Lý luận - phê bình

Người thiết kế nội thất để xây dựng nếp sống

Yến Ly 07/09/2023 05:48

Trong thế hệ xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc được giới hội họa biết đến là nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, người đưa khái niệm “công dụng, duyên dáng, bền chắc và tiết kiệm” vào thiết kế và sản xuất đồ gỗ. Đối với ông, “thiết kế nội thất là để xây dựng một nếp sống”.

hoa-si-trinh-huu-ngoc-2-.jpg
Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912 - 1997) là người đã thiết kế và làm toàn bộ nội thất đồ gỗ cho ngôi nhà lịch sử số 48 Hàng Ngang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam vào ngày 26/8/1945. Là chủ xưởng đồ gỗ MÉMO nổi tiếng một thời, ông đã góp gỗ và thợ cho công trình dựng đài tuyên ngôn độc lập tại Ba Đình; là người làm nội thất mới cho phòng khánh tiết và văn phòng Thị trưởng tại Ủy ban hành chính TP. Hà Nội giai đoạn 1964 – 1966. Ông cũng là người soạn giáo trình và dạy khóa sinh viên Trang trí Nội thất đầu tiên của trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Đó là những điều mà lịch sử đã ghi nhận. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau dòng chữ “Thiết kế nội thất là để thúc đẩy một nếp sống. Mắt nhìn tay vẽ là một lối Thiền ai cũng có thể theo được” trên mộ chí của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc là một cuộc đời đầy thăng trầm theo biến động lịch sử.

“Thành người tự do, rồi mới thành nghệ sĩ”

Trịnh Hữu Ngọc sinh ra tại Bắc Giang, mẹ mất sớm, còn cha thì làm việc trên tàu viễn dương. Tuổi thơ ông là những năm tháng sống cùng bà ngoại, được học tiếng Pháp và quốc ngữ ở tiểu học tại Bắc Giang. Năm 10 tuổi, dù không có tiền mua vé tàu nhưng Trịnh Hữu Ngọc vẫn một mình bằng mọi cách vào Sài Gòn tìm cha. Từ đây tạo nên bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông, khi được người hàng xóm ở Sài Gòn là một mệnh phụ người Pháp hướng dẫn tự học, thuê chép văn bản, làm thông dịch và được giới thiệu để có cơ hội lui tới thư viện trường vẽ Gia Định.

do-go-2.jpg

Về sau, dù thi đậu công chức nhà nước Pháp và được bổ làm thư ký Sở Bưu điện Sài Gòn, cưới được trưởng nữ của một nhà khắc dấu khá giả nhưng ông vẫn quyết thôi việc ở bưu điện để theo học trường vẽ Gia Định. Cuộc đoàn tụ với cha ở Sài Gòn chưa được lâu thì ông bị cha đoạn tuyệt vì phản đối việc học vẽ. Thế là ông bỏ lại tất cả cơ hội ở Sài Gòn và đưa vợ về Bắc Giang. Năm 1933, Trịnh Hữu Ngọc thi đậu khoa Hội họa của trường Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) khóa 9 và được học bổng của trường. Ngoài việc học, ông tham gia Hội Hướng Đạo sinh Việt Nam và trở thành bạn chí cốt với nhà cách mạng Hoàng Đạo Thúy cho đến mãi về sau.

Năm 1938, khi vừa tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, được bổ về một tỉnh Bắc Kỳ làm thanh tra mỹ thuật học vụ nhưng ông không nhận. Ngay sau đó, ông thực hiện một chuyến đi vẽ bằng xe đạp từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Quyết định sinh sống bằng trang trí nội thất, thiết kế và sản xuất đồ gỗ quý, ông mở xưởng gỗ MÉMO tại Hà Nội. Đây cũng là xưởng trang trí nội thất và làm đồ gỗ kiểu mới đầu tiên ở Việt Nam. Theo dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ, con trai cố nghệ sĩ Trịnh Hữu Ngọc thì: “MÉMO là ở chữ mémoire, muốn nói rằng ai đã dùng đồ của mình là sẽ nhớ mãi”. Từ năm 1938, nhiều công trình thiết kế và xây dựng đồ gỗ quan trọng cấp trung ương đến địa phương hay nội thất gia đình đều có sự góp mặt của xưởng MÉMO và tên tuổi nhà thiết kế Trịnh Hữu Ngọc.

Cũng trong năm 1939, hơn 10 bức tranh của ông đã được trao Huy chương Vàng Hội họa và sản phẩm nội thất gỗ MÉMO 47 (số 47 Hàng Đậu) được Huy chương Bạc tại triển lãm của Hội Việt Nam Mỹ thuật Kỹ nghệ do họa sĩ Victor Tardieu sáng lập.

Khi họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc mua được đất làm nhà ở và phòng vẽ trên núi Ba Vì, nơi có thể nhìn thấy sông Đà ôm theo chân núi để “độc bắc lưu”, ấy là nơi thường lui tới của nhiều bạn hướng đạo thân thiết như nhà thơ Quang Dũng, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, các họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, Tạ Thúc Bình, các bác sĩ Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng, nhà cách mạng Hoàng Đạo Thúy…

Những thăng trầm đối nghịch như lúc cái chết cận kề khi đang bị bịt mắt dẫn đến cọc hành quyết thì có lệnh ngừng ở nhà tù Hỏa Lò của Pháp vì bị buộc tội là Việt Minh, hay là khi ông từ chối di cư sang Pháp hoặc vào Sài Gòn theo sắp đặt của Pháp năm 1954, rồi từ chối sự đầu tư của Quốc trưởng Bảo Đại vào MÉMO chỉ càng làm bật lên nhân cách người nghệ sĩ tự do luôn mong ngày đất nước độc lập mà theo lời ông Trịnh Hữu Tuấn (con trai cố họa sĩ) thì với cụ Ngọc, “mơ mãi mới có độc lập, mà Việt Minh hay gì đi nữa thì vẫn là người mình, không thể tệ như giặc được” và “thành người tự do, rồi mới thành nghệ sĩ”.

Dù bận rộn, chật vật với cuộc sống mưu sinh ra sao, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc vẫn không quên thử nghiệm sơn mài, tìm công thức làm vóc sơn mài mỏng, nhẹ, có thể chịu được mọi khí hậu mà không bị cong vênh nứt vỡ và đưa màu sắc tươi sáng cùng lối vẽ ấn tượng vào trực họa sơn mài. Cùng với đó, ông vẫn dành thời gian thực hiện những chuyến đi vẽ xa nhiều ngày đến các nơi như: vịnh Hạ Long, nông trường sữa và vùng quê xung quanh núi Ba Vì, vùng biên giới phía Bắc…

“Thiết kế nội thất là để xây dựng một nếp sống”

Khi lịch sử nước ta bước vào thời kỳ xã hội mới, nhận chiến lược thí điểm từ Tổng cục Lâm nghiệp và Bộ Nội thương cho việc phát triển lâm nghiệp, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc phác thảo bộ thiết kế “Mẫu hàng mộc mới”, cho việc sản xuất đồ gỗ hàng loạt, với giấc mơ lãng mạn về một xã hội chủ nghĩa xã hội mới, nơi con người thực sự hạnh phúc trong cuộc sống hài hòa bền vững với thiên nhiên. Ông khởi xướng đường lối dùng nội thất để góp phần xây dựng nếp sống và nếp làm việc mới cho các đơn vị xã hội khác nhau với tiêu chuẩn đẹp là: “Ít công; ít gỗ; đáp ứng nhu cầu sử dụng, không thiếu, không thừa; có thể làm hàng loạt một số bộ phận, gá lắp thành nhiều mặt hàng; không thủ cựu; không công thức; vượt khỏi cái cũ không hợp lý để đến với cái mới hợp lý; đảm bảo sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ, đẹp”(1)… Dù dự án này sau đó bị gác lại vì tình hình mới, cho đến khi ông về công tác tại trường Mỹ thuật Công nghiệp và đưa bộ môn Thiết kế đồ mộc thành khoa Trang trí nội thất đầu tiên của trường - Tại đây, ông soạn giáo trình giảng dạy theo tư tưởng thiết kế nội thất là để xây dựng một nếp sống Việt Nam theo hướng “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”, phù hợp với thực trạng kinh tế và hướng phát triển chung của miền Bắc xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ. Có thể thấy rằng, trong tư tưởng này của ông, khi bắt đầu thiết kế sản phẩm nội thất, không chỉ chú trọng thẩm mỹ mà còn cần xác định rõ thái độ, mục đích sử dụng, tính đa năng/ sự tiện dụng (nguyên vật liệu sẵn có tại chỗ) cũng như tính bền vững và tiết kiệm.

do-go.jpg

Trong phác thảo thiết kế hệ thống đài liệt sĩ từ trung ương đến địa phương hay là sản phẩm nội thất gia dụng hằng ngày, ông đều hướng đến mục đích xây dựng thái độ và nếp sống mới, bắt chước cổ nhân ở hoàn cảnh môi trường thích hợp, tận dụng thiết kế theo lối bình cũ rượu mới cũng như tạo mẫu dáng mới phù hợp thời đại. Nếp sống mới của người tử tế mà ông muốn hướng đến thông qua thiết kế đồ nội thất đó là: Không bày hàng khoe của/ phô trương; không bày biện theo lối lai căng/ bắt chước lố; không coi trọng đồ phụ tùng hơn cuộc sống chính; không sống tạm qua ngày - nhầm lẫn giữa giản dị với cẩu thả; không nhầm lẫn cái đẹp với cái cầu kỳ, nhầm khả năng kinh tế với khả năng sáng tạo - bởi trong nghèo khó giản tiện vẫn có thể thu xếp được nội thất tinh tế.(2)

Như vậy, có thể nói rằng, bên cạnh nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy khẳng định người “Hà Nội thanh lịch” là “người cần cù, cứng rắn, vẻ thanh lịch, đôi lúc hào hoa, yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã, nói lời văn vẻ dễ nghe, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm, hay động lòng vì việc nghĩa, tình người, ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằn kệch cỡm, hoạnh họe, lố lăng, đê tiện…” thì nhà thiết kế nội thất Trịnh Hữu Ngọc cũng mong muốn xây dựng và duy trì những nét thanh lịch đó trong nếp sống mới không chỉ của người Hà Nội mà với toàn dân tộc ta trong bối cảnh mới. Thế mới hiểu vì sao hai cụ là bạn chí cốt của nhau!

Cho đến nay, các sản phẩm nội thất gỗ của MÉMO hoặc gắn liền với nhà thiết kế Trịnh Hữu Ngọc vẫn còn được lưu giữ và sử dụng ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với dấu ấn phong cách mỹ thuật Đông Dương. Đó là các sản phẩm đã thành di vật lịch sử quốc gia hay đồ gỗ nội thất như bàn, ghế, giường, tủ, rèm cửa… từ phòng khách đến phòng ngủ vẫn còn được nhiều gia đình lưu dùng và chưa phải sửa chữa gì dù đã trải qua mấy thế hệ.

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc qua đời năm 1997 tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội ở tuổi 85. Lúc đương thời, ông chỉ có một triển lãm duy nhất ở Hà Nội từ ngày 7 – 27/4/1988. Họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ, cụ Ngọc không viết di chúc cho con cháu mà chỉ dặn rằng: “Các con lớn cả rồi, biết phải sống với nhau thế nào rồi. Mà bố cũng chẳng có gì để lại cho các con, ngoài ý thức sống tự lập và khả năng biết vẽ biết đàn, biết học biết làm tử tế mọi việc cần làm…”

(0) Bình luận
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • “Bay qua Hồ Gươm” - trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội
    “Mơ là bồ câu trắng/ Bay qua Hồ Gươm xanh”, tác giả Huỳnh Mai Liên đã bật lên khao khát muốn được trở thành cánh chim nhẹ nhàng và tự do khám phá bầu trời Hà Nội ở cuối bài thơ Bay qua Hồ Gươm (cũng là tên tập thơ). Dường như cũng từ giấc mơ này, nhà thơ đã viết ra những vần thơ kể chuyện dẫn lối người đọc ngắm nhìn Hà Nội từ cao đến thấp, từ xa đến gần.
  • Thơ truyền thống trong thời đại số
    Thơ truyền thống là loại thơ viết theo đúng niêm luật, thường bó buộc trong các thể loại: Lục bát, Đường luật (Nhất, tam ngũ bất luận), song thất lục bát, thơ (bốn, năm, sáu, bẩy, tám) chữ… phải có vần điệu, cấu tứ rõ ràng và ngôn từ là phương tiện để nhà thơ biểu đạt, giãi bày tình cảm, tư tưởng tinh thần của tác giả. Trong thời đại số, thơ truyền thống vẫn được nhiều tác giả tiếp nối nhưng theo một hình thức mới, nội dung mới và nhà thơ không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn phép nào.
  • 50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế
    Hội nghị Lý luận, phê bình Văn học lần thứ V diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội, quy tụ những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình hàng đầu. Với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”, hội nghị đã làm nổi bật bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam...
  • Thị trường nghệ thuật Việt Nam: Chuyên nghiệp để bứt phá
    Nghệ thuật Việt Nam gần đây thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước. Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam không chỉ được công nhận về mặt giá trị nghệ thuật mà còn đạt được mức giá cao, phản ánh sự gia tăng sức hút và quan tâm của các nhà sưu tầm, người yêu mỹ thuật, cũng như các hãng đấu giá quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Người thiết kế nội thất để xây dựng nếp sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO