Còn mãi một “Thời hoa đỏ”
Trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, nhà thơ Thanh Tùng là gương mặt quan trọng của văn học nghệ thuật Hải Phòng nói riêng, của nền văn học Việt Nam nói chung. Cuộc đời bươn chải nhưng phóng khoáng cùng tài năng thi ca đặc biệt khiến ông được giới văn nghệ sĩ và đông đảo công chúng yêu mến, kính trọng. Dù đã khuất, nhưng thơ ông, đặc biệt là thi phẩm “Thời hoa đỏ” vẫn ghi dấu một phong cách riêng và sẽ còn sống mãi với thời gian.
Cuộc đời bươn chải nhiều nghề và mối tình nồng nàn, say đắm.
Thanh Tùng (1935 - 2017) tên thật là Doãn Tùng, là con của nhà viết kịch Doãn An, mẹ là một người buôn bán nhỏ tảo tần nơi góc phố. Dù sinh ra tại thôn Cầu Gia, xã Gia Hòa, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định nhưng ông lớn lên và trưởng thành ở thành phố Hải Phòng. Chính vì thế, những bài thơ hay nhất, nổi tiếng nhất của ông đều viết về Hải Phòng. Ông lấy bút danh Thanh Tùng để tưởng nhớ người em trai Doãn Thanh, một sinh viên văn học không may mắc bệnh và qua đời sớm. Cái tên Thanh Tùng từ đó gắn liền với cuộc đời thi ca của ông và còn mãi trong lòng độc giả sau khi ông qua đời.

Thanh Tùng có thể hình cao lớn, sức vóc vạm vỡ của người con miền biển quen sống giữa sóng gió. Ông từng làm nghề khuân vác ở cảng Hải Phòng, sau đó chuyển sang làm công nhân đóng tàu. Nhờ trải nghiệm đời sống lao động vất vả, thơ ông thấm đẫm hơi thở đời thường và vị mặn của mồ hôi, như trong câu thơ: “Tôi bước lẫn trong những tấm lưng trần hầm hập/ Thấy mặn lòng từng vệt muối trắng vai”. Nhiều bài thơ được ông viết vội ngay trên tấm tôn trong xưởng.
Tính cách phóng khoáng, thích giao du đã đưa ông đến nghề áp tải hàng hóa, rong ruổi khắp nơi. Thanh Tùng vừa lao động mưu sinh vừa viết và kết giao với bạn thơ. Có một thời Thanh Tùng cùng vợ mở cửa hàng bán sách báo. Nhiều lần ông được mời tới các đơn vị, cơ quan và hội nghị để đọc và giao lưu thơ ca. Nhờ khả năng ứng tác nhanh và trình bày thơ truyền cảm, cuốn hút, năm 1997 ông được chọn đại diện các nhà thơ Việt Nam tham dự giao lưu thi ca tại Hy Lạp cùng đại biểu nhiều nước trên thế giới.
Trong những năm tháng mưu sinh, Thanh Tùng gặp người phụ nữ đất Cảng tên Thanh Nhàn, một thiếu phụ có nhan sắc đằm thắm và mặn mà. Tình yêu giữa người đàn ông lam lũ và người phụ nữ đẹp, mỗi người mang một thế giới khác biệt, đã nảy nở nồng nàn từ thơ và cũng gắn bó bằng thơ. Chính thơ đã se duyên để họ trở thành vợ chồng, và kết tinh tình yêu ấy là sự ra đời của cô con gái có tên Doãn Hoàng Lan Hương. Vì thương nhớ con trai riêng đang bắt đầu lập nghiệp nên Thanh Nhàn rời Hải Phòng về Quảng Ninh, mở quán nước mưu sinh và làm chỗ dựa tinh thần cho con. Dù chấp nhận chia tay, Thanh Tùng vẫn nhận nuôi con gái và giữ trọn tình cảm với người vợ cũ. Khi hay tin Thanh Nhàn qua đời vì bệnh tim, ông lập tức về Quảng Ninh để tiễn đưa người phụ nữ đã gắn bó một thời với mình.

