Lý luận - phê bình

Yêu thương và khát vọng của một đời thơ

Lời bình của Đinh Phương Thúy 19/10/2023 11:26

Trong lịch sử văn chương, nghệ thuật nước nhà, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật lớn, với những tác phẩm in dấu trong lòng công chúng như: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”; “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”; “Ông không phải bố tôi”…

anh-luu-quang-vu.jpeg

Lưu Quang Vũ

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Gió rừng cao xạc xào lá đổ
Gió mù mịt những con đường bụi đỏ
Những dòng sông ào ạt cánh buồm căng
Chớm heo may trên những ngọn cau vàng
Nồm nam thổi, khắp đồng bông gạo trắng
Người xa cách vẫn chung trời gió lộng
Thương vệt bùn trên áo gió khô se.

Gió phương này thao thức phương kia
Bếp lửa tắt, gió lại bùng than đỏ
Không hình dáng vẫn nhận ra ngọn gió
Khi ngàn cây bỗng lật lá sang chiều.

Khi em về tóc ngợp gió đê cao
Mây cuồn cuộn, cỏ rập rờn nổi sóng
Trong gió chuyển, đất trời dường náo động
Nằm bên em, nghe gió suốt đêm dài.

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Chưa xóm mạc đã bắt đầu ngọn gió
Thổi không yên suốt dọc dài lịch sử
Qua đất đai và đời sống con người.

Gió gieo tung những hạt giống trên tay
Giọt nước mắt mau khô, tiếng gọi đò vọng mãi
Vầng trán với bể khơi chung gió ấy
Ở nơi đâu cũng tới được chân trời.

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục
Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh
Những mối tình trong gió bão tìm nhau.

Qua mọi điều, ngọn gió có qua đâu
Luôn luôn ra đi, luôn luôn mới đến
Thơ em viết về một vùng cát biển
Cỏ mặt trời trong lốc bụi lăn đi...

Đã có lần tôi muốn nguôi yên
Khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng
Nhưng vô ích làm sao quên được
Những yêu thương khao khát của đời tôi.

Tôi thở trong sức gió muôn người
Mùa gió mới nhờ em tôi có lại
Bài hát cũ tôi hát cùng đồng đội
Lại dập dồn như gió khắp rừng khuya.

Dẫu đêm nay ngọn gió mùa hè
Còn bề bộn một vùng gạch ngói
Lịch sử quay những vòng xoáy gian nan
Đất nước tôi như một con thuyền
Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xoá.

Ước chi được hóa thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời...

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi...

Tuy nhiên, thơ mới là phần chạm đến tâm hồn ông, bộc lộc cốt cách con người ông. Trong số những sáng tác thi ca ấy, “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” là bài thơ tiêu biểu trong đời thơ Lưu Quang Vũ, mang đến cho người đọc những rung động về tình yêu đất nước, yêu thương con người và còn có cả sự thôi thúc, khát vọng được cống hiến mà chính ông là người đã dốc cạn đời mình để thắp sáng lý tưởng đó.

Trong hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh đang vô cùng khó khăn, cơ cực, hồn thơ Lưu Quang Vũ, đặc biệt trong những năm cuối đời lại dạt dào cảm hứng đất nước, dân tộc, nhân dân, với những thiết tha, lưu luyến và chịu ơn. Tựa đề bài thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” đã thể hiện một cách khái quát, trọn vẹn tâm thế sáng tác, niềm tin yêu cuộc đời của một tâm hồn thi ca đang dâng tràn cảm xúc về tình yêu con người, yêu quê hương, xứ sở.

Mở đầu bài thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, bạn đọc thấy thấp thoáng hình ảnh đất nước rất đỗi giản dị, với những con đường bụi đỏ, cánh buồm căng, ngọn cau vàng, bông gạo trắng, những vệt bùn, than đỏ… Từ đó, người đọc có thể hình dung “mẹ đất nước” suốt dọc dài lịch sử qua hình tượng “gió”: luôn thao thức, thổi không yên “qua đất đai và đời sống con người”. Như một sự chuyển điệu bất ngờ, ngay sau đó, những vần thơ của “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” lại đánh thức trong ta những rung cảm yêu thương cuộc đời: “Gió gieo tung những hạt giống trên tay/ Giọt nước mắt mau khô, tiếng gọi đò vọng mãi”, cũng giống như tiếng gõ cửa rất nhẹ mà sâu lắng, thắp lên ngọn lửa ấm áp của tình yêu, tình thương và lẽ sống. Từ đó có thể thấy: Cảm thức của Lưu Quang Vũ, ngôn ngữ và hình tượng thơ ca của ông cũng như nơi gói ghém, đọng lại tư tưởng nhân văn, nhân đạo với tình yêu thương da diết, đầy trăn trở với cuộc đời, với con người, với thời đại, với những năm tháng mà mình và bạn bè, người thân đã sống. Những yêu thương, khao khát cuộc đời Lưu Quang Vũ hiện lên trong thơ: “Đã có lần tôi muốn nguôi yên/ Khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng/ Nhưng vô ích làm sao quên được/ Những yêu thương khao khát của đời tôi”.

Sinh thời, Lưu Quang Vũ từng viết như một lời tuyên ngôn: “Trên mái nhà cao vút rung cây/ Trên rừng cây những đám mây xô dạt/ Trên hạnh phúc - trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”. Và trên hết, người đọc cảm nhận Lưu Quang Vũ dành nhiều cảm hứng cho đề tài đất nước, dân tộc, nhân dân. Trong bài thơ “Nói với mình và các bạn”, ông từng khẳng định: “Thơ không phải là chứng minh/ Không phải hào quang phản chiếu của tấm gương/ Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa/ Thơ sinh sự với cuộc đời, không cho ai dừng bước cả/ Càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều”… Dường như trong những câu thơ, người đọc cảm nhận được con người ấy phải bùng ra khỏi không gian chật hẹp của mình để mở lòng, mở tâm trí với nhân quần, quê hương. Ngay cả trong bài “Nhà chật”, Lưu Quang Vũ kể về căn nhà 6m2của mình với Xuân Quỳnh, chật đến nỗi chỉ quờ tay ra là có thể chạm vào thùng gạo: “Ta chỉ có 6 thước vuông cho hạnh phúc của mình”. Nhưng kết thúc bài thơ đó “Bạn đời ơi ngoài kia trời nổi gió” – thể hiện tinh thần không cam chịu sống trong sự chật hẹp. Không gian sống cụ thể có thể bé nhỏ nhưng không gian của tinh thần, không gian của thơ phải nhuần nhuyễn, mở rộng thênh thang. Cho nên “Đất nước tôi như một con thuyền/ Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xóa” là một hình ảnh rất đẹp, như một hình dung khoáng đạt về hình ảnh đất nước, về Tổ quốc trong những ngày gian khó, không chỉ những ngày đã qua mà còn những ngày đang tới.

Yêu thương tha thiết, gần gũi, giản dị: “Ước chi được hóa thành ngọn gió/ Để được ôm trọn vẹn nước non này” - khổ thơ kết của bài thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” đã khái quát trọn vẹn cảm xúc cũng như khát vọng của Lưu Quang Vũ, ý thức về sự cống hiến, được trở thành những ngọn gió, cùng góp phần đẩy con thuyền đất nước vượt qua những con sóng cả.

Tư tưởng cốt lõi trong thơ Lưu Quang Vũ là tình yêu và tình thương và niềm hi vọng. Sau những cái nhìn khắc khoải, lo âu, sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, sau những chất vấn, hoài nghi, trong những trăn trở về lẽ sống con người, về thời đại và những bước đường đi lên của dân tộc, Lưu Quang Vũ vẫn luôn hướng người đọc đến những điều tích cực. Bài thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” ra đời cùng thời điểm với những bài thơ nổi tiếng khác như “Tiếng Việt”, “Đất nước đàn bầu”, “Người cùng tôi”… thể hiện tình yêu với đất nước, quê hương, cảm xúc về nhân dân lẫn vào dàn đồng ca thế hệ nhưng vẫn mang cá tính Lưu Quang Vũ rõ rệt. Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ từng viết: “Thơ ca đã đi cùng ông trong những năm tháng cuộc đời. Bản năng thi sĩ của ông giàu có trong những nỗi buồn, cô đơn, tuyệt vọng. Những khoảnh khắc bị dồn đẩy đến cùng, thơ ông luôn muốn tung bứt lên để đối mặt với chính cảnh ngộ của mình. Vốn là một người đàn ông tài hoa, đa cảm nên tình yêu và thơ ca luôn luôn là một cứu cánh còn lại trong đời”. Do vậy, bài thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” như thức dậy trong ta những rung cảm, yêu thương cuộc đời, ước mơ con người được sống đời bình dị, đam mê. Những năm tháng nhọc nhằn của dân tộc, của đời người rồi cũng đi qua. Tình yêu, cũng như những khao khát cuộc đời vẫn luôn được nhen nhóm, như sợi dây gắn kết con người, tạo nên sức mạnh cũng như những giá trị vĩnh hằng, dẫu ở muôn nơi, dẫu là muôn thuở vẫn luôn luôn hướng đến./.

Bài liên quan
  • Một nhu cầu khác của văn học thị trường Việt Nam đương đại
    Nằm trong chuỗi hoạt động của Hội sách Hà Nội lần thứ VIII - 2023, “Bản địa, thuần Việt, dân gian: Một nhu cầu của thị trường văn học đương đại” là chủ đề của buổi tọa đàm sôi nổi giữa TS. Đỗ Anh Vũ, nhà văn Thảo Trang và nhà văn Đức Anh cùng đông đảo độc giả. Sự kiện do Linh Lan Books tổ chức, diễn ra chiều ngày 8/10/2023 tại phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Hà Nội có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024
    Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 5963/QĐ-UBND về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đợt 1) năm 2024.
  • Thúc đẩy, quảng bá thương mại nông sản tại AgroViet 2024
    Ngày 20/11, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ Khai mạc Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2024.
Đừng bỏ lỡ
Yêu thương và khát vọng của một đời thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO