Lý luận - phê bình

Một dòng chảy nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai

TS. Đỗ Anh Vũ 16/08/2023 05:51

Nhận định về diện mạo nền văn học của mỗi dân tộc, đứng về đại thể có thể chia làm hai khu vực lớn: văn học dân gian và văn học thành văn. Hai dòng chảy này vừa phát triển song song vừa tương hỗ cho nhau, mỗi dòng chảy mang trong mình những đặc điểm, phong cách riêng biệt.

mot-dong-chay(1).png

Từ trước đến nay, khi bàn về văn học sử, nhiều người nghĩ văn học dân gian đã được đóng khung gọn ghẽ trong các tuyển tập truyện cổ, câu đố, trong các cuốn từ điển thành ngữ tục ngữ, ca dao. Nhưng thực ra, văn học dân gian vẫn không ngừng phát triển trong suốt hơn hai mươi thế kỷ qua cùng văn học thành văn và ở mỗi chặng đường đều để lại những dấu ấn riêng biệt. Đó là lí do để PGS.TS. Trần Thị Trâm cho ra đời chuyên luận với tên gọi: “Văn học dân gian Việt Nam sau 1986” (Nxb Văn học, 2022).

Chuyên luận được chia làm hai phần. Phần I là phần khảo cứu, gồm hai chương lớn: Đặc điểm phát triển của văn học dân gian Việt Nam sau 1986Sự hóa thân của văn học dân gian trong các hình thức văn hóa dân tộc. Phần II sưu tầm, tuyển chọn một số tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu trong giai đoạn từ 1986 trở lại đây, bao gồm ba thể loại chính là thành ngữ tục ngữ, ca dao và truyện cười, trong đó có phân định rõ về các tác phẩm văn học dân gian ra đời từ 2020 trở lại đây, gắn với đại dịch Covid-19.

Ở phần khảo cứu, tác giả Trần Thị Trâm đã chỉ ra rằng, có thể phân loại văn học dân gian Việt Nam thành ba giai đoạn lớn là văn học dân gian cổ truyền (từ 1945 trở về trước), văn học dân gian 30 năm kháng chiến (1945 - 1975) và văn học dân gian tính từ Đổi Mới 1986 trở đi. Theo tác giả, văn học dân gian tự xây dựng một trường đặc điểm thẩm mỹ riêng, có một quan niệm nghệ thuật riêng về cái đẹp. Theo đó, trong cái nhìn dân gian, cái đẹp thường mang một vẻ đẹp giản dị và hài hòa trọn vẹn cả hình thức cũng như nội dung: “Người xinh cái bóng cũng xinh”. Trong trường hợp cần chọn lấy một thì nội dung bao giờ cũng quan trọng hơn hình thức: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Cái nết đánh chết cái đẹp”.

Nền văn học dân gian hiện đại, nhất là tính từ 1986 trở đi, có những đặc điểm riêng, khác với các giai đoạn trước đó. Cụ thể, có sự khác biệt về tác giả và công chúng tiếp nhận. Trình độ của người viết lẫn người thưởng thức ngày càng tăng cao, nhờ đó văn học dân gian phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, gia tăng được chất triết luận, trí tuệ và hài hước. Văn học dân gian giai đoạn sau 1986 còn có sự hỗ trợ mạnh mẽ của internet và mạng xã hội, giúp cho các tác phẩm dễ dàng đến với công chúng, có được sự lan tỏa mạnh mẽ cũng như có được những trau chuốt, chỉnh sửa kịp thời để chất lượng được gia tăng.

Sự khác biệt tiếp theo của văn học dân gian giai đoạn sau 1986 là sự thu hẹp nội dung phản ánh. Nếu như văn học dân gian cổ truyền là cuốn bách khoa toàn thư của dân tộc thì văn học dân gian thời hiện đại chỉ tập trung hướng tới những vấn đề nhạy cảm, phanh phui những điều khuất tất trong đời sống xã hội, được thể hiện qua góc nhìn hài hước: “Mỗi tuần một cuộc giao ban/ Lại bàn những chuyện đã bàn hôm qua, Thanh tra thanh mẹ thanh gì/ Cứ có phong bì là nó thanh kiu”. Phong cách nhại/ giải thiêng được sử dụng nhiều trong văn học dân gian đương đại. Nếu như trước đây, trong dân gian có câu “Trẻ xông pha già gương mẫu” thì bây giờ câu tục ngữ này có biến thể là” Trẻ không chơi, già đổ đốn”. Tương tự như thế, có thể kể đến hàng loạt các biến thể như: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ… chạy”, “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng ăn nhổ toẹt lầu bầu kêu điên”, “Đất lành chim đậu/ Đất nhậu chim thành mồi”...

Nhiều tác phẩm kinh điển cũng được/ bị nhại, đôi khi chỉ mang tính chất đùa vui, chẳng hạn nhại Truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Ai ai cũng phải thở ra hít vào”. Cũng trong giai đoạn văn học dân gian hiện đại, xuất hiện nhiều nhà thơ sáng tác theo phong cách dân gian như Bút Tre Đặng Văn Đăng, Nguyễn Bảo Sinh, Văn Thùy… Nhiều câu thơ của họ được nhân dân nồng nhiệt đón nhận và coi đó là ca dao: “Anh đi đồng ruộng lắng nghe/ Lúa mừng phân bắc khoai che mảnh vườn”, “Ghế thì ít, đít thì nhiều/ Cho nên đấu đá là điều tất nhiên”, “Đái thì đứng ở ngoài đường/ Hôn nhau lại đứng sau tường để che”…

Bắt đầu từ cuối 2019, khi đại dịch Covid xuất hiện trên thế giới và lây lan về Việt Nam, ảnh hưởng to lớn tới toàn bộ đời sống xã hội, văn học dân gian lập tức xuất hiện kịp thời để phản ánh, sáng tác, vừa mang tính chất tuyên truyền phổ biến giáo dục, góp phần giúp người dân chống lại bệnh dịch, vừa tạo ra tiếng cười lạc quan để động viên con người vượt lên hoàn cảnh khó khăn: “Bao người đang sống yên lành/ Bỗng đùng một cái hóa thành ép không (F0)”, “Ngày xưa sợ nhất sấm to/ Bây giờ sợ nhất người ho cạnh mình”, “Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép không (F0)”.

Cái nhìn hài hước, thông minh của dân gian đã làm nhẹ nhàng cả những chuyện nghiêm trọng nhất, khiến ai ai cũng có thể bật lên tiếng cười sảng khoái. Chẳng hạn dân gian đã chiết tự chữ Covid như sau trong mùa đại dịch: “C = cắt giảm chi tiêu. O = ổn định cuộc sống, V = vệ sinh sạch sẽ, I = ít tụ tập, D = đầu tư sức khỏe, trí tuệ”.

Có thể nói, văn học dân gian thời Covid vừa mang tính thời sự cao, vừa có giá trị cung cấp kiến thức, vừa góp phần nâng đỡ tinh thần, ổn định xã hội. Không chỉ có tục ngữ ca dao thời Covid, nhiều truyện cười cũng được ra đời, ngắn gọn mà dí dỏm, dễ thương. Chẳng hạn: “Thấy vợ vừa rửa bát vừa khóc nức nở, chồng chạy tới hỏi: - Sao mà em khóc ghê thế? – Em bị dính Covid rồi. – Sao em biết? – Em vừa úp bát mì ăn mà không cảm thấy mùi vị gì. Chồng nhìn quanh và nói: - Gói gia vị vẫn còn đây mà. - Ối! Em quên. Thảo nào…”.

Trong phần II của chuyên luận, riêng phần thu thập các tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu thời Covid, tác giả Trần Thị Trâm đã gửi tới độc giả 60 câu thành ngữ tục ngữ, 150 câu ca dao và 40 truyện cười. Còn trong giai đoạn văn học dân gian từ 1986 đến 2019, tác giả gửi tới bạn đọc 500 câu thành ngữ tục ngữ, 500 câu ca dao và 500 truyện cười tiêu biểu.

Cũng trong chuyên luận này, PGS.TS. Trần Thị Trâm cũng khẳng định rằng, văn học dân gian còn tạo ra một giá trị to lớn là hóa thân vào nhiều tác phẩm báo chí cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, hội họa… Có thể kể đến các biểu hiện tiêu biểu như cách đặt tên tác phẩm, cách đưa thành ngữ tục ngữ ca dao vào tác phẩm, cách khai thác và chọn lựa đề tài, cách dùng văn học dân gian làm câu hỏi trong các game show truyền hình…

Tóm lại, với chuyên luận “Văn học dân gian Việt Nam sau 1986” gần 450 trang, PGS.TS Trần Thị Trâm đã mang đến cho người đọc một bức tranh toàn cảnh đầy thú vị về sự phát triển của dòng văn học này trong giai đoạn hiện đại và đương đại, qua đó khẳng định sức sống mãnh liệt của văn học dân gian người Việt. Rõ ràng văn học dân gian không chỉ thuộc về quá khứ mà nó còn là câu chuyện của hiện tại và mai sau. Sự đồng hành của văn học dân gian bên cạnh văn học thành văn mang đến một bức tranh đa sắc màu cho nền văn học dân tộc, khẳng định được những đóng góp quý báu, những giá trị to lớn của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.

Bài liên quan
  • Thi nhân xứ Đoài trong không gian văn hóa kinh kỳ
    Xứ Đoài thuộc không gian địa lý Sơn Tây, là vùng trọng yếu của Thăng Long xưa - Hà Nội nay và cũng là vùng “địa linh nhân kiệt” với nhiều danh nhân kỳ hùng, mang nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc, có truyền thống lâu đời.
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • Trường THCS Xuân La: Viết tiếp trang sử vàng truyền thống
    Hòa chung không khí hân hoan của cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11, Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy năm học 2024.
Đừng bỏ lỡ
Một dòng chảy nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO