Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong Đề cương về văn hóa Việt Nam
Đề cương về văn hóa Việt Nam là một tài liệu ngắn gọn, chỉ trong 1500 chữ mà tập trung trình bày những vấn đề cơ bản, then chốt nhất của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của quan điểm Mác - Lênin. Trong 5 phần của Đề cương, những quan điểm cơ bản đó được nêu ra trong phần I: Cách đặt vấn đề, phần IV: Cách mạng văn hóa Việt Nam, và phần V: Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương, chiếm gần 2/3 nội dung của Đề cương.
1. Trước hết, về khái niệm “văn hóa”, Đề cương xác định “Phạm vi vấn đề văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”.
Cho đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 200 định nghĩa về văn hóa trong đó đều nhấn mạnh: nói văn hóa là nói tới con người, nói tới việc phát huy, vun trồng những năng lực, bản chất của con người nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Do đó khái niệm văn hóa chứa đựng bản chất nhân văn, nhân bản. Cơ sở của mọi hoạt động văn hóa là khát vọng hướng tới cái Chân - Thiện - Mỹ. Thường người ta chia văn hóa thành hai lĩnh vực: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Tuy vậy, sự phân chia đó cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Cái gọi là văn hóa vật chất hay văn hóa vật thể thực ra là vật thể hóa các giá trị tinh thần.
Vậy, văn hóa là hoạt động tinh thần, hướng tới việc tạo lập ra những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Hội tụ tổng thể các hoạt động trên phương diện văn hóa của con người, tạo nên một thế giới thứ hai do con người tạo ra nhằm nuôi dưỡng con người - một thế giới tồn tại song song với thế giới vật chất, khách quan, tự nhiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, đã cho thấy một quan niệm rõ ràng về văn hóa như sau:
“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp uật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó đều là văn hóa”(1).
Ở đây, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trước hết đến khu vực chứa đựng những giá trị tinh thần của văn hóa như ngôn ngữ, khoa học, văn học, nghệ thuật...
Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh chống lại những tư tưởng lạc hậu, phản động về văn hóa, những khuynh hướng ngăn cản tiến bộ, ngu dân, mù quáng, hẹp hòi hoặc quá trớn, Đề cương đã tập trung nhằm vào khu vực luôn luôn nổi lên những vấn đề bức xúc của đời sống văn hóa - khu vực chứa đựng những giá trị tinh thần của cuộc sống con người: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Về điểm này, đồng chí Trường Chinh đã lý giải như sau: “Đó là lĩnh vực phản ánh toàn bộ đời sống xã hội vào ý thức của con người, thể hiện phong phú trên các mặt: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Văn hóa luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội”(2).
2. Từ chỗ xác định phạm vi của văn hóa như trên - tức lĩnh vực thể hiện những giá trị căn cốt của nền tảng tinh thần của đời sống con người, thì theo quan điểm mácxít - lêninnít, văn hóa thuộc thượng tầng kiến trúc của xã hội, chịu sự ảnh hưởng qua lại với hạ tầng cơ sở của xã hội, tức nền tảng kinh tế và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy. Mặt khác văn hóa cũng có quan hệ mật thiết với chính trị.
“Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị)”. Tuy nhiên “những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bây giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau”.
Tóm lại mối quan hệ giữa kinh tế - văn hóa (hạ tầng cơ sở - kiến trúc thượng tầng) qua các yếu tố của kiến trúc thượng tầng (chính trị - văn hóa) được trình bày theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, cho thấy vị trí của từng yếu tố và sự tương tác lẫn nhau giữa chúng như một quy luật khách quan, tất yếu.
3. Kinh tế, chính trị, văn hóa là ba mặt trận của cách mạng, ở đó người cộng sản phải hoạt động, giữ vai trò lãnh đạo, thực hiện đồng bộ những cuộc cách mạng trên từng lĩnh vực, để hoàn thành các mục tiêu của cách mạng.
4. Về cuộc cách mạng văn hóa Việt Nam/ Đông Dương hiện tại và tương lai, Đề cương khẳng định: - Cuộc cách mạng văn hóa phải dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện phát triển, phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo mới có thể hoàn thành.
5. Mục tiêu trước mắt của cách mạng văn hóa Đông Dương trong điều kiện cách mạng dân tộc giải phóng là gây dựng nền văn hóa dân chủ mới, dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung.
Mục tiêu lâu dài của cách mạng văn hóa Đông Dương là văn hóa xã hội chủ nghĩa trong điều kiện tiến lên thực hiện cách mạng xã hội (chủ nghĩa) ở Đông Dương.
6. Nền văn hóa dân chủ mới mà Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương xây dựng trong cách mạng dân tộc giải phóng hiện nay phải đảm bảo đồng thời 3 nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Mặt khác phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa phi mác xít: bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm, trotsky quá trớn…
Về những công việc phải làm cho cuộc vận động văn hóa mới, Đề cương nhấn mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh về tư tưởng, học thuật, về tiếng nói và chữ viết, và công tác tổ chức tập hợp lực lượng các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ để thống nhất mọi hoạt động văn hóa tiến bộ dưới quyền lãnh đạo của Đảng vô sản mác xít.
Trên đây là 5 vấn đề thuộc quan điểm tư tưởng và nguyên tắc, phương thức vận động đấu tranh xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, do Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, đã đặt những nền tảng vững chắc cho đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng để tiếp tục giữ vững và phát triển trong những giai đoạn sau, từng bước tiến tới mục tiêu cuối cùng: xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
.............................................
(1) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.,1995, tập 3, tr.431.
(2) Trường Chinh - “Diễn văn nhân dịp Kỷ niệm lần thứ 40 ngày ra đời của Đề cương về cách mạng văn hóa Việt Nam”/ Bốn mươi năm Đề cương văn hóa Việt Nam, Nxb. Sự thật, H.,1985, tr.12.