Sự kiện & Bình luận

Rà soát các hoạt động  kỷ niệm 80 năm "Đề cương văn hóa Việt Nam"

PV 14/02/2023 14:23

Chiều 13/2, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm rà soát công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm "Đề cương văn hóa Việt Nam" (1943-2023).

de-cuiong-van-hoa-vn-16763433008111370136449.jpg
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Ảnh: Bộ VHTT&DL

Cuộc họp tập trung vào 2 nội dung lớn, gồm: Lễ kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và Hội thảo khoa học quốc gia.

Theo NSND Trần Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, chương trình lễ kỷ niệm có chủ đề "Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử", do Thứ Tạ Quang Đông chỉ đạo nội dung, Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo thực hiện.

Dự kiến, chương trình nghệ thuật đặc biệt có thời lượng khoảng 70 phút, gồm 3 chương. Chương I mang tên "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"; chương II có tựa đề "Văn hóa kháng chiến, kháng chiến văn hóa"; chương III có chủ đề "Văn hóa còn thì dân tộc còn".

Đây là chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa rất đặc biệt với những ca khúc đi cùng năm tháng (Lá cờ Đảng, Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh, Trường ca sông Lô, Người Hà Nội, Giải phóng Điện Biên…).

Về Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam - Cội nguồn và động lực phát triển", đại diện Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết hội thảo sẽ có sự tham gia trực tiếp của 150 đại biểu cùng với đại biểu tại 63 điểm cầu trên 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội thảo gồm 2 phiên (trong đó có phiên thảo luận bàn tròn) với các nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đến nay, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia đã hoàn thành đặt hàng các tham luận (60 tham luận) phục vụ hội thảo.

Cho ý kiến về 2 nội dung lớn nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm không chỉ là nghệ thuật đơn thuần mà là chương trình chính trị văn hóa. Vì vậy, ê kíp thực hiện cần bám sát nội dung của Đề cương về Văn hóa Việt Nam để thể hiện được những giá trị lịch sử của Đề cương bằng những tác phẩm nghệ thuật.

Về nội dung hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia là đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ tổ chức Hội thảo. Do đó, đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các nội dung, trọng tâm là các tham luận của các diễn giả, nhà khoa học, các nhà quản lý… Trong đó, đặc biệt phải chú trọng chất lượng các tham luận để sản phẩm sau hội thảo có giá trị phục vụ nghiên cứu, mang tính khả thi.

Bên cạnh 2 nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý đối với các hoạt động khác (phim tài liệu, tổ chức tuần phim, triển lãm ảnh...), các đơn vị chủ trì thực hiện cần nhanh chóng hoàn thiện với chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Cùng với đó, các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với các đơn vị báo chí trong và ngoài Bộ VHTT&DL cung cấp thông tin liên quan đến các hoạt động kỷ niệm nhằm lan tỏa giá trị, ý nghĩa của Đề cương về Văn hóa Việt Nam cũng như ý nghĩa, giá trị của các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương ra đời.

Trước đó, ngày 10/2, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng ký ban hành Đề án Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).

Đề án nhấn mạnh hoạt động kỷ niệm nhằm tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của "Đề cương văn hóa Việt Nam", đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

Lễ kỷ niệm 80 năm "Đề cương văn hóa Việt Nam" và chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối 28/2.

Theo Bộ VHTT&DL

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Rà soát các hoạt động  kỷ niệm 80 năm "Đề cương văn hóa Việt Nam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO