Chùa Dục Tú (huyện Đông Anh)
Chùa Dục Tú (hay Tiên Cảnh tự) thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Chùa Dục Tú, gọi theo tên chữ là Tiên Cảnh tự, hiện ở thôn Dục Tú, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ngoài ra chùa còn có nhiều tên gọi khác sau mỗi lần di chuyển như chùa Đào, chùa Thức, chùa Bà Tông, chùa Dục Tú.
Đầu Công nguyên, thôn Dục Tú thuộc trang Đường An, sang thời Lê thuộc tổng Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Sang đầu thời Nguyễn, Dục Tú nằm trong tổng Dục Tú, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc cho tới đầu thế kỷ XX đổi là phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nằm trong xứ Kinh Bắc, với trung tâm Phật giáo Luy Lâu, chùa làng Dục Tú ra đời từ rất sớm, có thể là từ thế kỷ VIII - IX bởi không còn tài liệu thành văn nào ghi chép lại thời gian chính xác xây dựng chùa, chỉ biết rằng theo truyền thuyết và lời kể của các cụ cao tuổi trong làng cho biết từ rất xa xưa làng đã có ngôi chùa thờ Phật. Ngôi chùa đầu tiên như các cụ nói là chùa Thức, chùa Bà Tông... cho đến khi chùa mang tên chợ Vòng bị phá, dân làng chuyển chùa về thờ tại nhà Thọ lão ở đình làng như hiện nay. Chùa Tiên Cảnh đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, năm Gia Long (1813), Minh Mệnh (1835) và năm Tự Đức (1851).
Chùa Tiên Cảnh do nhiều lần chuyển dời, qua nhiều biến cố lịch sử và một phần do tiêu thổ kháng chiến nên hiện nay quy mô kiến trúc của chùa còn nhỏ, chùa hiện sử dụng kiến trúc nhà Thọ tứ của đình làng. Chùa liền sát với đình, được dựng vào năm 1887. Chùa quay hướng nam với 2 nếp 3 gian 2 dĩ, nhà dạng chữ nhị.
Chùa Tiên Cảnh mặc dù qua nhiều lần chuyển dời song vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật đặc biệt là hệ thống tượng tròn. Là sản phẩm nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, hệ thống tượng tròn cũng mang những đặc trưng của từng thời kỳ, đồng thời mỗi pho tượng được tạo tác là sự khắc họa tính cách của từng nhân vật trong truyền tích lịch sử. Trong toàn bộ hệ thống tượng, đáng chú ý là bộ tượng Tam thế Phật, tượng Thập diện và tượng Phật Di Lặc. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ được một số di vật cổ như: bia đá, chuông đồng được đúc năm Minh Mệnh 16 (1835).
Nằm gần trung tâm Phật giáo Luy Lâu, các ngôi chùa thờ Phật dần dần ra đời đáp ứng lòng sùng kính của người đương thời - chùa là nơi gửi gắm tâm linh. Những ngôi chùa cổ từ xa xưa cũng đã thu hút không ít công hầu, khanh tước đến cửa thiền lễ Phật. Chùa Tiên Cảnh hơn thế, đã tiếp nhận mọi sự công đức, trong đó có cả thứ phi của Ngô Vương Quyền, người con gái đã từng tận tâm trong việc tu bổ ngôi chùa của quê hương. Không những vậy, nơi đây còn là vùng đất của nhiều nhà khoa bảng: Kính Tu, Chu Doãn Lệ, Chu Doãn Trí...
Cùng với đình Dục Tú, chùa Tiên Cảnh đã hợp thành một quần thể kiến trúc đẹp và khá độc đáo ở phía tây bắc thủ đô Hà Nội ngày nay.
Chùa Tiên Cảnh đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02