Thiên nhiên trong kí viết về chiến tranh của Minh Chuyên
Năm 2025, nhà văn, nhà báo, đạo diễn Minh Chuyên được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, ghi nhận những đóng góp nổi bật cho văn học và sự nghiệp gìn giữ ký ức chiến tranh Việt Nam của ông. Không chỉ có trải nghiệm thực tế của một người lính từng xông pha gần chục năm trên chiến trường miền Nam vào những năm máu lửa, Minh Chuyên còn có đủ độ lùi thời gian cần thiết của một nhà văn thời hậu chiến để có thể nhìn về chiến tranh từ nhiều phía. Bởi vậy, chiến tranh trong ký của Minh Chuyên hiện lên đa diện, vừa chân thực vừa thấm đẫm suy tư. Thiên nhiên trong tác phẩm không chỉ là chứng nhân của tội ác, mà còn là hình tượng nghệ thuật giàu cảm xúc - như người mẹ bao dung, lặng lẽ chở che con người giữa mất mát và tàn phá.

Thiên nhiên - nạn nhân, chứng nhân của tội ác chiến tranh
Thiên nhiên trong ký của Minh Chuyên không giữ vai trò phông nền cho sự xuất hiện của nhân vật giống như trong những tác phẩm tự sự mà chúng ta thường gặp. Thiên nhiên được đan cài vào tác phẩm như một “đôi mắt” - một chứng nhân cho tội ác chiến tranh. Tâm điểm của bức tranh thiên nhiên trong ký của Minh Chuyên là cảnh những cánh rừng Trường Sơn huyền thoại trong những năm chiến trường miền Nam diễn ra ác liệt nhất.
Trong “Hành trình đi tìm những linh hồn”, Minh Chuyên đã miêu tả bước chân lầm lũi của người đàn bà mang tên Hạnh Dung từ Thái Bình vào rừng Sắc Rông tìm hài cốt của chồng. Cảnh rừng Sắc Rông huyền bí, linh thiêng nhưng cũng đầy đau thương đã hiện ra trong hồi tưởng của cụ già người Ê Đê: “Ông bảo trong những năm đánh Mỹ, một hôm có một trung đoàn bộ đội hành quân qua vùng này. Họ trú quân trong rừng Sắc Rông. Không may bọn thám báo rình mò phát hiện. Nửa đêm, chúng gọi máy bay Mỹ trút bom xuống khu rừng. Những chớp lửa bùng lên cháy rừng rực, sáng một góc trời đêm. Cả trung đoàn bộ đội bị thương và hy sinh gần hết...”
Dưới ngòi bút của Minh Chuyên, rừng Sắc Rông trong “Rừng thiêng” không hiện lên với vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn trữ tình mà được miêu tả như một “nạn nhân” bị tàn phá bởi hàng trăm tấn bom sát thương và bom cháy. Trong trận bom ác liệt ấy, rừng không chỉ là nạn nhân bị tàn phá tang thương bởi chiến tranh mà còn là nhân chứng cho sự hi sinh gần như toàn bộ của một trung đoàn bộ đội chỉ sau một đêm. Rừng Sắc Rông trở thành nơi chôn vùi thân xác của những thi thể bị bom xé nát, văng lên cành cây, khe đá hoặc bị vùi lấp, tan nát, lẫn vào đất đá.
Thiên nhiên trong ký của Minh Chuyên không chỉ là bị tàn phá bởi mưa bom bão đạn mà còn bị hủy diệt bởi vũ khí hóa học. Những cánh rừng bạt ngàn của Tây Nguyên từng là nơi “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” vậy mà nay, hoang tàn bởi đạn bom và vũ khí hóa học. Trong lá thư ông Ngô tố cáo Công ty Monsanto, ông đã nhắc đến sự tàn phá của vũ khí hóa học: “...Nó tàn phá hàng triệu hecta rừng của miền Nam Việt Nam…. Nguy hại hơn là nó đã ngấm vào cơ thể của hàng triệu người dân Việt Nam, trong đó có tôi, con tôi, và cháu tôi. Suốt 30 năm qua, chất độc da cam của các ông đã gây thảm hoạ khôn lường, làm cho con người sống dở, chết dở, chết trong quằn quại, đau đớn”.
Chiến tranh không chỉ cướp đi sinh mạng con người mà còn hủy hoại nghiêm trọng môi trường tự nhiên. Biết bao cánh rừng - lá phổi xanh của đại ngàn bị tàn phá, không khí trở nên ô nhiễm, không gian sống ngột ngạt. Thiên nhiên đổ máu, thảm thực vật xanh úa tàn dưới bom đạn, để lại những hậu quả dai dẳng cho hệ sinh thái. Biết bao dòng suối, con sông, hồ nước cũng bị cạn kiệt dần và trở thành hồ chết như hồ Biên Hùng mà Minh Chuyên đã nhắc đến trong “Di họa chiến tranh”: “Tới hồ Biên Hùng, một hồ nước xanh thẫm… Những năm chiến tranh, quân đội Mỹ đặt một kho chất độc Đi-ô-xin ở đây. Và ngày ngày đưa máy bay tới chở chất độc đi rải khắp chiến trường miền Nam Việt Nam. Mỗi khi trời mưa to, nước từ vùng kho lẫn đi-ô-xin lan chảy ra các vùng chung quanh, chảy vào hồ Biên Hùng, gây nhiễm độc cho cá”. Hồ nước vốn xanh sức sống giờ “nghẹt thở”, tàn lụi, rêu phong như chiếc hố tử thần. Viết về sự tàn phá của chiến tranh với thiên nhiên cây cỏ và môi trường, phải chăng Minh Chuyên muốn cắt nghĩa về nguyên nhân gây ra nỗi đau da cam sau này? Môi trường, hệ sinh thái bị hủy diệt, những người lính khi trở về bị bệnh tật hiểm nghèo, những đứa trẻ sinh ra không nguyên vẹn hình hài. Tiếng nói tố cáo tội ác của chiến tranh đã được bật ra từ đây.
Dưới ngòi bút Minh Chuyên, thiên nhiên hiện lên trong dòng hồi tưởng của nhân vật là những cánh rừng đầy thương tích - nơi chứng kiến sự tàn phá và tội ác hủy diệt của chiến tranh. Chiến tranh không chỉ hủy diệt sự sống của con người mà còn hủy diệt mẹ rừng và mẹ đất. Thiên nhiên trở thành nạn nhân phải hứng chịu những hậu quả nặng nề: rừng bị tàn phá, cây bị đốt cháy, khí độc bao trùm khắp không gian, hệ động thực vật bị hủy diệt…
Thiên nhiên - người mẹ bao bọc, che chở cho người lính
Trong ký của Minh Chuyên, thiên nhiên không chỉ là nạn nhân, chứng nhân của chiến tranh mà còn như một người mẹ bao bọc, che chở cho người lính. Trong những năm tháng khốc liệt, rừng Trường Sơn trở thành mái nhà, nơi nương náu trú ẩn, nơi chữa lành những vết thương, nơi hồi sinh những người lính đã cận kề cái chết. Không ít người lính nhờ mẹ thiên nhiên bao bọc, chở che mà thoát khỏi những đợt đạn pháo khốc liệt mà giặc trút xuống.
Trong “Nửa thế kỷ lưu lạc”, Minh Chuyên đã miêu tả cánh rừng rìa làng An Xuân là nơi trú ẩn an toàn cho dân làng giữa đạn bom. Có thời kỳ địch tình nghi Kệch là “Cộng sản nằm vùng” giả câm, giả điếc để hoạt động. Những lúc gay cấn nhất, dân làng An Xuân phải đưa Kệch lên rừng cất giấu”.
Nói đến vai trò của thiên nhiên trong ký của Minh Chuyên, độc giả chắc hẳn không thể quên câu chuyện của già làng Ê Đê trong “Ba người ở lại Trường Sơn”. Đó là câu chuyện về một người lính Trường Sơn bị thương nặng giữa rừng Keo Sơn heo hút đã được đàn vượn cứu sống: “Vào thời kỳ đầu đánh Mỹ, có một anh bộ đội, còn rất trẻ lạc giữa khu vực Keo Sơn heo hút này. Khu rừng bị máy bay thả bom tàn phá. Không may, anh bộ đội bị thương vào đầu. Anh nằm hôn mê bên gốc cây rừng. Một đàn vượn hái quả trên cây nhòm thấy người nằm bên dưới, chúng tụt xuống tiến lại phía anh bộ đội… Anh bộ đội nằm im, một vệt máu đỏ từ đầu chảy qua mặt. Đàn vượn thay nhau đi tìm lá thuốc rịt vào vết thương cho anh. Anh bộ đội dần dần tỉnh lại. Đàn vượn xúm xít hái quả cho anh ăn, kiếm nước cho anh uống. Cơn tâm thần hoang tưởng phó mặc đời anh với thiên nhiên, cây rừng, muông thú”. Nhờ sự bao bọc, che chở của thiên nhiên, anh đã được cứu sống. Và khi anh mất đi trí nhớ, quên mất gốc gác quê hương để trở về, rừng đã trở thành nhà của anh và đàn vượn đã trở thành gia đình của anh. Chúng dạy anh cách sinh tồn, dẫn dắt anh tránh hiểm nguy, giúp anh hòa nhập cùng nhịp sống giữa thiên nhiên đại ngàn. Nhờ đó mà anh đã được cứu sống, đã tồn tại để chờ đợi ngày được gia đình tìm thấy và trở về với quê hương.
Với những người lính nằm lại nơi chiến trường, rừng là mảnh đất mẹ lặng lẽ đón nhận họ dù là trong hình hài nguyên vẹn hay chỉ còn là những mảnh vụn thân xác. Đó là “một vùng núi rừng trùng điệp, bao la, biết bao đồng đội đã ngã xuống nơi đây. Ngày ấy cuộc chiến tranh còn đang tiếp diễn, mọi người còn phải truy đuổi quân thù, nên các chiến sĩ hy sinh đã phải nằm nghỉ tạm nơi rừng xanh, núi đỏ. Bom đạn cày xới, thời gian xóa nhòa, cây rừng lấp khuất. Phải vất vả lắm mới lần tìm được nơi các anh yên nằm”.
Hòa bình lập lại, những cánh rừng Trường Sơn vẫn là nơi nương náu cả thân xác và linh hồn của những người lính tử trận. Cũng chính góc rừng Keo Sơn ấy, những người cùng đơn vị của những người lính tử trận và những người thân của họ đã nhiều lần trở lại để tìm hài cốt liệt sĩ. Trong những bước hành trình lặn lội, lầm lũi ấy, rừng thiêng đã có lúc lên tiếng, “tìm đường chỉ lối” cho những người còn sống có thể tìm thấy hài cốt của đồng đội, người thân, đưa các anh trở về với quê hương và gia đình.
Có thể nói, thiên nhiên trong ký của Minh Chuyên dù không được miêu tả nhiều nhưng qua một số nét phác họa và đặc tả, tác giả đã xây dựng hình tượng thiên nhiên như một phần không thể thiếu của chiến tranh. Thiên nhiên như một chứng nhân cho những năm tháng chiến đấu trường kỳ gian khổ mà hào hùng của dân tộc, cho những tội ác của quân xâm lược. Dù chiến tranh đã lùi xa, dù rừng Trường Sơn dần hồi sinh nhưng chất độc còn lưu lại trong lòng đất vẫn là minh chứng cho những hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhắc nhớ con người về những mất mát không thể xóa nhòa./.