Lý luận - phê bình

Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương

Nhà thơ Vũ Quần Phương 07:36 02/05/2025

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.

Bài viết này xin được nói riêng về thơ - vốn là nơi phẩm chất trữ tình giành ưu thế, nhanh và nhạy nhất, trong mọi thể loại văn chương:

Có ai đành nghĩ tới cảnh phân chia
Đất nằm đây thương nhớ đất trong kia

Năm ấy tôi 14 tuổi, vừa xong năm thứ hai trung học, mới lờ mờ nhận ra sức hấp dẫn của thơ, sau khi học bài “Đây mùa thu tới” do thầy Nguyễn Xuân Huy giảng. Tôi còn giữ được quyển vở ghi bài giảng này. Hôm đó là ngày đầu khai giảng tháng 9/1953. Cái rét đầu mùa ở ngoài đời, tôi cũng đã nhận biết từ những năm tiểu học, mỗi khi xỏ tay vào chiếc áo ấm của năm ngoái. Nhưng biết rồi lại quên ngay. Còn cái rét trong thơ, sau lần nghe thầy giảng, thì tôi nhớ mãi, nhớ đến bây giờ:

Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò

Thì ra câu thơ đã vào được lòng người thì nó ở lại, thành ấn tượng, ngay khi người ta có quên đi thân xác ngôn ngữ của câu thơ thì cảm giác hay nhận thức về nó vẫn cứ hiện về ký ức. Mười ba tháng sau khi tôi học “Đây mùa thu tới” ấy, bộ đội ta tiến về tiếp quản Thủ đô. Chúng tôi vào niên học mới, có muộn hơn mọi năm và được học bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu. Tôi không nhớ học vào tháng nào nhưng lại nhớ những tên đất được nhắc rất nhiều trong đó. Tôi thích thú nhẩm theo và thuộc từ lúc nào:

Ai đi Nam - Ngãi, Bình - Phú, Khánh Hòa
Ai vô Phan Rang, Phan Thiết
Ai lên Tây Nguyên, Công Tum, Đắc Lắc
Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung
Ai về với quê hương ta tha thiết
Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng

Hai mươi năm sau, tháng 5/1975, cùng bạn thơ Bằng Việt, ngồi trên xe đò từ Huế vào Sài Gòn, tôi cứ theo thơ Tố Hữu mà nhận ra những địa danh, vốn chỉ biết tên hoặc một vài sự tích hoặc di tích, đôi khi chỉ là một vài câu thơ về nó, chứ chân chưa được đến, mắt chưa được nhìn phong cảnh thực. Trong 20 năm ấy, những địa danh từ vĩ tuyến 17 trở vào, nhập trong tâm trí lứa tuổi chúng tôi là nhập bằng những hình dung, những tưởng tượng, chắc là không ai giống ai, nhưng sự xao xuyến, cả nỗi ngậm ngùi âm thầm thì chắc chúng tôi giống nhau. Chuyến đi trong những ngày thống nhất đất nước đầu tiên ấy, tôi đã được nhìn thực cảnh và đã thầm đối chiếu với những hình dung cảnh sắc mơ hồ tôi ghi nhận từ những nguồn rất ngẫu nhiên.

“Bộ đội chúc Tết đồng bào” - Tranh của họa sĩ Mai Văn Hiến - Phạm Thanh Tâm

Tới Huế, ngoài những địa danh nổi tiếng như sông Hương, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, Thành nội… mà cả đoàn chúng tôi kéo nhau đi thăm ngay khi tới Huế, tôi rất muốn đến cái “nhà thương bạc bên bờ sông Hương” chỉ vì một tấm ảnh chụp, tôi đã thấy tấm ảnh ấy mấy lần trên báo chí Hà Nội, trong các bài viết về Huế. Nó thành một thứ ấn tượng trong tâm trí tôi thời đất nước cắt chia, dù tôi chẳng biết nghĩa lý gì về cái tên gọi của nó. Nay, đến Huế lần đầu sau nhiều năm nung nấu ấy, tự nhiên tôi cần được thấy nó trên thực địa, như để đối chiếu, như để kiểm kê tài sản ký ức của mình. Nhớ đất là một kiểu nhớ nhiều khi như rất vu vơ mà thấm thía cả đời người. Hôm thăm Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, thành viên trong đoàn thuộc nhiều lứa tuổi, các anh Bùi Hiển, Huy Phương… chắc đã tới thăm đây từ trước cách mạng 8/1945, giờ thăm lại hẳn có nỗi trầm ngâm như Nguyễn Du gặp lại Thăng Long. Anh Bằng Việt, anh Ngô Văn Phú và tôi thì là lần đầu được thấy, nhưng lại như gặp lại cố nhân, là do câu thơ Phạm Hầu viết về Vọng hải đài mà chúng tôi được đọc trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân. Tôi nhớ hôm ấy có tới mấy người cùng òa lên và cùng đọc hai câu thơ:

Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai

Không hiểu tôi đã nghĩ thế nào mà trong bài thơ “Trước bản đồ Tổ quốc”, làm trong ngày thống nhất ấy, tôi đã viết: “Nam Bộ phù sa chín nhánh Cửu Long ơi/ Khi tôi hiểu đất đai thì đất cắt chia rồi”. Sau này ngẫm nghĩ tôi thấy lời thú nhận đầy cảm tính ấy là đúng. Tuổi thiếu niên 13, 14 vốn nhiều tưởng tượng viễn du, viễn vọng thì lại rơi đúng vào lúc đất nước cắt chia. Tình xứ sở đất đai, nỗi buồn chia biệt thành một chấn động tình cảm toàn dân. Lứa tuổi mới lớn chúng tôi ôm trọn những tháng ngày xót thương khắc khoải đau đớn ấy và cũng được biết niềm vui tràn nước mắt ngày 30 tháng 4 năm 1975, non sông đất nước về một mối. Khoảng đầu thập niên 60 thế kỷ trước, tôi có đến Nhà hát Nhân Dân (giờ không còn nữa) nghe các nhà thơ trong Hội Nhà văn Việt Nam đọc thơ đấu tranh thống nhất đất nước. Các nhà thơ nổi tiếng từ phong trào Thơ Mới (1932-1945) và các nhà thơ tiêu biểu xuất hiện trong kháng chiến chống Pháp đều lên sân khấu trực tiếp đọc thơ mình. Nhà hát Nhân dân khi đó là một nhà hát ngoài trời, sân khấu rộng, có mái che, trang trí giản dị nhưng bề thế. Khán giả ngồi trên các dãy ghế vòng cung bao quanh sân khấu. Ghế càng xa càng cao và vòng cung càng rộng. Mươi dãy ghế sát sân khấu là các bậc bê tông láng xi măng nhẵn. Còn phía sau là bạt ngàn các ghế bằng gỗ, không có tựa lưng, chân ghế gắn chặt vào sàn gỗ. Rạp được dựng gấp rút, ngay sau ngày tiếp quản thành phố, nhanh chóng thành nơi giới thiệu văn công kháng chiến. Bà con Hà Nội tâm phục khẩu phục, say mê các tiết mục múa sạp và hợp xướng “Du kích sông Thao”.

“Đón giao thừa” - Tranh của họa sĩ Lê Quốc Lộc

Nhà hát Nhân dân thuở ấy thành một diễn đàn ảnh hưởng đến tình cảm, tư tưởng bà con Thủ đô nhanh chóng và rõ rệt lắm. Buổi các nhà thơ quen biết tới đây đọc thơ cũng tác động nhiều vào sự hình thành tình cảm với đất đai sông núi. Đã hơn sáu mươi năm tôi còn nhớ hình ảnh nhà thơ Lưu Trọng Lư hôm ấy. Ông bước ra, đứng trước micrô, dáng cao gầy. Cạnh ông là một chiếc ghế tựa. Ông không ngồi mà đứng phía sau, vịn tay lên thành ghế, người hơi ngả về trước trong tư thế trò chuyện với một ông chài bên bờ sông tuyến Hiền Lương:

“Đấy có phải là chùa Non Nước
Đấy có phải là Ngũ Hành Sơn
Thủy, Thổ, Hỏa, Mộc, Kim
Nơi đâu là Vọng giang đài
Nơi đâu là Vọng hải?”
Mắt tôi muốn nhìn mãi
Tay tôi chẳng muốn rời
Tất cả là đất nước của tôi
Dưới bàn tay tôi chỉ
Bác đã đi rồi
Mà lòng tôi còn suy nghĩ

Hồi là học trò, tôi rất thích bài “Tiếng thu” của nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhưng hỏi tôi thích vì điều gì thì lúc đó tôi không nói được. Tôi đã hiểu gì đâu. Nhưng tại sao tôi lại thích? Sau này tôi mới lờ mờ nhận ra, điều làm tôi thích “Tiếng thu” là cái giọng thơ, giọng thổn thức, đắm đuối thổn thức: “Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức/ Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ?”. Nhà thơ Lưu Trọng Lư tham gia cách mạng Tháng Tám rồi lên chiến khu kháng chiến. Lý tưởng sống đổi thay, tư tưởng nghệ thuật đổi thay. Thơ ông khác đi, giọng thơ thổn thức “con nai vàng” không còn nữa, mà rắn khỏe xốc vác. Bạn đọc quả thật có âm thầm và ngơ ngác nhớ một giọng xưa. Nhưng tối hôm ấy, hình như bạn yêu thơ Lưu Trọng Lư gặp lại một ông Lư vẫn nguyên thổn thức trong một xúc động lớn lao, kỳ vĩ, nhập hồn mình vào hồn đất đai trời biển, bên sông Tuyến:

Trời trong hay trời động
Con chim con cá cũng thẳng cánh thẳng vi
Sao đến chỗ ni
Trước mắt tôi như có hào sâu ngăn lại
Đất Việt Nam người Việt Nam không bước tới
Mắt mải nhìn mắt mòn hết nửa con ngươi
Thân đứng đây thân chết nửa con người
Lời tôi nói lời tôi nghe, đứt đoạn.

Tình đất đai sông núi trong 20 năm đất nước cắt chia 1954 - 1975 là một mạch cảm xúc đậm trong toàn thể nền thơ dân tộc. Và là phần đóng góp đặc thù là từ các nhà thơ có quê gốc ở Nam nhưng đang sống trên đất Bắc và ngược lại. Các nhà thơ quê Bắc sống ở Nam cũng tương tự thế.

Tòa thương bạc bên bờ sông Hương.

Hoàng Tố Nguyên, nhà thơ quê Gò Công, Nam Bộ. Ông sinh năm 1929, thuộc lứa nhà thơ xuất hiện trong kháng chiến chống Pháp. Tập thơ đầu xuất bản năm 1950. Ông tập kết ra Bắc sau hiệp định Giơnevơ. Tập thơ in ở miến Bắc đầu tiên của ông là tập “Gò Me” (NXB Hội Nhà văn, 1957). Độc giả yêu thơ miền Bắc hồi ấy còn ít người biết Hoàng Tố Nguyên. Tôi được đọc tập “Gò Me”, là do một anh bộ đội miền Nam tập kết trú quân ở quê mẹ tôi, làng Canh ngoại thành Hà Nội. Tôi đang học cấp ba, trọ học ở Hà Nội, nghỉ hè về quê say mê nghe các anh bộ đội miền Nam trò chuyện quê hương. Một anh, chắc cũng chưa xa thời đi học bao lâu, đưa tôi tập thơ mỏng, khổ nhỏ xinh xắn và giới thiệu: “Quê anh là tên tập thơ này đấy. Em thử đọc xem”. Tập thơ 13 bài viết từ khi nhà thơ ra Bắc. Chủ yếu là nỗi nhớ quê Nam. Mỗi bài thơ là một cơn thương nhớ. Giọng thơ Hoàng Tố Nguyên chân thực, đằm thắm và xao xác buồn. Lời hẹn hai năm tổng tuyển cử đã không thành, nhà thơ chới với trong thời gian không định và nỗi đau chia cắt không nguôi. “Chỉ một tiếng thở dài kín đáo/ Cũng đủ thành giông bão ở trong tôi”. Nhưng nỗi niềm ấy sau này được gặp nhà thơ và đọc thêm về ông tôi mới rõ dần. Còn khi đọc “Gò Me” lần đầu năm 1958 - 1959 ấy, tôi lại say mê khung cảnh làng quê Nam Bộ trong giọng kể tràn đầy nhớ thương yêu dấu của Hoàng Tố Nguyên:

Ôi vui sao những lễ hội đình chùa
Rước sắc cuối năm, giựt dàn tháng Bảy
Thân áo vá quàng lại thay vạt mới
Hẹn hò… đổi guốc… trao khăn
Trống giục thâu đêm, gối bỏ không nằm

(...)

Những trưa nắng thơm mùa gặt hái
Mái đình cong cu gáy xa xa
Con đê nắng đổ chói lòa
Me xanh tỏa bóng gió hòa trong cây
Già phanh áo, gối tay, ríu mắt
Gái dụm đầu bói Lục Vân Tiên

(...)

Tiếng ai vút đầu bông lúa chín
Gió dìu vương xao xuyến bờ tre
“Hò ơ… trai Biên Hòa lụy gái Gò Me
Không vì sắc lịch mà chỉ vì mê giọng hò…

Miền quê Nam Bộ trong thơ Hoàng Tố Nguyên là vậy. Tôi được thân với quê anh là do nỗi nhớ của lòng anh trong chính thơ anh. Cảnh sắc, thời tiết, phong tục hội hè, Giêng hai đình đám… có thể vừa lạ vừa quen với thôn Đoài, thôn Đông xứ Bắc nhưng hồn vía quê hương làng nước nhà mình thì Bắc Nam chi cũng hao hao khuôn mặt. Trong cái họa cắt chia mà lịch sử nước nhà phải chịu thì tình cảm lòng người lại dồn lên mà hàn gắn, cưu mang. Hoàng Tố Nguyên trút nhớ thương quê Gò Me nơi anh vào thơ cho nguôi nỗi đau chia biệt thì chính thơ anh lại cho tôi, một chú học sinh xứ Bắc, chưa đi được tới đâu, lại hiểu lại yêu như mình đã sống ở quê anh. Tác động ấy là đặc điểm chung của văn chương thời kỳ lịch sử này. Nó là vết thương hay vết sẹo đã lên da là tùy ở cảnh ngộ và tâm tính từng người. Nhưng với sức lưu giữ của văn chương thì nỗi nhớ thương đau đớn dù có lùi xa đến đâu vẫn cho ta sức mạnh để sống vào hiện tại./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Đường vào chiến dịch mùa xuân năm 1975
    Những trang nhật ký chiến trường luôn mang trong mình hơi thở của lịch sử, là chứng nhân sống động về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Chiến sĩ Bùi Quang Thuận - người lính thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 186, Sư đoàn 312 đã ghi lại hành trình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng những dòng nhật ký chân thực và xúc động.
  • Thành tựu sau 50 năm đất nước thống nhất đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới
    Đại diện lực lượng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) sáng 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, nhấn mạnh niềm tự hào về những thành tựu của đất nước sau 50 năm non sông Việt Nam nối liền một dải.
  • Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” ở Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
    Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải diễn ra trang nghiêm và xúc động chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 53 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị.
  • Festival “Nón lá - Việt Nam 2025”: Khám phá di sản thông qua các hoạt động nghệ thuật và văn hóa
    Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của vùng cố đô và sứ mệnh lan tỏa giá trị văn hoá truyền thống, Nón lá - Việt Nam Festival 2025 mở ra hành trình khám phá di sản thông qua các hoạt động nghệ thuật và văn hóa đặc sắc kéo dài suốt kỳ nghỉ lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và Quốc tế lao động (1/5).
  • [Podcast] Chùa Báo Ân - cổ tự gần nửa thiên niên kỷ của Thủ đô
    Cầu Giấy từng là vùng đất cổ, nơi tụ cư của những làng nghề trăm tuổi. Mảnh đất này từng chứng kiến trận Cầu Giấy lừng danh vào thế kỷ XIX – nơi nghĩa quân Việt Nam chiến thắng thực dân trong những ngày đầu chống xâm lược. Nơi đây còn là vùng đất của những ngôi đình làng, những mái chùa ẩn mình sau lũy tre, nơi đời sống tâm linh thấm sâu vào từng nhịp sống của cư dân. Ngày nay, giữa những đổi thay của cuộc sống hiện đại, vẫn còn đó một chứng nhân thầm lặng: Chùa Báo Ân – cổ tự có lịch sử gần nửa thiên niên kỷ.
Đừng bỏ lỡ
Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO