Lý luận - phê bình

Mạch nguồn chảy mãi...

Bùi Việt Mỹ 02/03/2023 14:01

Lời tòa soạn: Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương vào tháng 2/1943 là văn kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới. Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số bài viết của các cây bút là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ với mong muốn sẽ làm sáng tỏ hơn những giá trị của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, cũng như những vấn đề đặt ra trong công cuộc phát triển văn hóa của đất nước hiện nay.

Ngược dòng lịch sử

Những năm 40 thế kỷ XX, cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ Hai đang dần tới kết thúc, Phát xít Nhật chiếm Đông Dương, nước ta bị thực dân Pháp đô hộ và rơi vào gọng kìm của cả Nhật và Pháp.

Tình hình kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa - xã hội rất phức tạp, mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ngày càng sâu sắc. Trước cảnh nước mất, nhà tan, nghe theo tiếng gọi của Đảng, nhân dân ta đã đứng lên đánh giặc cứu nước; phong trào quyên góp lương thực, vũ khí, thuốc men, đưa con em tham gia các đội quân vũ trang cách mạng diễn ra khắp nơi. Giới trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên yêu nước chịu ảnh hưởng của cách mạng đã đứng lên đấu tranh chống lại phát xít Nhật và thực dân Pháp, đòi lại quyền tự do, độc lập cho dân tộc. Vì thế, thực dân Pháp lại, ra chính sách và hành động thể hiện âm mưu xóa bỏ tận gốc truyền thống văn hóa dân tộc ta. Giữa bối cảnh ấy, một bộ phận tầng lớp trí thức - trong đó có cả các nhà văn tên tuổi, có ảnh hưởng đến tâm lý công chúng lại tỏ ra chán nản, bi quan, hoang mang, mất phương hướng nên thờ ơ, không quan tâm đến thời cuộc. Tư tưởng ấy bắt đầu phả vào sáng tác, họ thật sự thiếu ngọn đèn dẫn lối về tư tưởng và con đường tất yếu làm cách mạng.

Cách mạng Việt Nam, ngay khi bước vào giai đoạn quyết định, Đảng ta nhận rõ trước hết cần phải có sự đột phá, thay đổi cục diện văn hóa, mang tính tư tưởng chính thống. Và bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” đã ra đời vào thời điểm trọng đại của lịch sử. Đề cương gồm 5 phần ngắn gọn cụ thể hóa quan điểm của Đảng.

Theo đó, trong giai đoạn này, mục tiêu, phương châm, phương pháp thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng) và Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)”.

Những năm sau, trong các văn kiện, sách báo của Đảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng lúc bấy giờ đều nhất quán khẳng định giá trị tư tưởng, quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, quyết tâm thực hiện và đưa vào đời sống quan điểm, tư tưởng, mục tiêu và ba nguyên tắc nói trên.

Có thể nói, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 là văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam; là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Trên tinh thần, nội dung tư tưởng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, văn hóa nói chung và văn học nói riêng đã chuyển mình sang bước tiến mới, “văn học vị nhân sinh”, giới trí thức, văn nghệ sĩ phấn đấu, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Trên suốt chặng đường đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, thế hệ văn nghệ sĩ kiên định với đường lối và phương châm “văn hóa kháng chiến”. Họ đã khẳng định khả năng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, những trận chiến cam go, ác liệt nhất và cũng từ đó, nhiều tác phẩm văn thơ, âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, múa và kịch bản sân khấu… có sức hàm chứa và lan tỏa lớn nhất. Cho đến nay, sự hiện diện tác phẩm của họ vẫn giữ nguyên các giá trị sáng tạo; luôn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, xứng danh với truyền thống anh hùng, với đạo lý văn hóa ngàn đời của tổ tiên ta. Những thành tựu lớn lao ấy đã chứng tỏ sức mạnh của đường lối mang tính cương lĩnh mà “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 của Đảng ta là duy nhất đúng và trường tồn.

Mạch nguồn chảy mãi…

Từ sau năm 1975 thống nhất đất nước, bước sang thời kỳ xây dựng XHCN phát triển nền kinh tế đất nước theo hướng thị trường cạnh tranh và hội nhập sâu rộng thì các hoạt động văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng, theo đó cũng trở nên đa dạng với nhiều loại hình, sản phẩm sáng tạo mới, du nhập mới đa sắc, đa chiều. Với cơ chế mới, đời sống kinh tế nhân dân nhanh chóng tăng lên, nhu cầu sinh thưởng thức văn hóa tăng theo và mặc nhiên các “sân chơi, sàn diễn” văn học nghệ thuật phát triển theo hướng cởi mở, đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng đông đảo.

Trước thời điểm Thủ đô Hà Nội kỷ niệm ngàn năm Thăng Long văn hiến, một lần nữa, định hướng quan trọng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” được kế thừa cùng với yêu cầu của thực tiễn đổi mới là hết sức cần thiết, Ban chấp hành Trung ương đã xây dựng, ban hành Nghị quyết 05-NQ/TW (khóa VIII). Nghị quyết này thể hiện bước chuyển quan trọng về tư duy và năng lực xây dựng, phát triển văn hóa nước nhà của Đảng những năm đầu đổi mới; chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và khoa học. Từ đây, giới văn nghệ sĩ đã coi Nghị quyết Trung ương 05-NQ/TW là kim chỉ nam cho tổ chức và hoạt động của mình ở thời kỳ mới. Trên cơ sở này, sự kiện lịch sử 1000 năm Thăng Long văn hiến trở thành mốc son đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tất cả các ngành văn học, nghệ thuật Thủ đô và cả nước, về giá trị sáng tác, số lượng tác phẩm, quảng bá, công diễn với quy mô, tầm vóc, ý nghĩa to lớn.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW (khóa VIII), trước bối cảnh toàn thế giới phát triển mạnh về kinh tế, chính trị, đời sống văn hóa xã hội, đặc biệt là sự tiếp diễn mạnh mẽ của các cuộc cách mạng công nghệ trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, tác động khá nhanh và lớn đến mọi sinh hoạt đời sống, văn hóa xã hội, trong đó có văn học nghệ thuật, BCH Trung ương Đảng kịp thời ra Nghị quyết 23-NQ/TW (khóa X, năm 2008) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đây là Nghị quyết đi sâu hơn và cụ thể hơn về văn học nghệ thuật.

vnapotalhanoichuongtrinhaodai-disanvanhoavietnam0734427524829177.jpg
Ảnh minh họa (Thành Đạt - TTXVN)

Như một bước phát triển mới từ các Hội nghị Trung ương về văn hóa, văn nghệ từ năm 1943 đến nay, tháng 11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Về mục tiêu chung, Đảng ta chỉ rõ: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh… Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục…

Triển khai thực hiện và phát triển nội dung “Đề cương về văn hóa Việt Nam” và Nghị quyết về Văn hóa của Trung ương Đảng, Thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa cương lĩnh, nhiệm vụ của Đảng, vận dụng, đổi mới để phát huy tính tích cực tới mọi cấp ngành và tầng lớp nhân dân Thủ đô. Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Thường vụ Thành ủy đều xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn có nhiều di sản nhất cả nước; Tiếp tục xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng với nhu cầu của một xã hội tiến bộ.

Ngày 22/2/2022, Thành ủy ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045” với mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường… Đây cũng chính là tiền đề tạo động lực cho sự phát triển của văn hóa nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung.

Năm 2023 không chỉ là năm đánh dấu 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, mà còn là 25 năm Nghị quyết Trung ương 05 (Khóa VIII) và 15 năm Nghị quyết Trung ương 23 (Khóa X). Để “Đề cương về văn hóa Việt Nam” tiếp tục tỏa sáng sau 80 năm, hơn bao giờ hết, thế hệ chúng ta hôm nay cần nhận thức đầy đủ nhất chủ trương và nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam theo nội dung Nghị quyết của Đảng. Các thế hệ văn nghệ sĩ quyết tâm lao động sáng tạo để có nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, mang tầm vóc thời đại./. 

Bài tiếp theo: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong Đề cương về văn hóa Việt Nam của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
  • Thơ về chiến tranh cách mạng 1946 - 1954 từ hướng nhìn Thủ đô Hà Nội
    Lịch sử thi ca chiến tranh cách mạng Việt Nam đã xác nhận có một khu vực tác phẩm oai hùng, chói sáng, đó là một di sản văn hóa quý báu: thơ viết về Thủ đô Hà Nội, trái tim của Tổ quốc, ở giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954. Thơ ca kháng chiến giai đoạn này bao gồm cả thơ viết về Hà Nội hoặc thơ liên quan đến Thủ đô. Số lượng tác phẩm phải đến hàng trăm. Nhiều tác phẩm đạt tới hiệu quả nghệ thuật nhất định, để lại giá trị lịch sử - văn hóa từ đó cho đến hôm nay và mai sau.
  • 70 năm văn học Thủ đô nhìn từ thế hệ và thành tựu
    Hội Nhà văn Hà Nội hiện nay có gần 700 hội viên thuộc các ngành sáng tác thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật và khảo cứu. Chưa có một thống kê cụ thể và đầy đủ số lượng các nhà văn chuyên môn hóa sáng tác khi lựa chọn thể loại văn học nhưng ước tính thì số người làm thơ và viết văn xuôi là không bên nào áp đảo bên nào. Nói hình ảnh thì thơ và văn xuôi là hai dòng chủ lưu thao thiết chảy tạo nên diện mạo cũng như khí sắc văn học Thủ đô trong vòng bảy thập kỷ qua (1954-2024). Đặc điểm của đội ngũ nhà văn Hà Nội thường là “2 trong 1” (vừa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội). Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Hà Nội là Thủ đô với ưu thế tập trung tinh hoa, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của cả nước. Tạo tác nên thành tựu văn học Thủ đô qua các chặng đường văn từ 1954 - 2024 là sự nỗ lực của các thế hệ nhà văn, theo quy luật tre già măng mọc.
  • Mấy đặc trưng trong thơ Thăng Long - Hà Nội
    Để xác định những khác biệt của thơ Hà Nội so với thơ các địa phương khác cần nhìn lại cả quá trình phát triển của thơ từ thuở lập kinh đô, phải tính đến những tác phẩm không chỉ của những nhà thơ sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, mà còn của những nhà thơ từ những vùng quê khác về sống ở Thăng Long. Và chính họ, những nhà thơ bị (hoặc được) phong cách sống, phong cách thơ của Hà Nội đồng hóa, vốn đông đảo hơn các nhà thơ nguyên quán Hà Nội, đã đóng góp nhiều hơn để tạo nên phong cách trữ tình cho thơ đất đế đô.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mạch nguồn chảy mãi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO