Cân bằng giữa nghiên cứu và sáng tác: Ta còn thơ

Yến Ly| 03/02/2023 15:27

“Sống thơ” là chủ đề của buổi tọa đàm hướng tới Ngày Thơ Việt Nam 2023, do Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức sáng ngày 3/2/2023 tại phòng đọc của Khoa. Buổi tọa đàm do Tiến sĩ Mai Anh Tuấn dẫn dắt, cùng những giao lưu chia sẻ từ hai nhà thơ trẻ là Nguyễn Thị Thuý Hạnh và Lý Hữu Lương.

Mở đầu buổi giao lưu, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn chia sẻ: Trong khi trên thế giới, “mô hình” người trí thức vừa nghiên cứu vừa sáng tác vốn phổ biến từ lâu thì tại Việt Nam, các đối tượng này vẫn còn khá chật vật. Phải làm sao để cân bằng giữa con người nghiên cứu và con người sáng tạo là việc cần thiết. Vậy người sáng tác nói chung và người làm thơ nói riêng, làm sao để có thể vẫn “sống thơ”? Đó cũng là lý do Ban tổ chức chọn “sống thơ” làm chủ đề cho buổi tọa đàm. 

Trong khi Nguyễn Thị Thúy Hạnh (tác giả của hai tập thơ: “Di chữ”, “Văn học vết thâm”) là tác giả hướng tới những thể nghiệm và cách tân mạnh mẽ thì Lý Hữu Lương (với tác phẩm “Yao”, đoạt giải Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam 2021) tập trung đi sâu vào căn tính tộc người. Và dù với lựa chọn con đường sáng tác nào thì cả hai nhà thơ đều đã có những thành công nhất định. 

toa-dam-song-tho(1).jpg

Buổi toạ đàm “Sống thơ” tại phòng đọc khoa Viết văn – Báo chí, hướng đến kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam 2023.

Nguyễn Thị Thuý Hạnh không chỉ là một người sáng tác mà chị còn làm công việc nghiên cứu, dịch thuật ở Viện Văn học. Chia sẻ với bạn đọc yêu thơ, nhà thơ Nguyễn Thị Thuý Hạnh nhấn mạnh rằng, để có thể cân bằng giữa con người nghiên cứu và con người sáng tạo thì chị luôn xác định rõ những thứ tự ưu tiên để hoàn thành vai trò của mình trong từng hoàn cảnh. Trong quá trình dịch thuật và nghiên cứu văn học phương Đông mà cụ thể nhất là văn học Trung Quốc, chị nhận ra thơ ca đương đại trên thế giới phát triển phong phú với nhiều trào lưu trưởng thành khác nhau (Văn học đương đại Trung Quốc có ba trào lưu tiêu biểu là: trào lưu thơ Mông Lung, trào lưu thơ thế hệ thứ Ba và trào lưu thơ ca mạng), về điểm này thì thơ ca Việt Nam còn nhiều hạn chế. Với chị, câu chuyện cách tân hình thức không chỉ đơn giản vì muốn đổi mới/ đột phá trong hình thức mà còn là ý đồ riêng của tác giả và ý đồ đó phụ thuộc vào từng tác phẩm khác nhau. Và một bước rẽ đáng ghi nhận là, thơ ca đương đại Việt Nam đã hướng thêm về sự duy lý thay vì chỉ thiên về trữ tình như truyền thống.

Nhà thơ Lý Hữu Lương ngoài là tác giả thì với kinh nghiệm của một biên tập viên ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh cho rằng, một tác phẩm đã hay thì dù hình thức cũ hay cách tân cũng không có nhiều ảnh hưởng đến cái hay duy nhất đó. Anh ví von nền văn học giống như một cái cây, để cây phát triển thì cần cả một quá trình trưởng thành, và cây phát triển ra sao cũng phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng… Với Lý Hữu Lương, những câu chuyện dân tộc khiến anh suy nghĩ nhiều, nhất là tính thiên di của người Dao, có lẽ đó cũng là thôi thúc khiến những sáng tác của anh quay về bên trong, trở về nguồn cội và truyền thống dân tộc. Có thể nói, thơ như là nơi để anh hiểu hơn về dân tộc mình.

Nhận định về thơ ca đương đại Việt Nam, nhà phê bình Văn Giá bày tỏ nỗi lòng phải làm sao để thơ trẻ Việt Nam có nhiều ấn tượng hơn nữa. Ông đồng ý là các tác giả trẻ đã thông minh hơn, hiện đại hơn trong sáng tác nhưng vẫn rất cần nhiều những những sáng tác dày thêm chất triết lý và bớt đi những du dương chỉ thiên về cảm xúc, thiếu lý tính.

Góp phần giao lưu chia sẻ trong buổi tọa đàm là các bày tỏ quan điểm, các màn đọc thơ của nhà thơ Hoàng Liên Sơn, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, tác giả Nam Thiên Phú, tác giả Nguyên Như… 

Kết thúc buổi tọa đàm, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn đọc trích đoạn 21 trong trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” của Phan Vũ với lời gửi gắm: Dù thế nào, ta vẫn còn thơ!

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Văn học thiếu nhi Việt Nam: Những bước chuyển mình sau ngày đất nước thống nhất
    Sau 21 năm bị chia cắt, hai miền Nam - Bắc Việt Nam được nối liền một dải nhờ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Hòa chung niềm vui lớn của đất nước là niềm vui của sách văn học thiếu nhi khi được phát hành suốt từ Bắc tới Nam.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • Cây bút nữ với đề tài chiến tranh
    Trong lịch sử văn học, khi đề cập đến đề tài chiến tranh, phần lớn những gương mặt được ghi dấu trên văn đàn thường là nam giới.
  • Dòng chảy hiện sinh trong thơ hiện đại Việt Nam
    Trong triết học phương Tây hiện đại, chủ nghĩa hiện sinh nổi bật như một cuộc đối thoại sâu sắc với thân phận con người, đặt ra những câu hỏi day dứt về sự tồn tại và mối quan hệ giữa cái hữu hạn - cái vô cùng.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cân bằng giữa nghiên cứu và sáng tác: Ta còn thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO