Lý luận - phê bình

Người tiên phong xã hội hóa nghệ thuật múa

Phương Lan 07:08 28/08/2023

“Tôi sẽ là nhà đầu tư, là đạo diễn, biên đạo, là thiết kế phục trang, sân khấu, là nhân viên ánh sáng, người phục vụ diễn viên, là người đánh máy, đi chạy từng thủ tục…

Tôi sẽ làm nhiều vai trò để diễn viên và vở diễn sống trên sân khấu, để khán giả sẽ bỏ tiền mua vé đến xem nghệ sĩ múa biểu diễn” – Đó là câu nói ngắn gọn nhưng hết sức quyết liệt, thể hiện khát vọng đưa nghệ thuật múa Việt Nam đến gần hơn với khán giả của Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, biên đạo múa - Ths. Tuyết Minh – người vừa vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022.

tuyet-minh.jpg
Nghệ sĩ Tuyết Minh

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật tuồng cổ, Tuyết Minh có cơ hội làm quen với sân khấu từ khi còn nhỏ. Tình yêu nghệ thuật đã sớm nhen nhóm và trở thành hoài bão khiến cô bé đam mê nhảy múa chọn theo học múa Ballet tại Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Đó là dấu mốc khởi đầu khiến Tuyết Minh theo đuổi nghiệp múa tới tận bây giờ.

Tuyết Minh bước vào nghề từ năm 2000 với vở diễn ballet “Kẹp hạt dẻ” của biên đạo Phillip Cohen. Vốn là người khắt khe và cầu toàn với “những đứa con tinh thần” của mình, năm 2001, trong Cuộc thi Tài năng múa trẻ, Tuyết Minh đã gây chú ý trong giới làm nghề khi tự mình dàn dựng tiết mục thi mà không nhờ tới các biên đạo tên tuổi. Tiết mục “Trần Quốc Toản” do chính chị biên đạo và sáng tạo, kết hợp giữa múa với vũ đạo tuồng cổ đã mang lại nhiều cảm xúc mới lạ cho khán giả và Ban giám khảo.

Thành công bước đầu đã tạo động lực để chỉ một năm sau đó, Tuyết Minh bứt phá mạnh mẽ với vở Ballet cổ kinh điển “Carmen”. Chị đã gây tiếng vang trong lĩnh vực nghệ thuật múa bởi dám đụng đến một tác phẩm kinh điển của thế giới, thậm chí còn Việt hóa khá nhiều chi tiết, trong khi ngay những đơn vị nghệ thuật lớn của Việt Nam cũng chưa dám dàn dựng. Nhớ lại khi đó Nhà hát Lớn có 700 ghế thì chật cứng hết, Tuyết Minh phải xin với Ban Giám đốc cho phát hành thêm vé đứng. Thời điểm ấy, báo chí cũng tốn khá nhiều giấy mực để viết về “Carmen” và biên đạo trẻ tài năng Tuyết Minh. Khen có, góp ý có, nhưng đều đi đến một cảm xúc chung là nể phục.

Thành công nối tiếp thành công, năm 2003, khi Đoàn múa Khám Phá ra đời - một đơn vị xã hội hóa hoạt động với tiêu chí mang hơi thở đương đại của nhảy múa đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, Tuyết Minh đã về đầu quân cho Khám Phá. Tại đây, chị cùng đồng nghiệp sáng tạo nhiều vở diễn nghệ thuật độc đáo, ấn tượng, được khán và giới nghệ thuật đánh giá cao. Bước đi đó, quyết định táo bạo đó đã khiến cho một loạt vở múa dàn dựng theo phong cách thử nghiệm được Tuyết Minh trình làng như “Quan âm Thị Kính”, “Chiến thắng mùa hoa đào”, “Hai người bạn”, “Bên trong - Bên ngoài”, “Con tạo xoay”… và đã nhận được phản hồi rất tích cực từ khán giả cùng những người làm nghề. Có thể nói, sức trẻ và sự nhiệt huyết cháy bỏng của Tuyết Minh đã tạo ra một luồng gió mới cho nghệ thuật múa lúc bấy giờ.

tuyet-minh-2.jpg
Các nghệ sĩ trên sân tập - Ảnh: Phúc Hải

Nhiều người ngỡ Tuyết Minh thành danh sớm là do vốn sẵn năng khiếu thiên bẩm, nhưng thực sự năng khiếu chỉ là nền móng mà thôi, sự phấn đấu liên tục của người nghệ sĩ mới là sức bật của thành công. Tuyết Minh cùng các cộng sự đã rất sáng tạo và chịu khó trong việc tìm tòi đa dạng các nội dung đề tài để không lặp lại chính mình. Vốn là người chi tiết, chỉn chu, nên với các đề tài lịch sử, chị đã lặn lội tới từng vùng để hiểu, để ngấm về vùng đất ấy. Chị muốn khai thác yếu tố văn hóa, tâm hồn Việt để chinh phục người xem. Chính vì vậy khi thưởng thức các tác phẩm của Tuyết Minh, ai cũng có thể hiểu nội dung truyền tải chứ không phải chỉ để ngắm các diễn viên múa có hình thể và khuôn mặt đẹp. Có lẽ vì thế mà khán giả xem tác phẩm của Tuyết Minh đều truyền tai nhau rằng những sáng tạo nghệ thuật của chị là để dành cho những người giàu xúc cảm và tinh tế trong tâm hồn.

Nhận thấy tài năng và đam mê cháy bỏng của nghệ sĩ trẻ Tuyết Minh, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Trung Tâm Văn hóa Pháp - L'espace đã cử Tuyết Minh sang Pháp học tập và làm việc. Được học hỏi, làm việc với các biên đạo tài năng của thế giới, Minh thấy được sự thú vị trong cách họ làm xã hội hóa nghệ thuật. Điều này khiến chị trăn trở, muốn đưa xã hội hóa vào nghệ thuật múa, dẫu biết rằng điều đó rất vất vả vì vừa phải sáng tạo nghệ thuật, vừa phải tìm nguồn kinh phí cho nó. Nghĩ là làm, khi đang ở đỉnh cao thành công với vị trí diễn viên, Tuyết Minh lùi về làm biên đạo, đứng sau những vở diễn, rồi giảng dạy tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Thể nghiệm, rồi sau đó là chuyên viên của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Nhiều người cho rằng như thế là thiệt thòi, nhưng với Minh, đó là cơ hội và bước đệm để Minh có thể thỏa ước mơ xã hội hóa nghệ thuật và mang múa đến gần hơn với công chúng.

Múa đã cho Tuyết Minh cơ hội trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm trong đời. Tuyết Minh là người hạnh phúc bởi chị biết mình thích gì, đam mê gì và sẵn sàng “hy sinh” để đam mê được sống mãi. Hạnh phúc với chị lúc này là quy tụ được những tài năng trẻ để góp phần đưa nghệ thuật nhảy múa vào đời sống và đến gần hơn với khán giả. Chị muốn lùi lại để truyền kinh nghiệm, động viên, hỗ trợ cho thế hệ trẻ kế cận vì một mục tiêu chung là nâng tầm nghệ thuật múa Việt Nam. Chính vì vậy, người ta thấy chị xuất hiện ở những vai trò mới như là giám khảo trách nhiệm, uy tín suốt 4 mùa của chương trình “Thử thách cùng bước nhảy” (So you think you can dance); Giám khảo của Thần đồng âm nhạc (Wonderkids); Khởi xướng hàng loạt các dự án như Chương trình Festival Múa,... Có cơ hội ở những vị trí mới ấy, Tuyết Minh chợt nhận ra rằng Việt Nam chúng ta có rất nhiều nghệ sĩ múa giỏi, nhưng rồi họ cứ chìm dần và mai một tài năng do không có môi trường phù hợp và sân chơi lâu dài cho họ. Bất cập đó khiến chị luôn cảm thấy day dứt và đi đến quyết định vô cùng táo bạo, đó là tạo ra tour lưu diễn S-Dance Tour 2016. Chị đã tập hợp những tài năng nhảy múa của Việt Nam, đưa họ đi biểu diễn khắp nơi trên toàn quốc, nhằm tạo sân chơi cho giới trẻ, truyền cảm hứng và quảng bá nghệ thuật múa Việt Nam tới khán giả trong và ngoài nước. Với vai trò này, Tuyết Minh luôn thể hiện là một người bạn, người đồng nghiệp đi trước, tiếp thêm sức mạnh, lòng nhiệt huyết và cảm hứng sáng tạo cho các bạn trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Quả thực, S-Dance Tour đã tạo ra “làn gió mới” trong lĩnh vực nghệ thuật, khiến cho khán giả có cái nhìn gần gũi hơn, sâu sắc hơn về nghệ thuật nhảy múa Việt Nam.

Không dừng ở lại đó, năm 2017 Tuyết Minh tiếp tục thử sức mình bằng việc cho ra đời tác phẩm kết hợp giữa nhảy múa, xiếc, nghệ thuật sắp đặt và âm nhạc mang tên ”Úm ba la”. Đây là cách chị làm khó mình bởi mỗi một loại hình nghệ thuật luôn có những nguyên tắc riêng mà nghệ sĩ phải tuân theo để có thể thực hiện được trọn vẹn và chính xác tiết mục. Sự kết hợp này đòi hỏi người biên đạo phải có tư duy nhạy bén, dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu về nó. Với “Úm ba la”, Tuyết Minh luôn tự nhủ rằng, làm nghệ thuật phải quyết liệt và chấp nhận thử thách để luôn làm mới bản thân và không lặp lại chính mình.

Có thể nói, biên đạo Tuyết Minh là nghệ sĩ tiên phong trong xã hội hóa nghệ thuật múa, trong hành trình đưa múa đến gần hơn với khán giả. Dẫu biết rằng đi trên con đường ấy sẽ gặp nhiều chông gai, nhưng vốn là người quyết liệt khi làm nghề, Minh muốn biến mọi khó khăn thành hành động, không cho phép mình bỏ cuộc. Những trở ngại và sóng gió thực sự luôn tồn tại, nhưng với chị nó quá nhỏ bé và không đáng kể so với tình yêu và hoài bão của chị với nghề. Sau mỗi đêm diễn của mỗi dự án, được nhìn thấy khán giả ùa lên sân khấu nhảy múa cùng các vũ công, được thấy các diễn viên và ekip của mình nở nụ cười hạnh phúc trong vòng tay của khán giả, với Tuyết Minh thế là đủ! Chị luôn sẵn sàng đóng nhiều vai trò, từ đạo diễn, biên đạo, tới người lo trang phục, lo thủ tục… để làm sao diễn viên của mình lên sân khấu được thoải mái nhập tâm vào tác phẩm và tỏa sáng trên sân khấu.

Năm 2018, cái tên Tuyết Minh và đứa con tinh thần của chị - tác phẩm “Mỵ” lại tràn ngập trên khắp các mặt báo lớn nhỏ. “Mỵ” lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài và đã được hồi sinh đầy mới mẻ bằng thứ ngôn ngữ của hình thể, đó là nghệ thuật múa. Tác phẩm không khắc sâu nỗi đau của Mỵ mà làm nổi bật lên văn hóa đặc sắc của dân tộc vùng cao với phiên chợ tình, các trò chơi dân gian. Không chỉ nhạc cụ truyền thống như đàn môi, khèn lá, sáo pí-thiu, trống, mõ trâu… được đưa lên sân khấu, mà ngay cả vật dụng sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Mông như chảo thắng cố, dao thớt, cối giã gạo, ống bương nước… cũng được Tuyết Minh “hô biến” trở thành đạo cụ biểu diễn. Cả một vùng văn hóa Mông đã được tái hiện sống động mà dân dã trong “Mỵ”. Tác phẩm đã giành giải Chương trình ấn tượng và biên đạo múa xuất sắc tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của chị. Sau đêm diễn, rất nhiều tour du lịch đã đặt hàng biểu diễn “Mỵ” trong cả một năm khiến cho tác phẩm được đến gần hơn với nhiều đối tượng khán giả. Quả thực, thông qua bàn tay tài hoa của biên đạo múa Tuyết Minh, nghệ thuật múa đã là sứ giả tuyệt vời kết nối con người đến gần nhau hơn.

Năm 2019, Tuyết Minh lại một lần nữa khiến những người làm nghề và khán giả phải trầm trồ khi làm “sống lại” “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du thông qua kịch múa “Ballet Kiều”. Ở tác phẩm này, Tuyết Minh đặt vấn đề khá ấn tượng bằng sự kết hợp giữa ballet và hiệu ứng kỹ thuật Hologram, trong đó cảnh múa ballet dưới nước, diễn viên và ekip ghi hình phải đầm mình 7-8 tiếng giữa mùa đông lạnh buốt của Hà Nội. Đặc biệt, biên đạo Tuyết Minh đã sáng tạo tìm ra phong cách kết hợp giữa kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với khí chất của tuồng, chèo, và vốn múa dân tộc Kinh để chuyển tải được linh hồn cho toàn bộ vở Kiều. Bên cạnh đó, các tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải luôn đạt được niêm luật của bộ môn múa ballet. Âm nhạc trong tác phẩm cũng được chắt lọc, hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng ca trù, hát xẩm, âm nhạc truyền thống tuồng và làn điệu dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, thập lục, trống… Các yếu tố tưởng chừng như tương phản nhưng lại được Tuyết Minh khéo léo sắp đặt rất “vừa vặn”, dễ chịu, khiến các diễn viên có cơ thể hiện tốt cảm xúc khi biểu diễn, đồng thời cũng mang đến cho khán giả cả sự thư giãn, lẫn những suy tư, trăn trở ẩn sâu trong những triết lý, những thông điệp mà tác phẩm truyền tải.

Không cho phép mình được nghỉ, ngay trong tâm dịch Covid-19, Tuyết Minh đã huy động 150 nghệ sĩ tham gia vào tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” nhằm lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn, tinh thần lạc quan và ý chí vươn lên cùng nhau chiến thắng dịch Covid-19 của các lực lượng tuyến đầu và nhân dân cả nước. Quả thực, sự “lăn lộn” với nghề, những gom góp vốn sống và tư duy quan sát tinh tế đã làm nên những vở diễn thành công mang dấu ấn và thương hiệu Tuyết Minh.

Người ta nói rằng, Tuyết Minh quả thực được ông trời “ưu ái” cho cô tất cả. Ở chị có sự xinh đẹp, thông minh, tài năng và quyết đoán, con đường nghệ thuật có nhiều thành công khi gần 30 năm qua, từ cương vị giảng dạy, biểu diễn, sáng tác và cả hoạt động trong ban chấp hành Hội, chị cũng giành nhiều giải thưởng và thành tích: 26 Huy chương Vàng; 22 Huy chương Bạc; 2 Huy chương Đồng; Giải thưởng Biên đạo múa xuất sắc năm 2009 và 2018; 7 Giải thưởng Cuộc thi chuyên ngành múa toàn quốc; 17 Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Múa hàng năm; 21 Bằng khen các cấp; Kỷ niệm chương bảo vệ an ninh Tổ quốc 2022; đảm nhận vai trò Tổng Đạo diễn - Tác giả Kịch bản - Tổng Biên đạo, Biên đạo múa 19 vở Kịch múa, Nhạc kịch và hơn 40 Chương trình nghệ thuật, Lễ Kỷ niệm cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành Trung ương và địa phương… Đằng sau “thảm đỏ”, “màn nhung” ấy chị đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả và cả những hy sinh lớn lao để được làm nghề một cách chân chính.

Tháng 5/2023, biên đạo múa, Ths. Nguyễn Tuyết Minh vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho chùm tác phẩm múa “Hoàn lương”, “Mùa phượng cháy”, “Tình đời”. Chia sẻ với báo giới, chị tâm sự: "Tôi biết ơn những người bạn, đồng nghiệp cùng mình sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Thời gian tới, tôi mong tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ. Tôi cũng mong được kết nối nhiều hơn với các nghệ sĩ trẻ để cùng góp sức sáng tạo cho ngành công nghiệp văn hóa”.

tuyet-minh-3.jpg
Khoảnh khắc diễn viên tập Ballet Kiều (chưa sử dụng phục trang)

Có thể thấy, chính sự không bỏ cuộc, luôn coi múa là hơi thở và cuộc đời, là “người bạn” song hành với cuộc đời cả lúc vui, khi buồn, lúc thăng hoa, khi thất bại đã mang lại cho Tuyết Minh những thành công, sự yêu thương và tôn trọng của mọi người như ngày hôm nay. Con đường xã hội hóa nghệ thuật múa còn dài và lắm gian nan, nhưng những đóng góp của các vị “thuyền trưởng”, những hướng đi mới, những nỗ lực sáng tạo, thích ứng của các văn nghệ sĩ nói chung, các nghệ sĩ múa nói riêng rất đáng được ghi nhận, hoan nghênh và lan tỏa rộng rãi./.

Bài liên quan
  • Trải nghiệm làm nón Chuông tại phố cổ Hà Nội
    Ngày 12/8, tại đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, CLB Đình làng Việt cùng Ban Quản lý Dự án Trường làng trong phố phối hợp tổ chức workshop “Nghiêng vành nón Chuông". Đây là sự kiện thứ hai, tiếp sau workshop “Hoa cài tre đan” được triển khai trong trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Hè – Thu 2023.
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Xây dựng người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện
    Để cụ thể hóa Chỉ thị số 30-CT/TU, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch của Quận ủy để tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời, tập trung quán triệt, tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU trong các cấp ủy Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong toàn quận.
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
Đừng bỏ lỡ
Người tiên phong xã hội hóa nghệ thuật múa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO