Chùa Áng Hạ (huyện Mỹ Đức)
Chùa Áng Hạ thuộc địa phận xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Chùa Áng Hạ cách Thành phố Hà Nội khoảng 55km về phía nam. Từ Quốc lộ 6 đến ngã ba Ba La thì rẽ trái theo tỉnh lộ 21B đi đến thị trấn Đại Nghĩa. Từ đây rẽ tay phải theo con đường liên xã chừng 10km là tới di tích.
Chùa tọa lạc trên một khu đất đẹp, quay hướng nam, gồm có: Cổng, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, sân, tháp mộ sư, vườn cây ăn quả. Chùa chính kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường chùa Áng Hạ được chia làm 5 gian. Nhìn bên ngoài Tiền đường 2 tầng 4 mái, bờ nóc, bờ dải đắp bờ đinh, 2 đầu bờ nóc đắp đấu đỉnh, cuối bờ dải xây giật cấp. Vào bên trong Tiền đường, gian bên tả đặt tượng Đức Ông, bên hữu đặt tượng Thánh Hiền, hai gian giáp với gian giữa bên hữu đặt Hộ Pháp trừng ác, bên tả đặt Hộ Pháp khuyến thiện. Vào bên trong các bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu thức “kèo kẻ quá giang” bào trơn đóng bén. Thượng điện chùa là 3 gian nhà dọc nối từ gian giữa Tiền đường, tạo cho kiến trúc chùa chính theo kiểu chữ “đỉnh”. Vào bên trong, bộ vì được làm kiểu cuốn vòm gôtích, mang phong cách phương Tây. Ở vị trí cao nhất là nơi tọa lạc của ba pho tượng Tam thế trong thế ngồi âm dương trên tòa sen mang phong cách thế kỷ XIX. Lớp thứ 2 là bộ Di Đà Tam tôn, chùa chỉ có pho A Di Đà ngồi giữa, còn thiếu tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Lớp thứ 3 là tượng Di Lặc. Lớp thứ 4 là tượng Quan Âm chuẩn đề. Hai bên là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ mang phong cách thời Nguyễn. Lớp thứ 5 là tượng Thổ Địa và Giám Trai. Lớp thứ 6 là tòa Cửu long. Tượng Thích Ca sơ sinh. Hồi bên tả thượng điện đặt tượng Quan Âm tống tử tạo tác ngồi trên hòn giả sơn.
Chùa Áng Hạ còn lưu giữ được 1 bức hoành phi gỗ sơn son thếp vàng, 1 quả chuông đồng niên hiệu Minh Mệnh (1820 - 1840), 1 bát hương gốm Thổ Hà thế kỷ XVIII.
Chùa đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá năm 2005./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02