Lý luận - phê bình

Trò chuyện với nhà nghiên cứu Nhật Chiêu về thơ haiku

Yến Ly 22/10/2023 13:57

Tối ngày 21/10/2023, những người yêu thơ haiku tại Hà Nội đã có cuộc giao lưu, trò chuyện với nhà nghiên cứu Nhật Chiêu với chủ đề “Haiku tương thoại”. Cuộc trò chuyện do nhóm Ô Thước/ Authors tổ chức tại không gian cà phê sách Tổ Chim Xanh, Hà Nội.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu và dịch giả Nhật Chiêu là một trong những người đi đầu trong việc dịch và giới thiệu thơ haiku tại Việt Nam từ đầu những năm 1980. Ông được xem là chuyên gia có uy tín bậc nhất về văn học Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay, là người truyền cảm hứng để nhiều người bước vào tìm hiểu và thử nghiệm với haiku. Ông là là cố vấn cho CLB thơ Haiku Việt Nam, là tác giả của các đầu sách như: 𝐵𝑎 𝑛𝑔ℎ𝑖̀𝑛 𝑡ℎ𝑒̂́ 𝑔𝑖𝑜̛́𝑖 𝑡ℎ𝑜̛𝑚 (biên khảo), 𝐵𝑎𝑠ℎ𝑜 𝑣𝑎̀ 𝑡ℎ𝑜̛ 𝐻𝑎𝑖𝑘𝑢 (biên khảo), 𝑁ℎ𝑎̣̂𝑡 𝐵𝑎̉𝑛 𝑡𝑟𝑜𝑛𝑔 𝑐ℎ𝑖𝑒̂́𝑐 𝑔𝑢̛𝑜̛𝑛𝑔 𝑠𝑜𝑖 (biên khảo),… và cũng là người sáng tác haiku và khởi xướng lối thơ mới: thơ đôi đồng phương haiku-lục bát.

Tương thoại - haiku và lục bát

Haiku là một thể thơ độc đáo của Nhật Bản, ra đời từ thế kỷ 17 và phát triển mạnh trong thời kỳ Edo (thế kỷ 17 - nửa cuối thế kỷ 19). Matsuo Basho được coi là người đã đưa haiku phát triển hoàn thiện như ngày nay.

Haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới. Ở Việt Nam, haiku thường được phát âm là “hài cú”, nhất là vùng Sài Gòn trước đây. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho biết, “đối với thơ lục bát của Việt Nam, một bài ngắn nhất chỉ với hai câu thì vẫn gồm 14 từ tất cả. Có thể nói rằng, lục bát Việt Nam tưởng ngắn gọn nhưng thực ra không ngắn, là do khi phát âm thì 1 âm cũng chính là 1 từ. Còn trong tiếng Nhật, có những từ mà 1 từ có 5 âm. Như vậy, trong bài haiku có 17 âm, nhưng nếu viết thành từ thì số từ có thể ít hơn con số 17; 17 âm tưởng dài nhưng lại không dài. Vì vậy mà 1 bài thơ 14 âm trong tiếng Việt (2 câu lục bát) và 1 bài thơ 17 âm trong tiếng Nhật (haiku) hoàn toàn khác nhau - không thể so sánh độ ngắn gọn của 2 bài thơ này. Đây là một sai lầm về hình thức của nhiều người khi so sánh haiku và lục bát”.

Nếu lục bát là thể thơ phổ biến trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, xuất hiện nhiều trong ca dao và có phân tính nam nữ trong các lối đối đáp thì haiku không như thế. Thậm chí, trong văn chương Việt nói chung và ở lục bát nói riêng, người phụ nữ nhiều khi sẵn sàng và có thể thẳng thừng mỉa mai người nam qua đối đáp (thơ Hồ Xuân Hương là một ví dụ về tâm thế người nữ trước đàn ông). Còn đối với haiku, nếu có tính đối đáp hay sáng tác liên hoàn, thì cũng thuộc về một nhóm nam giới. Nam giới Nhật Bản khi ngồi làm thơ haiku nối nhau/ liên hoàn theo hình thức có số lượng câu là 3 - 2 - 3 - 2. Người xướng 3 câu đầu tiên là người nổi tiếng được trọng vọng, tiếp theo là đàn em, học trò của người mở đầu làm tiếp 2 câu, tiếp tục 3 câu, rồi 2 câu.

393815629_658401299693673_3604889985929848744_n(1).jpg
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu tại buổi trò chuyện "Haiku tương thoại".

“Dù chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Trung Hoa như các nước Á Đông khác, nhưng người Việt không bao giờ bắt chước và để bị chịu ảnh hưởng những hủ tục dã man với người nữ như tục bó chân của người Trung Quốc. Cùng với đó là những màn đối đáp mạnh dạn/ bình đẳng của người nữ ta với người nam trong kho tàng văn học dân gian. Điều này cho thấy bản lĩnh của người Việt Nam và sự coi trọng phụ nữ và phụ nữ được bình đẳng hơn nhiều các nước khác ở xã hội Việt Nam xưa”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận định.

Lục bát và haiku giống nhau ở chỗ không cố gắng đi đến những chứng minh chân lý, những triết luận mà rất đơn giản, không cố gắng “làm bộ làm tịch”. Nhưng có một điểm rất khác đó là lục bát mang tính trực diện, bộc bạch, tình cảm phát lộ ra ngoài nhiều hơn. Còn haiku thì mang những tình cảm ẩn giấu nhiều hơn. Lấy ví dụ cho điều này, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã đọc một bài thơ ngắn về cùng một chủ đề tình yêu ở dạng haiku và lục bát. Nếu trong haiku diễn đạt là: “hòn cuội nghiêng dần/ lên hòn cuội khác/ dưới dòng suối xuân” thì trong lục bát có thể sẽ diễn đạt thành “nụ hôn của núi hằn sâu/ lên gương mặt nước một màu hoàng hôn”. “Trong thi pháp của Đông phương, khi nói đến nước là nói đến tình yêu nam nữ”, nhà nghiên cứu diễn giải.

Haiku - đơn giản là khoảnh khắc

Nhiều người thường cho rằng haiku đề cao tính triết lý. Thực tế là haiku không cố gắng khai thác các khái niệm, không lập luận, không suy nghiệm, không triết lý. Haiku chỉ đơn giản là đưa ra hình ảnh. Haiku muốn người đọc cảm thấy, sờ thấy, ngửi thấy, nói chung là đánh thức các giác quan. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng đây là sai lầm của nhiều người khi nghĩ và bàn về haiku.

Người phương Tây thiên về khái niệm, về những sám hối, mặc cảm… Vì thế, thơ họ cũng mang đầy khái niệm và lý luận. Họ đưa ra khái niệm rồi cắt nghĩa một cách trừu tượng. Trong khi đó, lục bát và haiku thì đưa ra những điều cụ thể, trực tiếp hơn.

“Trên cành khô/ cánh quạ đậu/ chiều thu” là một bài thơ nổi tiếng của Basho. Đơn giản là một hình ảnh, một khoảnh khắc của sự vật, hiện tượng.

394042170_1036208297528527_6739578673200609179_n.jpg
Cuộc trò chuyện mở ra những góc nhìn mới cho người yêu thơ haiku tại Hà Nội.

“Bản chất của haiku rất ghét những từ ngữ mang tính trừu tượng. Dù chịu ảnh hưởng của Phật giáo nhưng haiku không dùng tánh không, giai không, sự không như một khái niệm. Haiku hướng tới cái có thật trên đời - là những vật hiện hữu. Haiku tựa vào những thứ ta sờ, cầm được và trò chuyện với ta về những hiện hữu đó”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhấn mạnh.

Bằng ngôn từ đơn giản và trực diện, haiku đánh thức các giác quan người đọc, để người đọc cảm và nhận thấy những hiện hữu đang là của sự vật hiện tượng, của khoảnh khắc. Đó là những thứ đang là. Đó cũng là một cách lưu giữ khoảnh khắc, như nhiếp ảnh gia luôn chụp lại một khoảnh khắc lóe sáng, bất ngờ của thực tại, trong cuộc sống. Và điều này cũng rất gần với triết lý trong Phật giáo, ở một phần trong tính thực tại, vì thế mà nhiều người gán rằng haiku mang tính triết lý chăng?

Cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã gợi mở thêm những góc nhìn không chỉ về haiku mà còn cả với lục bát, mang đến những thông tin hữu ích cho người yêu thơ haiku hoặc đang theo đuổi nghiên cứu, thực nghiệm với dòng thơ này./.

Bài liên quan
  • Yêu thương và khát vọng của một đời thơ
    Trong lịch sử văn chương, nghệ thuật nước nhà, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật lớn, với những tác phẩm in dấu trong lòng công chúng như: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”; “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”; “Ông không phải bố tôi”…
(0) Bình luận
  • “Con đường tương lai ” – Hành trình trí tuệ nối dài khát vọng Việt
    Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 19/6, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Viện Nhân học Văn hóa, Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường kết hợp với Sàn văn hóa Học và Đọc Việt Nam, Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá tập 1 và định hướng tập tiếp theo của dự án sách “Con đường tương lai”.
  • Trại viết Lý luận, phê bình VHNT “50 năm Văn học Nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”
    Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Trại viết Lý luận, phê bình VHNT “50 năm Văn học Nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” tại Thành phố Huế.
  • Thơ Lữ Hồng - vị buồn dưới một đồng cỏ thơm
    Tình yêu trong thơ Lữ Hồng không ồn ào hay cháy lửa. Nó là thứ tình thì thầm, âm ỉ từ bên trong, càng đọc càng cảm nhận được sự đằm sâu, nồng nàn và chân thật. Đó không chỉ là cảm xúc của một cô gái trẻ lần đầu biết yêu mà là tâm hồn của người phụ nữ đã trải qua những mất mát thấu hiểu lặng im và khát vọng được yêu trọn vẹn.
  • Nguyễn Chính và những trăn trở “nắng đã qua thu”
    “Nắng đã qua thu” là tập thơ thứ 10 của nhà thơ Nguyễn Chính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2025, với lời giới thiệu trang trọng, hấp dẫn của nhà thơ Đặng Huy Giang.
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
    Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trò chuyện với nhà nghiên cứu Nhật Chiêu về thơ haiku
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO