Thơ hiện nay với hôm nay: Cần sự kỷ luật từ tác giả
Trong lịch sử thơ ca Việt Nam, các thế hệ đã để lại cho chúng ta một kho tàng đầy rung cảm. Song nói về thơ hiện nay, có lẽ trong số chúng ta cũng từng nghe đến, hoặc đọc cho nhau nghe rằng: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”. Thơ là gì, đang như thế nào mà dường như khiến cho mọi người bị bội thực thơ và vì sao lại thế? Hay là thơ đã bị mất giá đến mức nào?
Chạm được vào cõi sâu của tâm hồn
Trong buổi tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” thuộc chuỗi sự kiện Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 tại Hoàng thành Thăng Long, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Bình Phương đã khẳng định thơ là một sinh thể, nó cũng bí ẩn như con người. “Xét cho cùng, mỗi bài thơ là một tiểu định nghĩa về thơ và chức phận của thơ. Mỗi nhà thơ với toàn bộ sự nghiệp của mình bao gồm phong cách, bút pháp, hệ thẩm mỹ, quan điểm, tư tưởng được coi là một trung định nghĩa về thơ. Và mỗi giai đoạn thơ ca, mỗi thời đại thơ ca có thể coi như là một đại định nghĩa về thơ…”- nhà thơ Nguyễn Bình Phương nhận định. Với ông, thơ là để duy trì thế đứng của con người trong thế giới này: Một thế giới rất đẹp, rất lộng lẫy nhưng cũng đầy chông gai.
Nhìn nhận về thơ hiện nay, nhà phê bình Văn Giá cho rằng các tác giả trẻ thông minh hơn, hiện đại hơn trong sáng tác. Còn nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đánh giá các tác giả đã mang lại những phát hiện mới và có giá trị khắc họa bằng ngôn ngữ của thơ - họ đã chạm được vào cõi sâu của tâm hồn, không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí mà còn bằng cả cảm xúc của trái tim, nỗi đau của những phận người hay những vấn đề mà trước đây người làm thơ còn né tránh thì nay đã được đối diện và bộc lộ qua thơ. Ông đánh giá cao những cây bút chủ động, tìm tòi vươn tới khai thác bề sâu của đời sống con người và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới.
Trăn trở từ “nghịch lý” của thơ
Trả lời cho câu hỏi “thơ ca đang ở đâu trong một đời sống phong phú và phức tạp như bây giờ, sau bao biến động về bệnh dịch, chiến tranh và sự phát triển của công nghệ điện tử, trí tuệ nhân tạo” mà nhà thơ Nguyễn Bình Phương đã đề cập trong đề dẫn của tọa đàm, nhiều nhà thơ cũng đã có những chia sẻ đầy trăn trở.
Theo nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, những năm gần đây, thơ ca trong nước đã có một đời sống mới, một diện mạo mới với đa diện, đa thanh, phong phú và sinh động với các quan niệm, khuynh hướng, phong cách sáng tác khác nhau. Tuy nhiên vẫn còn thực trạng nhiều tập thơ được in ấn một cách “dễ dàng”, nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng nhưng chất lượng thơ thực sự chưa cao, nhiều tác giả “dễ dàng” và “nhanh chóng” trở thành nhà thơ chỉ sau một vài ấn phẩm, thậm chí là nhiều người còn “quay lưng với thơ”. Đây thực sự là điều đáng suy ngẫm và đáng buồn.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng không khỏi ngậm ngùi trước “nghịch lý của thơ hiện nay”: Đó là “những người làm thơ, số lượng thơ cũng như các câu lạc bộ thơ xuất hiện ngày càng nhiều (có thể tính đến hàng ngàn, hàng vạn), và con số này có ảnh hưởng tới năng lực tiêu thụ thơ của xã hội. Thơ trở thành mặt hàng bị ế ở các hiệu sách”. Theo ông, nguyên nhân chính là từ khâu biên tập trước khi xuất bản đã quá “dễ dãi”.
Bàn về thực trạng thơ hiện đại mỗi ngày càng ít độc giả, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đặt ra câu hỏi, phải chăng tiếng nói của nhà thơ không phải là tiếng nói của số đông trí thức (chưa nói đến quảng đại nhân dân)? Hay là tiếng nói này chưa đủ rung động, lôi cuốn mọi người? Phải chăng các nhà thơ đã khép chặt cõi thơ riêng của mình, không để cho những âm vang nhọc nhằn, bức bối của đời thường có cơ hội lên tiếng? Hay là các bài thơ hôm nay đã xa rời đời sống cần lao nhân dân nên đã không có được sự cộng hưởng tri âm trong lòng người đọc?...
Cần sự kỷ luật từ tác giả
Nhà nghiên cứu văn học, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm cho rằng: Thơ là sự hiện ra của tâm tính con người với nhu cầu được vỗ về, an ủi, nâng đỡ một cách nhịp nhàng, hài hòa; và thơ đem đến cơ hội thưởng thức những khoái cảm/ mỹ cảm thuộc về tinh thần cho người đọc. Thơ thực sự hữu ích và cần thiết trong cuộc sống này, song thực trạng thơ bị quay lưng liệu có phải là thơ hiện nay đang vô ích hay không? Anh cho rằng có bốn nguyên nhân khiến cho thơ đang trở nên vô ích, đó là: Thơ bị suy tư tưởng (sự thiếu vắng tư tưởng nghệ thuật trong sáng tác dù tỏ ra cầu kỳ bí ẩn trong hình thức); Thơ bị suy về văn hóa (văn hóa thơ đang bị suy thoái: các nhà thơ bị xem thường - thậm chí là họ không đọc nhau, trong khi triết gia và thi gia vốn là người được xem là ngang hàng nhau và là người canh giữ ngôn từ); Sự suy thoái về giá trị phổ quát (thế giới mọi người bị đóng kín, không gặp nhau nên các mối bận tâm bị thu hẹp, thiếu trăn trở lớn); Thơ ca đang bị giá trị đại chúng giết chết (thơ dễ dãi xuất hiện nhiều, các tác giả chạy theo những giá trị “ăn nhanh”, vỗ về, ve vuốt mà không dừng lại để trăn trở về chữ nghĩa và hình tượng).
Để văn chương nói chung cũng như thơ nói riêng chuyển mình tích cực hơn, có giá trị hơn, nhà phê bình Văn Giá đề cập đến mô hình văn nghệ sĩ – trí thức. Theo ông, để đạt được mô hình đó, văn nghệ sĩ nói chung và người làm thơ nói riêng, cần hội tụ đủ ba yếu tố: Phải có một vốn liếng tri thức sâu rộng, đặc biệt là nền tảng triết - mỹ học; Cần có tiếng nói truy vấn, phản tư về đời sống và về chính mình theo cách của văn học, nghệ thuật; Có ý thức làm khác/ mới, cách tân. Nhà phê bình Văn Giá cũng cho rằng, thơ đương đại hiện nay vô cùng đa dạng và rất phân hóa về thế hệ sáng tác hay phong cách thơ… và cả từ phía độc giả. Bản thân người làm thơ hay các câu lạc bộ thơ xuất hiện nhiều không có lỗi gì cả và rất đáng trân trọng. Điều quan trọng tiên quyết để có được các tác phẩm chất lượng chính là ở tính kỷ luật trong khâu kiểm duyệt xuất bản và công bố tác phẩm.