Chùa An Định (huyện Thường Tín)
Chùa An Định thuộc địa phận xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Chùa An Định có tên chữ là Sùng Ân tự, thuộc thôn An Định. Chùa gồm Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ khác. Tam quan chùa là một công trình đồ sộ, được xây bằng gạch lục kiểu cuốn vòm bên trong với hai tầng mái. Sườn nách hai lối bên có cầu thang xây gạch để lên tầng trên, rất giống kiến trúc cửa Ngọ Môn (Huế). Giữa tầng dưới và tầng trên tiền nhân đã để một khoảng rộng dùng để trang trí các tích cổ liên quan đến nhà Phật. Tầng trên gồm ba gian riêng biệt, các gian đều trổ cửa, gian giữa có treo một quả chuông đồng lớn đúc năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1779). Tổng thể Tam quan có 12 trụ biểu lớn nhỏ (6 trụ trước, 6 trụ sau). Tại trụ biểu lớn trên đỉnh trụ có đắp hình rồng cuốn, tương đương đỉnh trụ nhỏ đắp nghê chầu.
Chùa chính có kết cấu chữ “đinh” với Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường gồm 5 gian, hai tầng với các mái đao. Bờ nóc đắp bờ đỉnh, hai đầu bờ nóc là hai con kìm ngậm, chính giữa bờ nóc là hình mặt nguyệt, gấp khúc bờ dải có các con sô bằng vôi vữa. Bên trong toà Tiền đường với 6 bộ vì kết cấu tương đương nhau theo kiểu thức “chồng rường giá chiêng”. Ngoài ra tại kẻ hiên, xà nách và đầu dư của chùa cũng được chạm rồng, chạm lá lật, tứ linh, tứ quý, tất cả đều mang phong cách thời Nguyễn. Dấu ấn Nguyễn còn hiển hiện trên các đồ thờ tự như hoành phi, cuốn thư, cửa võng... Thượng điện nối liền với gian giữa Tiền đường tạo thành hình chuôi về. Đây là nơi bài trí hệ thống tượng Phật, ở vị trí cao nhất là pho Tam thế. Các pho tượng được tạo tác trong tư thế ngồi âm dương trên toà sen 3 lớp úp. Hai tay các pho tượng kết định ấn đặt ngửa trong lòng đùi. Lớp thứ 2 là bộ tượng A Di Đà Tam tôn. Đây là bộ tượng có kích thước lớn nhất trong chùa. Hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Tiếp theo là tượng Cửu long và Thị giả. Thượng điện tượng Thập điện Diêm vương nhưng hiện nay chỉ còn 6 vị. Hai bên hồi là tượng Đức Ông cùng Già Lam, Chân Tể, tượng đức Thánh Hiền và Diệm Nhiên, Đại Sĩ.
Phía sau chùa chính là nhà Mẫu với năm gian, trong đó có ba gian thờ chính, niên đại trùng tu vào thời Duy Tân thứ hai (1908). Toà nhà Mẫu còn lưu giữ nhiều hoa văn hoạ tiết trên các bức cốn với nhiều đề tài như trúc hoá long, tứ quý. Tại gian thờ chính, nơi cao nhất có pho tượng Quan Âm toạ sơn, kích thước không lớn, phía dưới là tượng Mẫu Thượng Thiên.
Bên cạnh nhà Mẫu là nhà Tổ. Nhà Tổ cũng gồm năm gian. Ba gian giữa dùng để thờ Tổ. Kết cấu các bộ vì được làm đơn giản theo kiểu thức “vì kèo giá chiêng”.
Các di vật chùa chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, cụ thể: 1 quả chuông đồng năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1779), 1 bia đá được làm vào năm Duy Tân nguyên niên (1907) ghi chép về việc đặt hậu ở chùa.
Chùa đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02