xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây. Theo các nguồn tư liệu hiện được lưu giữ tại đình cho biết phò mã có tên là Quán Sơn, là người khôi ngô, tuấn tú, tài năng hơn người xếp vào bậc anh hùng nhất cõi. Chàng được vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm phò mã, sánh đôi cùng với công chúa Phương Dung. Chàng đã có công giúp nước, đánh quân Tống xâm lược. Khi đất nước yên bình, phò mã cùng công chúa về quê Phù Sa chiêu mộ dân lập ấp, chú trọng nông trang.
Phương Dung công chúa dạy dân Phù Sa trồng dâu, nuôi tằm... do có công lao lớn với nhân dân, với đất nước nên khi phò mã và công chúa mất, được nhân dân Phù Sa tôn thờ, phụng sự hương khói lâu dài.
Đình Phù Sa được xây dựng ở một vị trí đẹp giữa làng, kiểu chữ “môn” với hai dãy nhà cầu, Đại bái, Hậu cung và Tả hữu vu.
Phía trước sân đình là hệ thống cột trụ, tường bao. Ở đây hiện có đôi sấu bằng đá và đôi voi đắp nổi kiểu phù điêu. Hai bên sân là hai dãy nhà cầu với kết cấu đơn giản.
Đại Bái đình Phù Sa gồm 3 gian 2 dĩ với các bộ vì liên kết kiểu: “Thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền, bảy hiên”, trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc thiên về bào trơn đóng bén; các mảng chạm trang trí tập trung trên câu đầu và kẻ, bảy với các hoạ tiết hoa văn lá lật, vân mây, hổ phù, chữ “thợ” cách điệu theo phong cách điêu khắc của lần trùng tu vào thời Nguyễn.
Từ Đại bái, qua một khoảng sân rộng là tới Hậu cung. Toà này gồm 3 gian 2 dĩ với 4 mái góc đao uốn cong. Các bộ vì kết cấu kiểu: “Thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền, bảy hiên”. Tại gian này, hiện bài trí khám thờ linh vị của các vị thần được thờ trong di tích.
Đình Phù Sa còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị như: bia đá, hoành phi, câu đối và nhiều đồ tế tự khác.
Đình Phù Sa được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01