Triết lý sống đầy nhân văn trong bài thơ “Lời của cây”
Từ hồi còn nhỏ, khi nghe mẹ đọc và ngâm bài “Thăm lúa” của nhà thơ Trần Hữu Thung, tôi đã bị cuốn hút bởi âm điệu và ngôn từ đậm chất Nghệ tỏa ra từ bài thơ. Và cũng chẳng hiểu vì sao từ đó trên nẻo đường đi học băng qua bờ đê, tôi lại vừa ngắm nhìn cánh đồng trĩu mẩy bông lúa vàng vừa nhảy chân sáo vừa hát véo von: “Mặt trời càng lên tỏ/ Bông lúa chín thêm vàng/ Sương treo đầu ngọn gió/ Sương lại càng long lanh./ Bay vút tận trời xanh/ Chiền chiện cao cùng hót/ Tiếng chim nghe thánh thót/ Văng vẳng khắp cánh đồng”.
Khi đang là hạt
Cầm trong tay mình
Chưa gieo xuống đất
Hạt nằm lặng thinh.
Khi hạt nảy mầm
Nhú lên giọt sữa
Mầm đã thì thầm
Ghé tai nghe rõ.
Mầm tròn nằm giữa
Vỏ hạt làm nôi
Nghe bàn tay vỗ
Nghe tiếng ru hời.
Mầm kiêng gió bắc
Kiêng nhất mưa giông
Nghe mầm mở mắt
Đón tia nắng hồng.
Khi cây đã thành
Nở vài lá bé
Là nghe màu xanh
Bắt đầu bập bẹ.
Rằng các bạn ơi
Cây chính là tôi
Nay mai sẽ lớn
Góp xanh đất trờiTrần Hữu Thung
Từ hồi còn nhỏ, khi nghe mẹ đọc và ngâm bài “Thăm lúa” của nhà thơ Trần Hữu Thung, tôi đã bị cuốn hút bởi âm điệu và ngôn từ đậm chất Nghệ tỏa ra từ bài thơ. Và cũng chẳng hiểu vì sao từ đó trên nẻo đường đi học băng qua bờ đê, tôi lại vừa ngắm nhìn cánh đồng trĩu mẩy bông lúa vàng vừa nhảy chân sáo vừa hát véo von: “Mặt trời càng lên tỏ/ Bông lúa chín thêm vàng/ Sương treo đầu ngọn gió/ Sương lại càng long lanh./ Bay vút tận trời xanh/ Chiền chiện cao cùng hót/ Tiếng chim nghe thánh thót/ Văng vẳng khắp cánh đồng”. Cứ thế, những âm thanh ấy như khúc ca vui nhộn, trong trẻo, thân thương bao bọc cả con đường đi học suốt năm tháng tuổi thơ tôi. Phải chăng cái chân chất, mộc mạc, dân dã, trìu mến ấy là chất men cuốn hút những vần thơ của Trần Hữu Thung?
Nhà thơ Trần Hữu Thung (1923 - 1999), quê ở Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An, ông xuất thân trong một gia đình nông dân. Nét chung trong sáng tác của Trần Hữu Thung là phong cách của một nhà thơ dân gian. Bởi thế, Bùi Hiển gọi Trần Hữu Thung là “nhà thơ nông dân”.
Bài thơ “Lời của cây” chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc và đầy nhân văn được gói gọn trong sáu khổ thơ viết theo thể thơ bốn chữ nhỏ nhắn, xinh xắn. Mỗi khổ thơ là mỗi bước sinh trưởng của mầm cây. Kết cấu bài thơ có thể chia làm hai phần: Phần một gồm năm khổ thơ đầu thể hiện quá trình lớn lên của hạt mầm và tình cảm của tác giả dành cho cây; Phần hai gồm khổ cuối là lời giới thiệu của cây về sự xuất hiện của chính mình. “Lời của cây” vì vậy tạo nên sự đa thanh giọng điệu của chủ thể nhân vật trữ tình với sự đan xen của các phương thức biểu đạt như: biểu cảm, tự sự, miêu tả.
Nhan đề bài thơ “Lời của cây” đã góp phần giúp độc giả hình dung được chủ đề chính của bài thơ là xoay quanh quá trình ra đời và lớn lên của mầm cây. Điều đặc biệt là tác giả đã nâng hình tượng cây lên thành chủ thể của lời nói để giao tiếp, biểu lộ chính mình. Từ đó, tác giả không chỉ thể hiện tình yêu thương, trân trọng đối với những mầm xanh thiên nhiên bé nhỏ mà còn gửi gắm thông điệp hãy lắng nghe những nhịp đập sự sống xung quanh, lắng nghe tiếng nói kì diệu của thiên nhiên dù đó chỉ là cỏ cây, là những mầm sống mới phôi thai. Qua đó, ta nhận ra quan niệm sống, một triết lý sống nhân văn của nhà thơ: mỗi con người, sự vật, dù là nhỏ bé đều có một đời sống riêng góp phần tạo nên sự sống, tạo nên những giá trị riêng trên Trái đất này.
Ở phần một, tác giả đã miêu tả quá trình lớn lên của hạt mầm. Từ khi đang là hạt: “cầm trong tay”, “hạt nằm”, “lặng thinh”,… Lúc này, hạt cây đang nằm trong tay tác giả vẫn chưa gieo xuống đất, chưa có sự sống nên hạt vẫn “nằm lặng thinh”. Với cách nhân hóa độc đáo, qua cái dáng “nằm lặng thinh” của hạt gợi cho ta bao suy ngẫm. Phải chăng đó là sự “lặng thinh” của một sự sống đang ấp ủ, của một thái độ sống “biết mình” rất nhẫn nại, bình tâm trước cuộc đời để lắng nghe xung quanh và tự làm đầy giá trị cho chính mình? Khi hạt nảy mầm: “nhú lên giọt sữa”, “thì thầm”, “nghe rõ”… Nhiều động từ được sử dụng liên tiếp gợi hình ảnh khi hạt được gieo xuống đất, được ủ ấm, tưới tẩm… Hạt đã tự tách vỏ bằng chính nội lực, chính sự sống bừng dậy bên trong để hiển lộ và thể hiện sự hiện diện của mình trên mặt đất với những sự tinh hoa nhất của mình là “giọt sữa”. Đó là một hình ảnh ẩn dụ gợi tả rõ nét màu sắc tinh khiết nhưng hết sức sinh động, sự khởi đầu căng tràn nhựa sống của hạt mầm bé xíu.
Dáng điệu của chủ thể trữ tình là “lắng tai nghe rõ” giúp ta hình dung được tâm thái của một con người bình tâm trong một không gian yên bình, trong lành đang chăm chú quan sát và cả “lắng nghe” với sự yêu thương, nâng niu sự chuyển đổi hết sức tế vi, thiêng liêng của hạt mầm, nghe được cả sự sống đang “thì thầm” với trời đất. Hạt bắt đầu lớn lên: “Mầm tròn nằm giữa/ Vỏ hạt làm nôi/ Nghe bàn tay vỗ/ Nghe tiếng ru hời”. Một loạt từ ngữ gợi hình, gợi cảm được tác giả sử dụng một cách khéo léo tự nhiên cùng với biện pháp nhân hóa đã khiến ta cuốn theo sự liên tưởng, tưởng tượng của tác giả. Hình ảnh hạt mầm như một em bé ngoan ngoãn đang nằm yên lành, căng tròn giấc ngủ trong nôi, trong tiếng ru hời và bàn tay vỗ về, yêu thương của người mẹ hiền thiên nhiên. Phải chăng thiên nhiên cũng thật kỳ diệu với nhiều bài học quý giá về tình yêu thương, về sự nâng đỡ, về tinh thần trách nhiệm của người đi trước với những sự sống non nớt đang hình thành, phát triển kế sau?
Những dòng thơ tiếp theo, tác giả gợi liên tưởng về sự lớn lên của hạt như một em bé đang được bà mẹ thiên nhiên che chở, kiêng cữ trước những tác động bất lợi của ngoại cảnh xung quanh: “Mầm kiêng gió bắc/ Kiêng nhất mưa giông”. Đến một ngày hạt mầm bé nhỏ ấy thức giấc như em bé mở mắt nhìn ra thế giới tươi đẹp thật đáng yêu: “Nghe mầm mở mắt/ Đón tia nắng hồng”. Sự cảm nhận của tác giả tập trung ở một chữ “nghe” thật tinh tế! Nghe cả “mầm mở mắt” chứ không phải là nhìn thấy mầm “mở mắt”. Đó là sự quan sát tập trung đến mức tuyệt đối không chỉ là nhìn bằng mắt mà còn “lắng nghe” bằng cả thân tâm mình, nhận ra sự biến chuyển, sự reo vui lớn dậy của mầm cây, sự cựa quậy bừng lên của sự sống để tiếp nhận những trong lành, tươi mới, hồ hởi, rạng rỡ, ấm áp của tia nắng hồng ban mai. Phải chăng đây chính là “nhìn trong hay biết”?
Đến khổ thơ thứ tư, ta bắt gặp hình ảnh mầm cây đã lớn thêm một chút, đã tạo nên hình hài một cái cây với vài ba chiếc lá xanh non bé nhỏ, nhà thơ đã lắng nghe được tiếng “bập bẹ” từ lá. Đến lúc này hình ảnh đã chuyển đổi thành âm thanh rõ nét với từ láy tượng thanh “bập bẹ” đặt trong phép nhân hóa khiến ta liên tưởng đến giai đoạn tập nói của trẻ lên ba. Đây là lúc mầm giao tiếp, khẳng định mình giữa đất trời bằng chính màu xanh đang lớn dần. Thật lạ, câu thơ khiến ta hình dung cả sự lớn dậy của sắc xanh - màu sắc khẳng định sự trưởng thành, tính tự chủ, tự lập của mầm cây.
Đến phần hai, hình ảnh cây tự giới thiệu về sự xuất hiện của chính mình. Mầm cây đã tự cất thành tiếng nói riêng khẳng định sự tồn tại và ý nghĩa, giá trị của mình giữa đất trời một cách kiêu hãnh, tự tin: “Rằng các bạn ơi/ Cây chính là tôi/ Nay mai sẽ lớn/ Góp xanh đất trời”. Dòng thơ “Rằng các bạn ơi” ngắt nhịp 1/3 như lời gọi, lời nhắn nhủ đầy yêu thương, thân thiết thể hiện khao khát muốn được giao cảm, chia sẻ với con người của cây xanh. Tác giả dường như hòa mình vào cây, nhập thân vào câu để nhắn gửi đến chúng ta thông điệp: mỗi sự vật trên thế giới này tồn tại đều góp phần làm nên sự sống của đất trời, của vũ trụ.
Bài thơ “Lời của cây” với những vần thơ hồn nhiên, mộc mạc, giản dị; hình ảnh thơ gần gũi, giản dị, giàu sức gợi cùng với những biện pháp tu từ: nhân hóa, điệp ngữ, ẩn dụ và việc sử dụng thể thơ bốn chữ đã thể hiện một cách sinh động quá trình hạt mầm phát triển thành cây xanh. Đằng sau những vần thơ ấy, ta nhận ra được một tấm lòng yêu quý, trân trọng nâng niu thiên nhiên, sự sống; một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và sâu sắc của nhà thơ trước thiên nhiên và cuộc đời.
Quá trình lớn lên, trưởng thành của mầm cây bé nhỏ đã cho ta bài học về sự khiêm tốn, học hỏi, sự vươn lên không ngừng; bài học về sự tiếp nhận những giá trị tích cực của cuộc đời, sự mạnh mẽ vượt lên nghịch cảnh để khẳng định chính mình; bài học về sự “nhìn trong hay biết”, “nghe trong hay biết”, hiểu rõ về chính mình, về giá trị, ý nghĩa của mình trong cuộc đời. Lớn hơn cả là bài học về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, đặc biệt là bài học về sự trân trọng, nâng niu sự sống bé nhỏ xung quanh chúng ta, về sự lắng nghe thiên nhiên và lòng mình. Bài thơ có giá trị thức tỉnh thái độ sống cho mỗi người trong cuộc đời này./.