Lý luận - phê bình

Thơ viết về chiến thắng Điện Biên Phủ: Nối dài âm hưởng bản hợp xướng anh hùng ca

Nhà thơ Phạm Đình Ân 08:19 06/05/2024

Bảy mươi năm qua, thơ về sự kiện Đại thắng Điện Biên Phủ có nhiều bài, được công bố trên báo, tạp chí, sách liên tiếp vào các năm 1954, 1955, 1956… sau đó được in chụm vào những dịp kỷ niệm năm chẵn: 1964, 1974, 1984, 1994, 2004, 2014 và năm nay bảy mươi năm - 2024.

anh-chien-si-phat-co-quyet-chien-quyet-thang-.jpg

Bài viết này căn cứ vào hai quyển sách tuyển thơ: “Bài ca Điện Biên” (nhiều tác giả, Trần Bảo Hưng biên soạn và giới thiệu, Hội Văn nghệ Lai Châu, 1984); “Trời Điện Biên mây trắng” (soạn giả Gia Dũng, Nxb Văn học, 2014). Quyển 1 ra đời sau mốc 1954 đã ba mươi năm, nhưng tác giả đã công bố lại được gần như đầy đủ những tác phẩm nổi trội nhất, đậm tính thời sự. Một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều nhà thơ danh tiếng góp bài. Đó là: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sóng Hồng (tức đồng chí Trường Chinh) cùng những tên tuổi khác: Tố Hữu, Vân Đài, Vũ Cao, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh, Thanh Tịnh, Nông Quốc Chấn, Chính Hữu, Trinh Đường, Phạm Hổ, Yến Lan, Bằng Việt, Nguyễn Đức Mậu… Quyển 2 có thêm bài đáng chú ý của các nhà thơ: Nguyễn Hải Trừng (với bài “Nói với khẩu pháo 105 của giặc trên cánh đồng Mường Thanh”), Xuân Quỳnh, Vương Trọng (với bài “Trang nhật ký cuối cùng của Pirốt”), Nguyễn Quang Hà (với bài “Tổ quốc”), Thế Mạc, Lê Thành Nghị, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý…

Nếu quyển 1 với 66 bài của 55 tác giả đều chụm vào sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ thì quyển 2 tuy khá dày nhưng lại chỉ có 45 bài của 43 tác giả viết sát vào đề tài đang bàn đến, trong khi sách có 236 bài của 109 tác giả. Lý do là sách này thuộc hệ thống sách tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng viết về các miền quê hương đất nước, ở đây là thơ chung về Tây Bắc, mà Điện Biên Phủ trong chiến tranh là một nội dung. Tuy vậy, nếu được soạn xếp để tách phần Đại thắng Điện Biên Phủ ra thành một quyển riêng, thì nó lại trở thành một quyển khác (sách trong sách) dày dặn và có giá trị.
Có thể lọc ra ở cả hai quyển thơ những bài hay nhất kết thành một chùm tác phẩm đĩnh đạc. Trước tiên là ba bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” như một phóng sự thơ mô tả trận thắng của quân - dân ta, thuộc số những bài thơ được viết sớm nhất: 12/5/1954. Bài thứ hai và thứ ba do Lữ Huy Nguyên sưu tầm (không có ở quyển 2). Trong đó, bài “Na - va chinh phụ ngâm” (chủ ý chinh phu, không phải chinh phụ) viết theo giọng thơ của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm, đậm tính giễu nhại - trào lộng nhằm vào kẻ xâm lược. “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khiến Na-va nhiều nỗi chuân chuyên/ Thua to ở trận Điện Biên/ Vì ai kế hoạch mà nên nỗi này!/ Cút về Tây tấm lòng xấu hổ/ Xấu hổ này biết đổ ai đây?/ Bước chân lên chiếc tàu bay/ Bước đi một bước giây giây lại dừng”.

Sau ba bài thơ của lãnh tụ Hồ Chí Minh, thì “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” là tác phẩm thơ ra đời sớm nhất (ghi chú dưới bài tháng 5/1954) vừa có tính thời sự “Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc, hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Loa kêu từng cửa/ Làng bản đỏ đèn đỏ lửa” vừa có tính nghệ thuật rất đặc sắc. Nói không ngoa rằng, khi ấy và nhiều năm sau, hầu như toàn dân ta yêu thích - thậm chí thuộc lòng - bài thơ này. Đây là một trường ca rút gọn, giàu cảm xúc, đậm chất anh hùng ca: “Kháng chiến ba ngàn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực/ Trên đất nước như huân chương trên ngực/ Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!/ Điện Biên vời vợi nghìn trùng/ Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta”. Tác giả sung sướng bao nhiêu thì người đọc cũng sung sướng bấy nhiêu. Những câu thơ ngợi ca chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến mãi mãi vang vọng trong tâm khảm già trẻ, gái trai trải qua các thế hệ: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn! […] Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn, xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh […] Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng/ Vườn cam lại vàng”. Đây là tác phẩm thơ tổng hợp, tích hợp nhiều ý nghĩa cao đẹp: mô tả trận đánh, ca ngợi sự kiện Đại thắng, sẻ san niềm vui sâu sắc cùng đại gia đình dân tộc Việt Nam, ca ngợi quân và dân ta, tưởng nhớ, tri ân thương binh - liệt sĩ…

anh-tap-tho-ve-dien-bien-1.jpg
anh-tap-tho-ve-dien-bien.jpg

Chính Hữu nổi tiếng không phải ở số lượng tác phẩm mà do có nhiều bài thơ còn lại mãi mãi với thời gian, như “Ngọn đèn đứng gác”, “Lá ngụy trang” và riêng ở đây là “Giá từng thước đất”. Những câu thơ từng bám chặt vào tâm khảm chúng ta: “Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội/ Ta mới hiểu thế nào là đồng đội (…) Đồng đội ta/ Chia khắp anh em một mẩu tin nhà;/ Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp/ Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.

Khi bạn ta
lấy thân mình
đo bước
Chiến hào đi
Ta mới hiểu
giá từng thước đất”

Khi bàn tiếp về những bài thơ thời sự tiếp cận sự kiện Đại thắng Điện Biên Phủ, sẽ không thể không đọc “Tiếng búa mở đường vào Điện Biên” của Thi Nhị nói về đồng chí Nguyễn Phú Lý, bộ đội công binh đã quai liền một hơi 972 nhát búa để phá đá mở đường khẩn trương cho pháo vào trận địa. Thêm nữa, “Anh bạn đòn gánh” của nhà thơ dân tộc Thái Lò Văn Cậy (do Mạc Phi dịch) là một bài thơ lạ. Trong chiến dịch đầy khó khăn, gian khổ, “Dẻo dai anh đòn gánh” đã giúp rất nhiều cho con người. Rồi không thể quên “Người đan võng” đáng yêu biết mấy khi Xuân Thiêm viết về người chiến sĩ này từ năm 1955. Giữa các đợt tiến công, anh đan võng dù cho con. Xúc động quá khi chúng ta đọc những dòng thơ: “Võng dù gửi đi rồi/ Tình anh về xóm nhỏ/ Anh xách súng mỉm cười/ Lại đi vào khói lửa// Ở một thôn nho nhỏ/ Ngày phượng đỏ mái đình/ Có một em hớn hở/ Đu võng bổng trời xanh// Nhưng người đan võng ấy/ Chưa gặp con một lần/ Phong thư nhòe nước suối/ Võng ru hoài vang ngân”. Người chiến sĩ ấy không bao giờ được trở về với gia đình. Đây là bài thơ để đời của nhà thơ Xuân Thiêm.

Tiếp tục, “Trang nhật ký cuối cùng của Pirốt” của Vương Trọng và “Nói với khẩu pháo 105 của giặc trên cánh đồng Mường Thanh” của Nguyễn Hải Trừng là hai bài thơ độc đáo. Nếu cùng “nói thay” đối phương, khi Vương Trọng đề cập Trung tá, chỉ huy trưởng pháo binh Pháp tự sát bi thảm vào ngày 15/3/1954, thì Nguyễn Hải Trừng vẽ bức tranh chiếc khẩu pháo của giặc hoen gỉ nằm lại thảm hại trên chiến trường, với cách nói gọi mày theo biện pháp nhân hóa vật vô tri - tác giả từ tầm cao nhìn xuống như nhìn một thân phận xấu số, thấp hèn.

Ba bài thơ mang tính chiêm nghiệm khái quát về một sự kiện lịch sử lớn, đó là “Em hãy đến cánh đồng Mường Thanh” của Bằng Việt, “Tổ quốc” của Nguyễn Quang Hà và “Hò dô ta nào” của Vũ Quần Phương. Dùng câu trùng điệp “Em hãy đến cánh đồng Mường Thanh” làm nhan đề bài thơ và cấu trúc tứ thơ, Bằng Việt đã khuyên nhân vật em (cùng mọi người) hãy đến nơi mà hai mươi năm trước đã xảy ra sự kiện đại thắng Điện Biên Phủ, để tự hỏi và trả lời “Mình phải gắng thêm gì?“. Đấy là một bài thơ có chiều sâu về tư tưởng mang tầm thời đại. Đọc Nguyễn Quang Hà chúng ta thấy ông dựng lại một cảnh cảm động: người mẹ trước đây đưa đứa con thơ dại lên Điện Biên tìm chồng thì nay bà trở lại chiến trường xưa, cùng đi với đứa con đã là vị tướng, quỳ xuống trước nấm mộ vô danh khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đang gần đến kết thúc đại thắng. Đối với Vũ Quần Phương, ông lại dùng câu cảm thán “Hò dô ta nào” đậm sắc thái dân gian làm nhan đề bài thơ nhằm triển khai tứ thơ mới theo hướng thi pháp hiện đại. Nhà thơ gợi mở nhiều suy ngẫm sâu xa: “Hò dô ta nào!/ Cái dây tời các anh choãi chân đứng kéo/ Bây giờ vẫn căng […] Hò dô ta nào!/ Tiếng hô trận mạc/ Ba mươi năm vẫn cứ hằng ngày”.

Thơ ca về sự kiện Đại thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã đóng góp thêm thành tựu vào đề tài chiến tranh cách mạng, để lại ánh hào quang lâu dài. Lại nhớ, năm 1972, sự kiện đại thắng ấy đã làm nên biểu tượng mới “Điện Biên Phủ trên không” do quân và dân ta đánh tan máy bay B52 trên bầu trời Thủ đô Hà Nội. Sự kiện đại thắng này thêm một lần nữa cho ra đời nhiều áng văn chương, nối dài thêm âm hưởng của bản hợp xướng anh hùng ca vĩ đại năm xưa./.

Bài liên quan
  • Nhà văn Đức Anh: “Viết văn hay viết phê bình đều cần phải có đầy năng lượng…”
    Nhà văn Đức Anh Kostroma (sinh năm 1993, tại Nga) từng “chào sân” với các tác phẩm ấn tượng như “Thiên thần mù sương”, “Tường lửa”, “Đảo bạo bệnh”. Hành trình sáng tạo đầy bản lĩnh của anh đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và ghi được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. Giải thưởng “Tác giả trẻ” năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam đã gọi tên anh cùng với tiểu thuyết “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”, bởi đã dám dấn thân thể hiện thế giới quan của “người đi khai phá nét kiêu sa” trong cuộc sống.
(0) Bình luận
  • Thêm một nỗi niềm cho Tây Bắc
    Trước khi đọc “Ta còn em Tây Bắc” của Nguyễn Việt Chiến, tôi tự hỏi: đây là bài thơ viết về điều còn lại của “ta” hay là bài thơ ngợi ca Tây Bắc? Nhưng có lẽ, bài thơ không đơn thuần gợi mở chừng ấy cách nghĩ.
  • Giao hưởng Điện Biên - thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
    Chiến thắng Điện Biên là chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu), làm rạng danh nước Việt trên thế giới “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castriest, ngày 12/5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó, Tố Hữu có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bên cạnh những tác phẩm thơ, Điện Biên còn được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, các cuốn sách hồi ký, biên khảo…
  • Thiên anh hùng ca Điện Biên Phủ: Nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Chiến thắng Điện Biên Phủ “là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Góp vào chiến công vang dội ấy không thể không nhắc đến các văn nghệ sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Nhìn lại thắng lợi vẻ vang của cuộc chiến tranh toàn dân này từ điểm nhìn 70 năm sau chiến thắng, có thể thấy rõ dấu ấn của văn học nghệ thuật viết về đề tài Điện Biên Phủ trải đều trên khắp các loại hình văn học nghệ thuật, từ văn chương cho đến âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, kiến trúc, điện ảnh…
  • Tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá
    Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận nền tảng quan trọng, mang ý nghĩa văn hóa, xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét trên các lĩnh lực: văn học, văn nghệ dân gian, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, múa. Nhìn lại chặng đường gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước của VHNT 3 thành phố, có thể thấy rõ những thành tựu và cả những mặt hạn chế tồn tại cần phải thay đổi để tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá.
  • Nhà văn Đức Anh: “Viết văn hay viết phê bình đều cần phải có đầy năng lượng…”
    Nhà văn Đức Anh Kostroma (sinh năm 1993, tại Nga) từng “chào sân” với các tác phẩm ấn tượng như “Thiên thần mù sương”, “Tường lửa”, “Đảo bạo bệnh”. Hành trình sáng tạo đầy bản lĩnh của anh đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và ghi được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. Giải thưởng “Tác giả trẻ” năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam đã gọi tên anh cùng với tiểu thuyết “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”, bởi đã dám dấn thân thể hiện thế giới quan của “người đi khai phá nét kiêu sa” trong cuộc sống.
  • Người lính và mùa xuân đất nước muôn đời
    Nguyễn Khoa Điềm là tác giả lớn của nền thơ Việt Nam hiện đại. Ông góp vào gia tài thơ ca Việt Nam nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có bài “Đồng dao mùa xuân”. “Đồng dao mùa xuân” được sáng tác vào tháng 12/1994, in trong sách “Thơ Nguyễn Khoa Điềm - Tuyển tập 40 năm do tác giả chọn” (Nxb Văn học, Hà Nội, 2011). Tác phẩm gồm 9 khổ với 33 dòng thơ, theo thể 4 chữ với phong cách đồng dao. Bài thơ được xem là một trong những tác phẩm thành công trong việc khắc họa hình tượng người lính.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Vô định bước chân khi qua chốn cũ
    Một lần tôi âm thầm trở lại Hà Nội. Tôi có hẹn phỏng vấn với một công ty ở đó. Sau bao tháng ngày lăn lội công trường bùn lầy gió bụi, tôi muốn tìm kiếm một công việc mang nhiều yếu tố chuyên môn hơn. Thế nhưng, buổi phỏng vấn hờ hững, kết thúc mà chẳng hứa hẹn điều gì, có lẽ tôi không phải là lựa chọn phù hợp cho vị trí đang tuyển dụng. Chông chênh giữa một thành phố quen mà nay như xa lạ, tôi một mình lang thang qua những con phố cũ, chờ chuyến xe trở về lúc chiều muộn.
  • Tổ chức các giải thể thao chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại các quận, huyện, thị xã
    UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn thành phố triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các giải thể thao chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2024) nhằm động viên nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”...
  • Thừa Thiên Huế: Lấy ý kiến các dự án luật Di sản văn hóa
    Những góp ý các dự án luật Di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn phát triển và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổng hợp, có ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
  • Thêm một nỗi niềm cho Tây Bắc
    Trước khi đọc “Ta còn em Tây Bắc” của Nguyễn Việt Chiến, tôi tự hỏi: đây là bài thơ viết về điều còn lại của “ta” hay là bài thơ ngợi ca Tây Bắc? Nhưng có lẽ, bài thơ không đơn thuần gợi mở chừng ấy cách nghĩ.
  • Khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật các câu lạc bộ nhiếp ảnh Hà Nội năm 2024
    Sáng 15/5, tại Phố Sách 19/12, Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội phối hợp cùng các câu lạc bộ (CLB) nhiếp ảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc “Liên hoan ảnh nghệ thuật các câu lạc bộ nhiếp ảnh Hà Nội” với chủ đề “Việt Nam - Đất nước - Con người”.
  • Nhịp sống mỗi ngày ở khu tập thể cũ Hà Nội
    Với nhiều người Hà Nội, những khu tập thể là nơi lưu giữ nhiều ký ức về nếp sinh hoạt cũ - một phần ký ức của Hà Nội. Giữa nhịp sống hiện đại hôm nay, những khu tập thể cũ ở Hà Nội vẫn lặng lẽ ẩn mình giữa đô thị hiện đại. Với không ít người nó vẫn là những ký ức khó quên với những ai đã từng sống tại các khu tập thể. Nơi đó, mỗi ngày mới, nhịp sống lại bắt đầu...
  • HĐND Thành phố Hà Nội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025
    Với 100% đại biểu có mặt tại Kỳ họp Chuyên đề thứ 16 diễn ra sáng 15/5 tán thành, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025.
  • Nghệ sĩ Nhật Bản đưa Ninja và Samurai lên sân khấu xiếc Việt
    Chương trình xiếc, ảo thuật "Ninja magic show" của nhóm nghệ sỹ Nhật Bản từng gây tiếng vang tại nhiều nước trên thế giới sẽ đến với khán giả Việt Nam từ ngày 18-26/5.
  • Giới thiệu 55 tác phẩm vẽ về Bác của họa sĩ Việt kiều Đào Trọng Lý
    Từ ngày 17/5 đến 22/5/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội sẽ diễn ra Triển lãm “Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ” của họa sĩ Đào Trọng Lý.
  • Bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ
    Tối 14/5, Chung khảo “Liên hoan Tiếng hát cựu thanh niên xung phong Hà Nội 2024” (cụm 1) tiếp tục diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Thành phố (quận Hà Đông), với những phần trình diễn ca múa nhạc đặc sắc, để lại ấn tượng và góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước tới công chúng.
Thơ viết về chiến thắng Điện Biên Phủ: Nối dài âm hưởng bản hợp xướng anh hùng ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO