Chùa Thổ Khối (quận Long Biên)
Chùa Thổ Khối nằm trên một thế đất cao, quay hướng tây, thuộc phường Thổ Khối, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội (trước đây là xã Thổ Khối, huyện Gia Lâm). Chùa còn có tên chữ là Sùng Phúc tự.
Hiện nay chưa có tư liệu nào nói đến việc khởi dựng chùa Thổ Khối. Theo các nhà nghiên cứu thì tên gọi Sùng Phúc đã có từ khá sớm. Thổ Khối xưa kia có 5 gò cao như Gò Cát, Cầu Cao, Đồng Sơn, Đồng Dễ, Đồng Hột được coi là Ngũ nhạc cũng thể hiện cho Ngũ hành tương sinh tạo nên một làng quê thịnh vượng. Đôi câu đối tại trụ biểu toà Tiền đường có ghi lại:
Ngõ phong kính pháp giới ngọc lộ hương kim quả hưởng cảnh
ngưỡng sinh cương,
Nhị thuỷ tức tuệ tâm tường vân cái tuệ nhật phiên quang
lung bảo toà.
Tạm dịch:
Năm đỉnh tựa pháp giới bình ngọc toả hương thơm kết trái
ngưỡng vọng cao,
Sông Nhị tức tuệ tâm tốt lành thay tuệ nhật xoay luồng
ngóng toà sen.
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, chùa Thổ Khối bị mất một số pho tượng cổ, trong đó có bộ tượng Tam thế, tượng Bồ tát cưỡi trên lưng trâu và đặc biệt là pho tượng Quan Âm nam hải. Theo các cụ kể lại thì pho tượng Quan Âm nam hải để chính giữa Thượng điện, có kích thước lớn nhất so với các pho tượng khác. Tượng Quan Âm nam hải thường thấy trong các ngôi chùa ven sông vì Quan Âm nam hải cứu độ cho các thương thuyền.
Tương truyền rằng, vào thời Lê có một người họ Đào người làng Thổ Khối, huyện Tống Sơn, phủ Thanh Hoa (Thanh Hoá) đến vùng bãi bồi này làm ăn sinh sống. Ông có công giúp vua Lê thoát nạn, sau đó được triều đình cho phép kiểm soát thuyền bè qua lại nơi đây. Nếu có bị vỡ đê, lũ lụt thì được phép viện binh cứu hộ từ Tuần phủ Thái Bình đến Tuyên Quang. Sau khi ông mất, dân làng thờ ông làm Thành hoàng và được triều đình phong sắc.
Như vậy, Thổ Khối là một làng ven sông Hồng, có khả năng đầu tiên chùa chỉ thờ Quan Âm nam hải.
Trải qua bao năm tháng, chùa Thổ Khối bị sụt lở, theo văn bia hậu Phật ngày 7 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) tại chùa, cho biết: “Vào năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), chùa xã ta bịt sụt lở, cảm động trước việc đó, là Đào Thị Viết đã xuất tiền của gia tài là 20 quan để khởi công trùng tu tôn tạo”.
Được sự công đức của các quan chức và những người hảo tâm, chùa Thổ Khối được trùng tu, tôn tạo, đúc chuông và khánh...
Từ thế kỷ XIX, khi phái Lâm Tế được truyền từ Bà Đá về Đào Xuyên (Đa Tốn) thì chùa Thổ Khối trở thành chi nhánh thuộc tổ Đào Xuyên. Hàng năm đến ngày giỗ tổ Đào Xuyên thì các chùa theo dòng Lâm Tế quanh vùng, trong đó có chùa Thổ Khối đều về chùa Đào Xuyên cúng Phật, thỉnh Tổ.
Về mặt kiến trúc, toà Tam bảo có kết cấu hình chữ “đinh”. Phần Thượng điện đặt hệ thống tượng Phật. Không như những ngôi chùa khác, ở đây 2 bên tường của chính điện được tạo các ô vòm để thờ Thập điện Diêm vương và phía sau cùng của Thượng điện vẫn tạo lối đi để làm nghi thức nhiễu Phật (chạy đàn).
Ngoài hệ thống chuông, khánh và bia đá, chùa còn lưu giữ rất nhiều hiện vật cổ như hệ thống hoành phi, câu đối miêu tả cảnh sắc nơi đây.
Chùa Thổ Khối ngoài việc thờ Phật còn thờ Mẫu.
Chùa Thổ Khối đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02