Lý luận - phê bình

Văn học Việt Nam đương đại - những tác động và chuyển đổi tích cực

Nhà LLPB Nguyễn Bích Thu 09/04/2024 07:45

Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, văn học và các loại hình nghệ thuật khác đang đối mặt với những thách thức của quá trình sáng tạo và tiếp nhận. Làm sao để công chúng Việt Nam không lãng quên văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức và cảm thụ các bộ môn nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, múa, ca nhạc, hội họa… trước sự “bành trướng” của loại hình nghe nhìn, sự “cám dỗ” của điện thoại thông minh cùng các thiết bị điện tử và internet? Đối mặt với những thách thức ấy, các chủ thể sáng tạo đã nỗ lực như thế nào để đưa văn học nghệ thuật trở về với độc giả, khán giả trong đời sống hôm nay? Đó cũng là những vấn đề mà không ít người trăn trở.

van-hoc-mang.jpg

Trước đây, trong nghiên cứu và sáng tác văn học chúng ta thường chỉ quan tâm đến những tác phẩm tinh hoa, coi trọng các đề tài chính thống, cho đó là những tác phẩm có giá trị văn học đích thực. Còn những tác phẩm viết về tình báo, hình sự, an ninh, trinh thám, ngôn tình, văn chương phi hư cấu là “cận văn học”, mang tính giải trí, tức thời, chỉ đưa đến những “khoái cảm mỹ học thứ cấp”. Từ sau 1986, với sự đổi mới tư duy nghệ thuật, quan niệm về văn học và hiện thực, cách nhìn nhận giá trị văn học của giới nghiên cứu phê bình và sáng tác đã thực sự đổi khác, cởi mở, khách quan và công bằng hơn.Thực tiễn sáng tác từ sau 1986 đến nay cho thấy, các nhà văn đã luôn có ý thức kết hợp yếu tố đại chúng và tinh hoa trong cảm hứng sáng tạo nhằm mở rộng diện đọc, phổ cập hơn đến công chúng, đến cộng đồng tiếp nhận.

Trong không gian văn hóa, văn học đương đại, khoảng cách giữa văn học tinh hoa và đại chúng ngày càng thu hẹp lại. Một trong những yếu tố rút ngắn khoảng cách là sự xuất hiện của các yếu tố hình sự, đề tài an ninh xã hội vào các trang viết về đời thường, về nhân sinh thế sự trên cả hai phương diện cảm hứng và cách thức thể hiện. Người đọc như đã chứng kiến những tình tiết gay cấn, đầy bí ẩn và thương tâm trong tiểu thuyết “Điều tra về một cái chết” của Nguyễn Khải; đã gặp các tình tiết hình sự trong các tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn”, “Ngược dòng nước lũ” của Ma Văn Kháng, hay cùng chia sẻ những hy sinh mất mát của những chiến sĩ an ninh “chúng ta ở trên đời không chỉ để ra lộc ra hoa mà còn để mang thương tích” mà nhà văn chọn thơ của Chế Lan Viên làm đề từ các cuốn “Bóng đêm”, “Bến bờ” của mình. Người đọc như cũng “tăng nhiệt” ra trước xung đột tột đỉnh tại một phiên tòa xử ly hôn trong tiểu thuyết “Gã tép riu” của Nguyễn Bắc Sơn; hoặc như nghẹt thở trước các tình tiết, trường đoạn vừa ly kỳ, kịch tính, vừa thấm đẫm nhân văn trong tiểu thuyết “Sóng lừng” (VN. Mafia) của Triệu Xuân; hay được kích thích thị hiếu bởi nghệ thuật kết cấu phối trộn nhiều dạng thức văn bản trong các tác phẩm “Nháp”, “Phiên bản” của Nguyễn Đình Tú…

van-hoc-1.jpg
Trạm đọc giới thiệu độc giả những tác phẩm văn chương mới
van-hoc-2.jpg
Văn Plus là diễn đàn văn chương thu hút nhiều người viết trẻ

Như vậy, văn xuôi viết về an ninh hay trinh thám cùng các hình thức khác nhau ngày càng lôi cuốn mời gọi người đọc tinh hoa cũng như bình dân. Văn học tinh hoa và đại chúng trong bối cảnh hiện nay đều góp phần mở rộng hiểu biết và nhận thức mang ý nghĩa nhân văn với cộng đồng tiếp nhận đương đại và điều đáng nhấn mạnh là đã ít nhiều làm thay đổi thang bậc giá trị khi đánh giá sự hiện diện của văn học đại chúng trong bối cảnh văn học hiện thời.
Bên cạnh sự tác động của kinh tế thị trường với sự “trương nở” của văn học đại chúng mà mảng văn xuôi viết về an ninh xã hội là một minh chứng, còn có sự tác động của văn học mạng đối với cơ chế sáng tạo và tiếp nhận hiện nay. Bên cạnh những sáng tác được in, xuất bản theo dạng thức truyền thống đã xuất hiện thế hệ viết trên “mười đầu ngón tay’’ ngày một đông đảo, luôn nhạy cảm với cái mới, cái khác, hướng đến cái nhìn “liên không gian” trong “thế giới phẳng” hôm nay. Văn học mạng trong ngữ cảnh toàn cầu hóa đã như cầu nối giữa khu vực ngoại vi và trung tâm, kiến tạo những quan hệ tương tác, đối thoại trực tiếp, cập nhật và thẳng thắn với các văn bản được sáng tác, lưu hành trên mạng.

Tác giả Phan Tuấn Anh trong cuốn “Những khu vực văn học ngoại biên” (Nxb Hội Nhà văn) khẳng định: “Dịch chuyển không gian văn học từ trung tâm đến ngoại biên và ngược lại trên nền tảng mạng/ máy tính đã tạo nên một nền tảng văn hóa đọc hài hòa, công chính”. Thực tế cho thấy, trong đời sống văn học bên cạnh những tập thơ, những cuốn tiểu thuyết, những tập tản văn, tiểu luận phê bình in giấy còn là những tác phẩm hình thành trên mạng được giới trẻ (những chủ thể sáng tạo và những chủ thể tiếp nhận) đón chào một cách hào hứng, nhiệt thành. Văn học mạng đã trở thành bộ phận không tách rời của “sinh thể văn chương Việt”. Và vì thế cách cảm nhận và đánh giá văn học mạng không còn định kiến, coi đó chỉ là phù phiếm nghiêng về giải trí. Có thể nói càng ngày công chúng và bạn đọc càng thấy thích thú, ưa chuộng hình thức đọc văn học trên mạng. Sự “bùng nổ” văn học mạng những năm gần đây góp phần thúc đẩy sự đọc và viết ở mọi không gian và thời gian khác nhau, giúp rút ngắn khoảng cách, tạo nên cách ứng xử bình đẳng và văn minh giữa tác phẩm và người đọc, giữa sáng tạo và tiếp nhận, giữa thế hệ cầm bút và thế hệ gõ phím trong đời sống văn học hiện nay.

Những gương mặt như Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lữ Thị Mai, Đào Quốc Minh, Vũ Thiên Kiều… dần trở nên quen thuộc với cộng đồng mạng. Họ viết trên “nền tảng ngôn ngữ nhị phân” từ “văn bản mạng rồi mới chính thống hóa, cố định hóa thành văn bản in”, đó là quá trình “điển phạm hóa văn bản số”, là văn học mạng/ máy tính đích thực.

Có thể nói, không gian mạng là bệ đỡ cho nhiều cây bút mới xuất hiện trên diễn đàn văn học mạng. Không ít những sáng tác trên mạng đã được được in thành sách như: “Chuyện của thiên tài” (Nguyễn Thế Hoàng Linh), “Chuyện tình New York” (Hà Kin), các tập thơ “Đi qua thương nhớ”, “Từ yêu đến thương” của Nguyễn Phong Việt… Các tác giả nói trên hầu như đều đáp ứng được tầm đón đợi của giới trẻ. Họ đã đọc được các sáng tác trên mạng và khi chúng được in thành sách đều sẵn sàng bỏ tiền mua. Từ không gian mạng, các tác giả đã kết nối, tạo dựng được nhóm công chúng cho riêng mình, tạo lập và kích thích bình luận, tương tác giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi những giới hạn, chưa đạt tới tiêu chuẩn thẩm mĩ nếu như đặt văn học mạng trong sự tương quan với những sáng tác văn học theo quan niệm truyền thống. Vì chú trọng cái tôi, tự do và chủ động thể hiện đời sống của chính mình và đối tượng liên quan nên văn học mạng dường như ngại ngần hoặc lúng túng đề cập đến những gì bên ngoài mình, đến thế giới quanh mình. Và có khi chỉ quan tâm đến giãi bày, bộc lộ bản thân mà lơ là đến chọn lời, chuốt ý, cách thức thể hiện.

