Bảo tàng Phòng không - Không quân (quận Hoàng Mai)
Bảo tàng Phòng không - Không quân trước đây vốn là hai bảo tàng (Phòng không và Không quân), sau được sáp nhập lại, mang tên cả hai bảo tàng, được trưng bày tại địa chỉ 171 đường Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân trên diện tích 18.000m2.
Bảo tàng có 2 phần trưng bày: Trong nhà và ngoài trời. Gian long trọng nhất được thiết kế thông tầng, có mái vòm, tượng trưng cho bầu trời thanh bình của Tổ quốc. Dưới bầu trời, ngay chính giữa là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đặt nền móng cho việc xây dựng lực lượng phòng không - không quân Việt Nam. Xung quanh là các phù điêu mang hình ảnh về đất nước, dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam, các phần thưởng cao quý (gồm hàng trăm huân chương các loại, hàng ngàn huân chương chiến công), 107 đơn vị, 70 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng lao động.
Các nội dung trưng bày trong nhà gồm:
- Bộ đội phòng không - không quân trong cuộc chiến chống thực dân Pháp (những chiến công của trung đoàn 367 tại chiến dịch Điện Biên Phủ) với truyền thống lấy vũ khí bộ binh tước được của địch bắn máy bay địch đến sự ra đời của Trung đoàn cao xạ phòng không 367 và những chiến công xuất sắc tại mặt trận Điện Biên Phủ (1946 - 1954).
- Sự hình thành và phát triển lực lượng Phòng không - Không quân (1954 - 1964).
- Bộ đội phòng không cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964 - 1972).
- Chiến đấu bảo vệ biên giới tây nam và phía bắc, xây dựng và sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời của Tổ quốc.
Phần trưng bày ngoài trời, gồm các loại vũ khí đã lập chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó là bộ sưu tập pháo phòng không gồm pháo 37mm, 90mm, pháo tự hành AM, pháo 57mm, 100mm, 14.5mm - 4 nòng... Bộ sưu tập tên lửa gồm các loại tên lửa, bệ phóng tên lửa, đài điều khiển tên lửa đã lập nên chiến công bắn rơi 800 máy bay Mỹ, trong đó có 57 máy bay B52. Các loại Rađa, xe Rađa, bãi xác máy bay Mỹ là một bằng chứng thất bại thảm hại của không lực Hoa Kỳ. Tại đây có rất nhiều kiểu loại máy bay chiến thuật, chiến lược, đặc biệt là chiếc F4B bị bắn rơi ngày 14/5/1967 tại Thanh Hoá gần như còn nguyên vẹn.
Bộ sưu tập máy bay của không quân Việt Nam gồm các loại máy bay tiêm kích Mig - 17, Mig - 21, Mig - 19, trực thăng vận tải Mi - 4, Mi - 6, máy bay vận tải An - 2, trực thăng vũ trang Mi - 24, trực thăng săn ngầm Ka - 25, máy bay huấn luyện, tiêm kích, ném bom; các loại xe và các phương tiện đặc chủng phục vụ cho không quân như xe ủi, xe nạp dầu máy bay, xe thông tin, đèn chỉ huy... Tất cả đã tạo nên chiến công hiển hách của không quân Việt Nam: đánh hơn 400 trận, bắn rơi 320 máy bay Mỹ gồm 19 kiểu loại, đánh chìm và bị thương 6 tàu chiến, tàu biệt kích, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ.
Đến thăm Bảo tàng Phòng không - Không quân, mỗi chúng ta sẽ có những hiểu biết đầy đủ hơn, hệ thống hơn về quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam anh hùng, đặc biệt các bạn trẻ chắc chắn sẽ vô cùng thích thú được mắt thấy tai nghe nhiều loại máy bay, tên lửa cùng các khí tài quân sự, mới chỉ được biết qua sách vở, phim ảnh./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02