Chùa Đông Dư Thượng (huyện Gia Lâm)
Chùa Đông Dư Thượng ở thôn Đông Dư Thượng, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Chùa Đông Dư Thượng là tên gọi theo địa danh của làng, còn có tên chữ Nội Long tự - có nghĩa là “chùa trong mắt rồng”. Chùa nằm bên bờ sông Hồng, thuộc xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Cũng như nhiều ngôi chùa cổ khác ở đồng bằng Bắc Bộ, chùa được dựng lên không ngoài mục đích để làm nơi tôn thờ đạo Phật - một tôn giáo du nhập vào nước ta từ nhiều thế kỷ.
Chùa Đông Dư Thượng được xây dựng trên một khu đất cao giữa làng, mặt bằng di tích bao gồm chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu.
Chùa chính là hình chữ “đinh”, quay theo hướng tây nam. Toà Tiền đường là một lớp nhà ngang gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Hai cột trụ biểu, đỉnh trụ trang trí hình 4 chim phượng chụm đuôi vào nhau, đầu quay 4 phương dưới dạng lá lật, tiếp đến là đấu vuông, đến mui luyện, 4 góc mui luyện đắp hình 4 đầu rồng, phía dưới là ô lồng đèn, trang trí tứ linh, tứ quý, thân trụ bổ khung ghi câu đối chữ Hán.
Thượng điện gồm 3 gian 1 dĩ chạy dọc với 6 cột quân nối liền với gian giữa nhà Tiền đường, bộ vì kèo làm theo kiểu “quá giang ván mê”.
Với một kiến trúc bề thế trên mặt bằng rộng rãi, chùa Đông Dư Thượng thể hiện được phần nào lối tư duy kiến trúc của người Việt là sự hài hoà giữa di tích và môi trường cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người. Trên các bộ phận cấu kiện gỗ như các bức cốn, thanh xà, con rường, đầu bẩy hiên được trang trí các đề tài chủ yếu là rồng chầu mặt trời, phượng chầu hổ phù, long mã hoá lá, lão cúc hoá rồng hoa lá hoá rồng tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát cho toàn bộ khung nhà. Đặc biệt, giá trị nghệ thuật độc đáo của di tích đã thể hiện tập trung qua hệ thống tượng tròn, với bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân xưa đã để lại những tác phẩm điêu khắc khá tiêu biểu như bộ tượng Tam thế Phật, A Di Đà Tam tôn, Cửu long - Thích Ca sơ sinh... mỗi pho tượng được thể hiện bằng đường nét khái quát riêng, phù hợp với tính cách của từng nhân vật. Bên cạnh đó, khác với các pho tượng Phật, tượng Tổ ở chùa lại mang nét đẹp dân dã, tràn đầy tính nhân đạo vốn có của dân tộc ta.
Chùa Đông Dư Thượng đã được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02