Đình Xuân Bách (huyện Sóc Sơn)
Đình Xuân Bách hiện nay thuộc thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội.
Đình Xuân Bách có khởi nguồn tạo dựng từ thời Lê. Các tư liệu thành văn còn lưu tại đình cho biết: di tích đã trải qua trùng tu nhiều lần nên ngôi đình hiện nay mang dấu ấn của kiến trúc thời Nguyễn. Đình Xuân Bách phụng thờ vị phúc thần là: Hoài Đạo vương phó nguyên soái Nguyễn Nộn ở vào đời Lý - Trần đã có công giúp nước dẹp giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền dân tộc. Nguyễn Nộn làm quan đời Lý Huệ Tông (1211 - 1224) có công dẹp giặc được phong chức Tả đô đốc, trấn giữ đạo Bắc Giang, sau về ẩn cư ở chùa Sùng Khánh. Khi Trần Thái Tông lên ngôi (1226) ông được ban ngựa thần, gươm thần bèn ước định cùng Đoàn Thượng chống lại nhà Trần. Năm 1228, Trần Thủ Độ tâu với vua Trần Thái Tông phong cho Nguyễn Nộn tước Hoài Đạo Vũ vương và gả công chúa Ngoạn Thiềm cho để cầu hoà. Sau ông bãi binh về ở chùa Sùng Khánh rồi mất. Nhân dân trong vùng và dân xã Phù Đổng là quê của ông lập đền thờ tôn làm thành hoàng. Các triều vua đều phong sắc và tặng mỹ tự cho phép xã Xuân Bách, tổng Hương Đình thờ phụng.
Đình Xuân Bách được xây dựng trong một không gian rộng giữa khu cư trú của làng. Các công trình kiến trúc gồm: Đại bái và Hậu cung kết cấu kiểu chữ “nhị”. Toà Đại bái 3 gian, 2 chái, xây kiểu nhà bốn mái với các đầu đao cong, chính giữa bờ nóc đắp hình “lưỡng long chầu nhật”, mái lợp ngói ta, các vì kèo đỡ mái làm kiểu “giá chiêng”. Trang trí trên các cốn, rường kẻ hình rồng mây, hoa lá, rồng cuốn thuỷ. Toà Hậu cung nối liền với gian giữa Đại bái gồm 3 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, vì kèo kết cấu kiểu “kèo cầu quá giang”. Nền nhà lát gạch vuông. Hiện nay đình Xuân Bách còn lưu giữ bộ sưu tập di vật khá đa dạng về chủng loại gồm: Sáu đạo sắc phong thần trong đó sắc có niên hiệu sớm nhất năm Thiệu Trị 6 (1846), sắc niên hiệu Tự Đức 3 (1850), sắc Khải Định 9 (1924), sắc muộn nhất niên hiệu Bảo Đại 17 (1942). Ngai thờ, kiệu rước, hương án được chạm khắc công phu đề tài tứ linh phong cách nghệ thuật thời Nguyễn; 14 tấm bia hậu trong đó bia sớm nhất có niên đại Thành Thái 5 (1893); một khánh đá thời Nguyễn.
Hàng năm làng Xuân Bách tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng mười âm lịch để tôn vinh công trạng của thần đồng thời ôn lại truyền thống văn hoá của địa phương.
Đình Xuân Bách đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2003./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02