Bên cạnh khu vực sáng tác, sự xuất hiện của hàng loạt cuốn sách với “bao bì” “nhãn mác” ưa nhìn, kích thích thị giác người đọc, thì những năm gần đây không thể không nhắc đến lĩnh vực nghiên cứu, lý luận phê bình văn học với sự góp mặt của các thế hệ, đặc biệt là các cây bút 7x, 8x… với cách hiện diện và quảng cáo độc đáo thu hút sự quan tâm của người đọc. Nói tới họ, không thể không nói tới sự tác động của lý thuyết nước ngoài đối với những người nghiên cứu, phê bình văn học nói chung và đặc biệt với lớp trẻ. Theo nhà nghiên cứu Phan Trọng Thưởng: “Bên cạnh yêu cầu nhận thức lại hệ thống lý luận văn học Mác-xít một cách đầy đủ, khách quan, khoa học hơn, với tư cách là hệ thống lý luận nền tảng ở Việt Nam hiện nay, những thành tựu bước đầu trong công tác dịch thuật, phổ biến và vận dụng các lý thuyết phương Tây và châu Âu hiện đại và tiền hiện đại như: Phân tâm học, Tự sự học, Thi pháp học, Ký hiệu học, Xã hội học nghệ thuật, Tâm lý học nghệ thuật, Lý thuyết tiếp nhận, Cấu trúc luận, văn học So sánh, Lý thuyết loại hình học,…đã bước đầu cho thấy một sự cộng sinh tư tưởng, một cơ hội phát triển tự do các lý thuyết” (Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học, Nxb Văn học, trang 207).

Trong thực tế, những lý thuyết kể trên đã được vận dụng khá nhuần nhị vào nghiên cứu văn học nước nhà, đem lại những cái nhìn mới, khá thuyết phục về những hiện tượng văn học, những trường hợp tác giả, tác phẩm từ cổ điển đến hiện đại, thỏa mãn nhu cầu đón đọc của độc giả không mấy dễ tính ở lĩnh vực chuyên ngành này. Lâu nay, công chúng tỏ ra không mấy mặn mà với các tập tiểu luận phê bình thì nay chúng đã đã có sức níu kéo người đọc với những cách tiếp cận và thể hiện đa chiều của một một đội ngũ khá sung sức từ trung ương đến các vùng miền. Có thể kể tới: Phạm Duy Nghĩa, Hoàng Đăng Khoa, Đoàn Minh Tâm, Phùng Gia Thế, Đoàn Ánh Dương, Hoài Nam, Trần Thiện Khanh, Hoàng Thụy Anh, Mai Anh Tuấn, Lê Tú Anh, Cao Kim Lan, Lê Hồ Quang, Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Thị Tịnh Thi, Hoàng Thị Huế, Trần Huyền Sâm, Hoàng Cẩm Giang, Cao Thị Hồng, Nguyễn Văn Thuấn, Phan Tuấn Anh, Thái Phan Vàng Anh, Mai Liên Giang, Thanh Tâm Nguyễn, Đỗ Hải Ninh, Lê Hương Thủy, Nguyễn Văn Hùng… Lớp trẻ này đều được đào tạo bài bản ở các trường đại học và sau đại học, có kiến thức nền về văn hóa, văn học thế giới và Việt Nam, lại tiếp thu một cách nhạy bén các lý thuyết văn học nước ngoài nên nhiều khi đọc các chuyên luận, tiểu luận của họ còn hấp dẫn hơn đọc sáng tác, bởi nó dẫn dụ người đọc vào thế giới nghệ thuật của những tác giả, tác phẩm với những nhận định và đánh giá không chỉ thỏa đáng và thuyết phục mà còn mang lại khoái cảm thẩm mỹ đối với người đọc. Trong số các chuyên luận, tiểu luận với các nhan đề luôn kích thích sự đọc không thể không nhắc tới: Phiêu lưu chữ, Song hành & đối thoại, Đứng về phe cái khác (Hoàng Đăng Khoa); Những khu vực văn học ngoại biên, Văn học Việt Nam thời đổi mới từ góc nhìn tham chiếu (Phan Tuấn Anh); Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI: Lạ hóa một cuộc chơi (Thái Phan Vàng Anh); Những thế giới song hành từ truyện ngắn đến điện ảnh (Nguyễn Văn Hùng), Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương (Nguyễn Thị Tịnh Thy), Ma thuật của truyện kể - tự sự học và những diễn giải văn học Việt Nam hiện đại (Cao Kim Lan); Thơ Hồ Thế Hà và giấc mơ cỏ hát (Hoàng Thụy Anh)… Thực tiễn văn học đương đại đang vận hành và nhận vào nó những tác động từ nhiều phía. Nhìn nhận ở một vài tác động tích cực trong đời sống văn học đương đại đã phần nào thấy được những chuyển động và đổi mới. Đây cũng chính là những giá trị văn học mới, đáp ứng với thời cuộc và công chúng đương đại./.

Bài liên quan
  • Chuyện phố - Tiếp nối hành trình trăn trở về thế sự
    Chiều ngày 25/3/2024, NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ môn Lý luận văn học - Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Chuyện phố - Một tự sự về đô thị đương đại” tại sảnh Nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tới dự tọa đàm có đại diện của Ban giám hiệu nhà trường, đại diện Nhà xuất bản, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng đông đảo bạn đọc trẻ.
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Văn học Việt Nam đương đại - những tác động và chuyển đổi tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO