Lý luận - phê bình

Khúc tình thu – một khát khao giao cảm

Lời bình của TS. Đỗ Anh Vũ 15:55 09/09/2023

Mùa thu từ cổ chí kim vốn đã là nguồn cảm hứng bất tận cho bao thế hệ thi sĩ. Thơ tình về mùa thu của người Việt, chỉ tính từ thời Thơ Mới đến nay cũng đã có rất nhiều, thậm chí nhiều bài trong số đó đã được phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng như “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư (Phạm Duy, Hữu Xuân phổ nhạc), “Tỳ bà” của Bích Khê (Phạm Duy phổ nhạc), “Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh (Phan Huỳnh Điều phổ nhạc), “Khúc mùa thu” của Hồng Thanh Quang (Phú Quang phổ nhạc), “Yên tĩnh” của Giáng Vân (Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc “Đâu phải bởi mùa thu”)…

anh-dep-ve-mua-thu-ha-noi_110718181.jpg

Mùa thu

Tăm cá vỡ mặt hồ

Sóng chạm vào nỗi nhớ

Tới em

Mùa thu

Tiếng chim gù

Cuối phố

Em còn nhìn bỡ ngỡ

Hai mắt tròn như đôi tiếng chim

Khi lặng lẽ khẽ tìm

Một chấm hè son trên cành phượng

Cái tuổi biết yêu thu đầy mộng tưởng

Mà ngày ơi đã ngắn dần rồi

Thu về chín vỡ trong tôi

Hương bao trái lạ rối bời lời chim

Thu đi để lại bên thềm

Nghìn con mắt lá đang nhìn về đâu

Chúng mình đã lỡ thương nhau

Đừng như thu rụng đôi màu lá thu

Lâm Huy Nhuận

Trong cả một rừng những thi phẩm ấy, “Mùa thu” của Lâm Huy Nhuận vẫn tìm ra được một lối đi riêng. Phần ghi chú về ngày tháng cho ta biết bài thơ được viết từ năm 1978 nhưng mãi hơn 20 năm sau mới được in vào tập thơ “Chiều có thật” (1999), một tập thơ tình nổi tiếng của người con trai thi sĩ Yến Lan.

“Mùa thu” của Lâm Huy Nhuận là một tiếng lòng sẻ chia, một khát khao tình yêu của thi sĩ được bày tỏ qua tiếng nói người con trai. Người yêu lúc này không ở bên, có một khoảng cách xa nhau nhất định, nên thi phẩm mới mở ra bằng nỗi nhớ: “Tăm cá vỡ mặt hồ/ Sóng chạm vào nỗi nhớ/ Tới em”.

Khổ thơ thứ nhất chỉ gồm ba câu. Tình thu mở ra thật khẽ khàng bởi âm thanh rất mỏng, nhẹ. Chỉ là một tiếng tăm cá vỡ. Hình ảnh là cái đập vào mắt ta nhiều hơn. Từ cái mong manh của tăm cá vỡ ấy, những con sóng của nỗi nhớ người yêu cứ lan dần, lan dần.

Mạch thơ chuyển từ xa về gần. Khổ thứ hai cũng gồm ba dòng nhưng số chữ lại ngắn hơn khổ trước, chỉ gồm 7 từ: “Mùa thu/ Tiếng chim gù/ Cuối phố”.

Nếu như khổ thơ đầu nghiêng về hình ảnh thì khổ thứ hai nghiêng về âm thanh. Tiếng chim mùa thu nổi lên và dường như đó là tiếng chim gọi bạn, tiếng chim tìm bạn. Nhưng “cuối phố vẫn còn xa quá, nhịp thơ tiếp tục tiến về gần hơn với lòng mình để hiện ra bóng dáng một người con gái: “Em còn nhìn bỡ ngỡ/ Đôi mắt tròn như đôi tiếng chim”.

Câu thơ thật đẹp và gợi cảm. Tả về đôi mắt của người yêu mà lại tả bằng tiếng chim, không những thế, phải là “đôi tiếng chim”, nghĩa là âm thanh của tình tự, của đôi lứa. Đôi mắt ấy không lời mà giống như đã nói bao điều. Sau khi đã xuất hiện những hình ảnh mùa thu, âm thanh mùa thu thì bây giờ ta bắt gặp những màu sắc: “Khi lặng lẽ khẽ tìm/ Một chấm hè son trên cành phượng/ Cái tuổi biết yêu thu đầy mộng tưởng/ Mà ngày ơi đã ngắn dần rồi”.

Lạ! Đang nói thu bỗng đột ngột dịch chuyển thời gian ngược về mùa hè. Thì ra lòng người đang sợ thời gian trôi đi quá nhanh. Thời gian trôi đi nhanh thì e rằng những ngày tháng yêu nhau cũng dường như ngắn lại. Bởi thế thu vẫn còn đang ở đây mà phải níu kéo những chấm son trên cành phượng và thấy thời gian trôi đi thật rõ rệt, nằm ngoài sự kiểm soát của con người: “Mà ngày ơi đã ngắn dần rồi.

Sau ba khổ với nhịp thơ tự do lúc trầm bổng khoan thai, lúc hối hả níu kéo, khổ cuối của thi phẩm gồm 6 câu bỗng chuyển về thể lục bát đều đặn ngọt ngào như thể thi sĩ không còn che giấu được lòng mình. Đó chính là sự bảy tỏ tình yêu một cách nồng nàn nhất, tha thiết nhất với người con gái của anh:

Thu về chín vỡ trong tôi/ Hương bao trái lạ rối bời tiếng chim/ Thu đi để lại bên thềm/ Nghìn con mắt lá đang nhìn về đâu/ Chúng mình đã lỡ thương nhau/ Đừng như thu rụng đôi màu lá thu”.

Ta thấy một kết cấu vòng tròn thật đẹp mắt đã xuất hiện trong thế tương ứng từng cặp hình ảnh với những khổ thơ đã xuất hiện trước đó. Từ “tăm cá vỡ” ở khổ một phát triển thành “thu về chín vỡ”. Từ “tiếng chim gù cuối phố” đã chuyển thành “rối bời tiếng chim”. Từ đôi mắt của người yêu nay tương ứng với “nghìn con mắt lá”. Nếu như ở những khổ thơ trước đã xuất hiện đầy đủ các hình ảnh, âm thanh, màu sắc thì đến khổ này xuất hiện tiếp làn hương (“hương bao trái lạ”) như thể cho đầy đủ cảm nhận của tất cả những giác quan. Và làn hương của trái lạ - trái mùa thu – trái tình yêu ấy cứ làm lòng người xao xuyến rưng rưng mãi, đến độ phải bật thành lời, thành một khát vọng tình yêu: “Chúng mình đã lỡ thương nhau/ Đừng như thu rụng đôi màu lá thu

Người phương Tây gọi mùa thu là mùa lá rụng, mùa của những chiếc lá lìa cành. Những sắc vàng sẽ nhuộm dần những tàn phai để rồi chia đôi hai nửa, khác biệt với những chiếc lá xanh còn sót lại. Thi sĩ ước nguyện đừng bao giờ có sự chia lìa ấy bởi lứa đôi yêu nhau phải là một sự thống nhất, hòa hợp nguyên vẹn như thể làn hương duy nhất, thanh âm duy nhất, sắc lá duy nhất. Giọng thơ nồng nàn mà vẫn kín đáo bởi tác giả dùng chữ “thương” chứ không dùng chữ “yêu”. Chữ “lỡ” đi trước cho ta cảm giác tình yêu đến lúc nào chẳng hay, nhẹ nhàng mà cũng quá đỗi bất ngờ; nhưng vô cùng tự nhiên như thể một tất yếu.

Từ đầu đến cuối thi phẩm là lời ngỏ của chàng trai. Đất trời mùa thu và tình yêu của lòng người dần được bày tỏ, thổ lộ, đi từ xa về gần. Mùa thu từ chỗ như mới đến đã dâng lên đến đỉnh điểm nồng nàn nhất: “chín vỡ”. Dường như cô gái cũng đã nghe thấy được những tỏ bày rất đỗi chân thành này, để tình yêu của chàng trai không phải là mối tình của một kẻ đơn phương. Ta thầm mong sao đôi lứa ấy sẽ đi đến tận cùng của một tròn đầy: “Đừng như thu rụng đôi màu lá thu”./.

Bài liên quan
  • Người tiên phong xã hội hóa nghệ thuật múa
    “Tôi sẽ là nhà đầu tư, là đạo diễn, biên đạo, là thiết kế phục trang, sân khấu, là nhân viên ánh sáng, người phục vụ diễn viên, là người đánh máy, đi chạy từng thủ tục…
(0) Bình luận
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • “Bay qua Hồ Gươm” - trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội
    “Mơ là bồ câu trắng/ Bay qua Hồ Gươm xanh”, tác giả Huỳnh Mai Liên đã bật lên khao khát muốn được trở thành cánh chim nhẹ nhàng và tự do khám phá bầu trời Hà Nội ở cuối bài thơ Bay qua Hồ Gươm (cũng là tên tập thơ). Dường như cũng từ giấc mơ này, nhà thơ đã viết ra những vần thơ kể chuyện dẫn lối người đọc ngắm nhìn Hà Nội từ cao đến thấp, từ xa đến gần.
  • Thơ truyền thống trong thời đại số
    Thơ truyền thống là loại thơ viết theo đúng niêm luật, thường bó buộc trong các thể loại: Lục bát, Đường luật (Nhất, tam ngũ bất luận), song thất lục bát, thơ (bốn, năm, sáu, bẩy, tám) chữ… phải có vần điệu, cấu tứ rõ ràng và ngôn từ là phương tiện để nhà thơ biểu đạt, giãi bày tình cảm, tư tưởng tinh thần của tác giả. Trong thời đại số, thơ truyền thống vẫn được nhiều tác giả tiếp nối nhưng theo một hình thức mới, nội dung mới và nhà thơ không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn phép nào.
  • 50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế
    Hội nghị Lý luận, phê bình Văn học lần thứ V diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội, quy tụ những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình hàng đầu. Với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”, hội nghị đã làm nổi bật bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam...
  • Thị trường nghệ thuật Việt Nam: Chuyên nghiệp để bứt phá
    Nghệ thuật Việt Nam gần đây thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước. Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam không chỉ được công nhận về mặt giá trị nghệ thuật mà còn đạt được mức giá cao, phản ánh sự gia tăng sức hút và quan tâm của các nhà sưu tầm, người yêu mỹ thuật, cũng như các hãng đấu giá quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP Hà Nội
    Bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Quang Đức, nguyên Trưởng ban Nội chính, được cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố do được phân công công tác khác.
  • Cơ hội tăng trưởng cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam
    Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025).
Đừng bỏ lỡ
Khúc tình thu – một khát khao giao cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO