Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ “chạm” đến “Thế hệ 1975” chuyên sáng tác văn/ thơ, còn các tác giả viết lý luận, phê bình sẽ được đề cập riêng trong một bài khác.
Con số 50 gương mặt tiêu biểu hàm nghĩa một thời kỳ lịch sử nửa thế kỷ (1975 - 2025). Sáng tác văn xuôi có: Đỗ Bích Thúy (1975), Võ Diệu Thanh (1975), Nguyễn Thị Lê Na (1975), Phong Điệp (1976), Tống Ngọc Hân (1976), Trần Đức Tĩnh (1976), Nguyễn Ngọc Tư (1976), Phạm Thị Duyên (1977), Uông Triều (1977), Nguyễn Xuân Thủy (1977), Mai Phương (1977), Nguyễn Hương Duyên (1977), Di Li (1978), Vũ Thanh Lịch (1978), Nguyễn Thị Hồng Chính (1979), Phan Thúy Hà (1979), Niê Thanh Mai (1980), Chu Thị Minh Huệ (1981), Nguyễn Văn Học (1981), Trần Quỳnh Nga (1981), Thương Hà (1981), Trần Thị Tú Ngọc (1984), Nguyễn Thị Kim Hòa (1984), Văn Thành Lê (1986), Nguyệt Chu (1986), Trác Diễm (1987), Vũ Thị Huyền Trang (1987), Hoàng Công Danh (1987), Lê Vũ Trường Giang (1988), Đinh Phương (1989), Meggie Phạm (1991), Đỗ Nhật Phi (1991), Huỳnh Trọng Khang (1992), Phan Đức Lộc (1995).

Sáng tác thơ có: Nguyễn Thị Hạnh Loan (1976), Bình Nguyên Trang (1977), Bế Kim Loan (1977), Phạm Thùy Vinh (1977), Trần Vũ Long (1977), Đỗ Doãn Phương (1977), Vi Thùy Linh (1980), Nguyễn Quang Hưng (1980), Phạm Vân Anh (1980), Trần Hoàng Thiên Kim (1981), Phạm Thúy Nga (1981), Thy Lan (1982), Khúc Hồng Thiện (1983), Đào Quốc Minh (1986), Lữ Thị Mai (1988), Nguyễn Thị Kim Nhung (1990).
Trong số 50 tên tuổi kể trên có khoảng 90% là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hơn 70% cây bút viết văn xuôi, gần 30% cây bút làm thơ, hơn 70% là các cây bút nữ (kiến tạo nên văn chương mang gương mặt nữ). Có “âm thịnh dương suy”?! Không hẳn. Đơn giản là vì thời đại kinh tế được đặt lên hàng đầu trong cuộc phấn đấu sinh tồn của mỗi người thì phái mày râu ít người theo đuổi nghề văn (dễ mang lấy nghiệp văn). Trong lực lượng hùng hậu này, số người làm thơ chỉ chiếm gần 30%. Vì sao? Không khó giải thích, vì “cơm áo không đùa với khách thơ”, trong khi văn xuôi đang đăng đàn (thời đại đang cung cấp nhiều “cốt truyện”, “nhân vật”, “tình huống” điển hình); độc giả đang xa rời thơ bởi vì “thơ cốt chơn” (chân), nhưng khi soi vào thơ họ không tìm được sự cộng cảm cần thiết.
Về trình độ học vấn của “Thế hệ 1975”, nếu so với các thế hệ tiền nhiệm là cao hơn hẳn (tuyệt đại đa số đều có trình độ cử nhân). Nhưng học vấn và văn hóa không tỷ lệ thuận. Sáng tác văn học nghệ thuật lại đòi hỏi vốn liếng đầy đặn của trải nghiệm sống. Theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Tuân thì công việc của người viết văn là “đi - đọc - viết”. Liệu các tác giả “Thế hệ 1975” đã thực hành đầy đủ công thức (yêu cầu) vừa là tối thiểu, vừa là tối đa này trong một không gian mở?!
Quan niệm văn chương (về sứ mệnh của văn chương, trách nhiệm của nghệ sỹ ngôn từ) bao giờ cũng có vai trò kiến tạo, dẫn dắt hành động sáng tác. Quan niệm văn chương có thể trực tiếp thể hiện qua các quan điểm, cũng có thể qua thực tế viết (cảm hứng, hình tượng, khuynh hướng,...). Một thời gian dài quan niệm “văn chương là một trò chơi vô tăm tích” không thể nói không ảnh hưởng đến những người cầm bút trẻ. Không ít người trẻ có nhu cầu bức bách muốn khước từ tính “toàn trị” của phương pháp sáng tác (ở đây là khước từ “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” vốn được coi là quan trọng trong phạm trù “văn học cách mạng”), chỉ chấp nhận cá tính, đòi hỏi tự do (tuyệt đối) sáng tác. Không ít người nhiệt tình cổ súy, đề cao “cái khác” (thực chất là cái lạ), cổ súy cho “ngoại biên”, từ chối “đại tự sự”, cổ vũ nhiệt thành cho các ism (chủ nghĩa) du nhập từ phương Tây (Chủ nghĩa hậu hiện đại, chẳng hạn). Tuy nhiên, không phải người viết trẻ nào cũng say mê các “trò chơi” chữ nghĩa. Tác giả Hoàng Công Danh nghiêm túc: “Tôi nghĩ, cũng như tôn giáo, văn chương là liều cứu rỗi, nó sẽ đồng hành cùng con người, nâng dìu con người đi qua bể khổ đời. (...); văn chương có ích cho cuộc đời này, nếu không, từ bao giờ đến bây giờ nó đã chẳng tồn tại” (dẫn theo Hoàng Đăng Khoa, “Song hành và đối thoại”, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.21). Đồng quan niệm, Vũ Thanh Lịch chia sẻ: “Với tôi, văn chương là sự cứu rỗi, nơi cho tôi nguồn sinh lực” (Văn nghệ quân đội số 933+934/ 2020, tr.44). Phong Điệp, tác giữ giữ kỷ lục viết (đã xuất bản 20 tác phẩm, đã có sách được dịch và giới thiệu ở Mỹ, Pháp), chân thành bày tỏ: “Văn chương giúp tôi sống có ý nghĩa hơn” (dẫn theo Hoàng Đăng Khoa, Sđd, tr.35).
Thực hành sáng tác là thước đo cao nhất khi đánh giá “Thế hệ 1975”, thực tế họ đã tạo nên một “làn sóng mới”, góp vào nền văn chương hiện đại một số lượng tác phẩm không thể nói là ít, tạo nên cái không khí rôm rả, thậm chí “phì đại” của đời sống văn chương. Nhìn vào sản phẩm, dễ thấy họ đã làm được một khối lượng lớn công việc. Nhưng mặt khác cũng thấy, không ít người trong số họ coi viết văn là một cuộc “phiêu lưu chữ”, là “trò chơi ngôn từ”, nên các tính năng xã hội của văn chương dường như bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên, công bằng trong đánh giá, cần ghi nhận nỗ lực của không ít nhà văn đã cố gắng gìn giữ những chuẩn mực văn chương và kiến tạo lưng vốn tác phẩm đầy đặn, vừa lưu giữ được truyền thống vừa tích cực đổi mới. Có một Đỗ Bích Thúy (đã in 23 tác phẩm văn xuôi, trong đó có 6 tiểu thuyết), được coi là người níu giữ hồn vía của núi rừng quê hương, dù đi đâu, làm gì cũng không hề vong bản. Có một Nguyễn Quang Hưng - người trẻ nhưng đau đáu với “chia ngũ cốc” nhan đề một tập thơ hay trong số 10 tác phẩm gồm trường ca, thơ, tản văn, ký chân dung, thời luận đã xuất bản). Có một Tống Ngọc Hân (đã in 3 tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn, 2 tập thơ) gồng mình hết mức vượt khó, vượt khổ để chung thủy với văn chương và luôn đứng về “phe nước mắt” (quan tâm viết về những con người bình thường nhưng không tầm thường với những “số phận bên lề”). Có người nỗ lực vượt lên rất cao so với mặt bằng văn chương và thế hệ như Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận” (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2006; Giải thưởng Văn học ASEAN, năm 2008).
Đánh giá “Thế hệ 1975” là việc không dễ dàng vì nó là một thực thể văn chương đang vỡ ra và phát triển. Nhưng rõ ràng là, thế hệ này muốn đi xa, đi đường dài với văn chương thì tối cần thiết phải trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa nhiều hơn, sâu hơn, cao hơn, nếu không, họ sẽ bị “đứt gãy” với truyền thống, với các thế hệ tiền bối. Trong trải nghiệm văn hóa, theo chúng tôi, có thể bằng con đường/cách thu hút tinh hoa văn hóa dân gian (folklore) và văn hóa truyền thống dân tộc (tinh hoa nhất qua văn chương cổ điển và hiện đại). Chắc rằng nhiều người trong “Thế hệ 1975” không còn nhớ (hoặc không đọc) luận văn xuất sắc của Xuân Diệu “Sự uyên bác với việc làm thơ” (1985), sau khi viết xong dự định tự mình đọc trước Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, nhưng không kịp. Song, những lời hay ý đẹp thì mọi người đã kịp đón nhận (sau đó được in trên Tạp chí Văn học, số 1-1986). Nhiều người rất thích ý tưởng thâm hậu của thi nhân hiện hình trên từng câu chữ: “Chao ôi! Chúng ta làm việc còn ít quá, chúng ta yêu thơ văn của dân tộc còn thiếu sót quá; thơ của chúng ta mấy chục năm nay đã hay rồi, tuy nhiên theo tôi nghĩ, nếu chúng ta tiếp nhận đầy đủ sâu sắc hơn nữa cái vốn truyền thống của cha ông, thì thơ hiện kim của ta có thể còn hay hơn nữa, sâu hơn nữa, phải uyên bác chứ; nếu không ai chịu uyên bác thì các tuyển tập làm xong in xong rồi, lắm bài thơ hay cứ phải nằm ngửa trong các tủ sách, thiếu một tâm hồn, một tâm trí đến đánh thức những bài ấy dậy, trở thành nụ cười, giọt lệ của chúng ta, đi với chúng ta, để cùng đánh giặc, cùng xây dựng (...). Đối với vốn thơ dân tộc, chúng ta còn nhiệm vụ uyên bác hơn nữa, để rút tối đa mật nhụy.” (“Xuân Diệu - Tác phẩm chọn lọc”, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 206 - 208).
“Thế hệ 1975”, theo chúng tôi, đang thiếu hành trang đi xa ngay chính trên đất nước mình, chưa nói đến việc đi ra thế giới do chỗ còn thiếu trải nghiệm sống cuộc đời thực với muôn vàn sắc màu, âm thanh, mùi vị, đường nét; trong vô vàn nỗi niềm, cơ sự, tình huống, số phận, cảnh ngộ. “Sống ảo” là một đặc trưng của giới trẻ hôm nay (Việt Nam là một trong các “cường quốc” về số người sử dụng internet và mạng xã hội). Không nhiều người dũng cảm xông vào “tâm bão” của đời sống (nên thích trú ngụ trong cô đơn, quá khứ, trong kỳ ảo, viễn tưởng, hoang đường, ca tụng thân xác). Đọc họ, có cảm giác thấy thiếu hụt, mờ nhạt cuộc đời thực, chỉ thấy nổi lên hàng đầu “tự ngã trung tâm”. Vì vậy, nếu độc giả có quay lưng với sáng tác văn chương nói chung, văn trẻ nói riêng thì không có gì khó giải thích. Hiện thực đời sống luôn “mời mọc” nhà văn, nhưng liệu họ có mặn mà, khắc khoải, say mê tìm tòi, có dám dấn thân và lựa chọn (!?).
Không hề cũ khi chúng ta ghi nhớ quan niệm của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Mỗi nhà văn gắn chặt với số phận dân tộc và đất nước mình - như cái đai của người mẹ quấn quanh mình đứa trẻ. Và hình như còn hơn thế nữa. Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ có nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn và nhọc nhằn của người mẹ - cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra” (“Di cảo Nguyễn Minh Châu”, Nxb Hà Nội, 2009, tr. 363).
“Thế hệ 1975” liệu có thể trở thành những nghệ sĩ ngôn từ đích thực như mong ước của các nhà văn tài năng thế hệ đi trước, của bạn đọc hôm nay (?!). Câu trả lời thuyết phục đang ở phía trước nhà văn./.