Vào quãng những năm cuối của thế kỷ XX, nhờ sự mai mối của vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng, Thanh Tùng lập gia đình lần thứ hai khi ông đã 60 tuổi. Người vợ sau của ông nguyên là thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ, cũng là một độc giả yêu thơ ông. Hai vợ chồng ông vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây, nhờ sự giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, Thanh Tùng làm biên tập thơ cho Tạp chí Tài hoa trẻ. Cuộc sống miền đất mới lại tạo cảm hứng để ông vừa làm nhiệm vụ báo chí vừa tiếp tục sáng tác.
Cuộc đời nhiều thăng trầm, trải nghiệm qua nhiều nghề cùng tài ứng tác thơ độc đáo của Thanh Tùng đã trở thành chất liệu để cây bút Nguyễn Vũ Tiềm viết nên cuốn tiểu thuyết “Người tài hoa khờ dại” (NXB Hội Nhà văn, 2022). Tác giả bài viết này được bà quả phụ Nguyễn Thị Dậu, vợ nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm gửi tặng sách này cùng với cuốn tiểu thuyết “Thiên tài Bùi Giáng” sau khi nhà thơ về miền mây trắng chỉ chừng hai tháng.
Nhà thơ sống mãi với một Thời hoa đỏ
Trong sự nghiệp sáng tác, Thanh Tùng có 8 tập thơ và trường ca, gồm “Thời hoa đỏ”, “Con sông chảy từ lòng phố”, “Cửa sông”, “Trường ca Phương Nam”, “Gió và chân trời”, “Khúc hát quê xa”, “Cái ngày xưa ấy” và “Thuyền đời”. Ông từng được nhận các giải thưởng: Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm Hải Phòng năm 1993, Giải thưởng thơ viết về công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Giải Nhất cuộc thi thơ của Báo Người Hà Nội (nay là Tạp chí Người Hà Nội) và Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002.
Thanh Tùng có những bài thơ được một số nhạc sĩ chắp cánh thêm giai điệu. Trong đó, nổi tiếng là các bài “Thời hoa đỏ” (nhạc Nguyễn Đình Bảng), “Hà Nội ngày trở về” (nhạc Phú Quang)... Nhạc sĩ Phú Quang có nhận xét về thơ của Thanh Tùng như sau: “Tôi đã phổ của Thanh Tùng ba bài thơ “Người về”, “Hà Nội ngày trở về” và “Mùa thu giấu em”. Riêng bài “Hà Nội ngày trở về” thì câu hát “vội vã trở về, vội vã ra đi” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Phải thừa nhận, Thanh Tùng có những câu thơ thật thi sĩ, đọc một lần thì ám ảnh khôn nguôi. Ngoài cái tứ, thơ Thanh Tùng cũng giàu nhạc điệu…”
Thơ Thanh Tùng thiên về trực giác, gây ấn tượng cho bạn đọc bởi sự hồn nhiên, tinh tế bản năng. Điều ấy thể hiện từ câu mở đầu. Hình ảnh màu hoa đỏ trong thơ là hồi ức về một mối tình tuyệt đẹp, tràn đầy sức sống thanh xuân: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh?/ Chẳng chịu cho lòng ta yên”. Hình ảnh thời hoa đỏ trong nhan đề bài thơ được nhấn mạnh lần nữa trong câu thơ đầu “hoa như lửa cháy”, xuất hiện nhiều lần, tạo nên sắc màu chủ đạo chi phối cảm xúc toàn bài và hàm chứa nhiều ý nghĩa.
Thi phẩm “Thời hoa đỏ” được nhà thơ Thanh Tùng viết năm 1972 trong giai đoạn nhà thơ đang say đắm trong tình yêu. Con gái nhà thơ, chị Lan Hương đã chia sẻ: Năm 1973, tôi được sinh ra,15 năm sau, bố mẹ tôi mới chia tay. Tình yêu ở “Thời hoa đỏ” là cái đẹp cao thượng. Cha tôi tiếc cho những cuộc tình lỡ dở trong quá khứ của mẹ tôi: “Sao em không đi hết những ngày đắm say?”. Chị còn kể thêm: “Trước khi lấy bố tôi, mẹ tôi đã có hai đời chồng. Bố tôi ghen khủng khiếp, ghen với quá khứ, ghen với tất cả đàn ông. Bởi khi ấy mẹ tôi có một cửa hàng sách báo”… Người vợ cũ của Thanh Tùng ra đi ở tuổi 49 tại ngôi nhà nhỏ trên một quả đồi. Ông tiễn vợ bằng bài thơ có tên “Nước mắt”, trong đó có những câu: “Em chẳng hẹn bao giờ dài đến thế/ Dốc chẳng bao giờ cao đến thế/ Lời hẹn kia đã vào đất rồi/ Đỉnh dốc kia chẳng tới được em ơi... Chỉ còn nước mắt thôi/ Chỉ còn nước mắt thôi…” Biết bao nhiêu là thương xót và nhớ tiếc một nửa của đời mình ra đi về miền vô định. Tình thương yêu ấy thấm trong từng từ ngữ, từng câu thơ.
Trong “Thời hoa đỏ”, hình ảnh hoa phượng hiện lên với sắc đỏ như máu tươi, như lửa cháy, tượng trưng cho tình yêu một thời tuổi trẻ mãnh liệt, dại khờ với những tình cảm trong sáng, khao khát và lãng mạn. “Thời hoa đỏ” là một tứ thơ rất đẹp và độc đáo chỉ có Thanh Tùng mới sáng tạo ra. Đó là quãng đời rực rỡ nhất mà tạo hóa ban tặng cho con người: trẻ trung, yêu say đắm, tràn đầy nội lực sống. Hình ảnh “anh nắm tay em bước dọc con đường vắng” gợi lên một hồi ức lung linh giữa hai tâm hồn đồng điệu.
Thanh Tùng yêu vợ cháy đỏ đam mê và cả vụng dại. Những câu thơ hay nhất, ám ảnh tâm trí người đọc nhất là những câu thơ sau: “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ/ Hoa như mưa rơi rơi/ Như tháng ngày xưa ta dại khờ”. Giai điệu nhạc đã chắp cánh cho lời thơ thêm bay bổng. Sắc đỏ của hoa phượng ngập tràn trong khổ thơ và toàn bài với đậm đặc những hình ảnh đầy ấn tượng. Các từ láy tiếng “rơi rơi”, láy âm “mỏng manh”, “tan tác” được dùng đắt giá khiến trong thơ như có nhạc, bay bổng, nhẹ nhàng nhưng thấm vào từng đường gân thớ thịt, từng tế bào, mạch máu. Đó là sự rung cảm tinh tế của tâm hồn, của lòng người đang nhớ nhung và nuối tiếc những gì đẹp đẽ đã qua không bao giờ gặp lại nữa. Lời thơ như được chưng cất từ một trái tim yêu nồng nhiệt và từng nếm trải nhiều đau thương. Với Thanh Tùng, đúng như ông chia sẻ: “Tình yêu thơ là tình yêu bất hủ, có như thế tôi mới là nhà thơ, khi sáng tác những vần thơ hay ngâm nga nó, tôi cảm thấy tâm hồn mình thơ thới, bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến, chỉ còn ta với nàng thơ bất hủ”.
Năm 2019, hai năm sau nhà thơ Thanh Tùng về với miền mây trắng, Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản tuyển tập “Thời hoa đỏ” và tổ chức buổi Hội thảo “Còn đây một Thời hoa đỏ” với hàng chục tham luận ghi nhận, làm sáng rõ những giá trị thơ nổi bật và đóng góp của Thanh Tùng với nền thơ ca đương đại nước nhà. Bài thơ “Thời hoa đỏ” được lấy làm nhan đề một tập thơ in riêng của Thanh Tùng năm 2001, sau đó tập thơ được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 và được tái bản những năm sau đó. Giờ đây, nhà thơ Thanh Tùng đã đi xa nhưng nhiều sáng tác của ông, đặc biệt là đứa con tinh thần chung của ông với nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng là ca khúc “Thời hoa đỏ” vẫn tiếp tục sống mãi trong lòng công chúng yêu thơ và nhạc./.