Thi nhân xứ Đoài trong không gian văn hóa kinh kỳ
Xứ Đoài thuộc không gian địa lý Sơn Tây, là vùng trọng yếu của Thăng Long xưa - Hà Nội nay và cũng là vùng “địa linh nhân kiệt” với nhiều danh nhân kỳ hùng, mang nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc, có truyền thống lâu đời.
Địa - Văn hóa, con đường tiếp cận thơ xứ Đoài
Phương pháp nghiên cứu “Địa-Văn hóa” (Géo-Culture) cho phép chúng ta tiếp cận những không gian văn hóa vốn đa dạng và phong phú trên mọi miền đất nước. Từ đó có thể “chạm” đến văn hóa xứ Kinh kỳ (Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội), xứ Kinh Bắc (Bắc Giang - Bắc Ninh - Lạng Sơn - Hưng Yên), xứ Đất Tổ (Phú Thọ), xứ Đoài (Sơn Tây trước đây, Hà Tây sau này), xứ Nghệ (Nghệ An - Hà Tĩnh), xứ Huế (Thừa Thiên - Huế), xứ Nẫu (Phú Yên - Bình Định)... Trong phạm trù văn hóa tuyệt nhiên không có sự phân biệt đẳng cấp cao thấp, chỉ có duy nhất bản sắc (sự khác nhau) tạo nên sự đa dạng trong tình thế dung chấp.
Xứ Đoài thuộc không gian địa lý Sơn Tây, là vùng trọng yếu của Thăng Long xưa - Hà Nội nay và cũng là vùng “địa linh nhân kiệt” với nhiều danh nhân kỳ hùng, mang nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc, có truyền thống lâu đời. Tản Đà (1889-1939, quê Bất Bạt, Sơn Tây) là thi nhân tiêu biểu nhất xứ Đoài thời hiện đại. Trong sách “Thi nhân Việt Nam”, các tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân đã biểu dương một đội ngũ tuy không hùng hậu về số lượng (chỉ có 45 gương mặt thơ tiêu biểu nhất), nhưng được tuyển chọn kỹ lưỡng trở thành tinh tuyển của phong trào Thơ mới Việt Nam thời kỳ 1930-1945. Ngay đầu sách là vị trí vô đối của Tản Đà. Nguyễn Khắc Hiếu làm thơ lấy bút danh Tản Đà là ngụ ý mình sinh ra ở nơi linh thiêng trời đất (núi Tản, sông Đà). Các tác giả “Thi nhân Việt Nam” đã suy tôn Tản Đà ở ngôi vị số một bởi: “Có tiên sinh, người ta sẽ thấy rõ chúng tôi không phải là những quái thai của thời đại, những đứa con thất cước không có liên lạc gì với quá khứ của giống nòi”. Rõ ràng Tản Đà đã có công lao lớn khi thổi vào thơ ca thời hiện đại một luồng gió mới mẻ của tâm hồn Việt Nam, phá vỡ những lề luật, khuôn sáo cũ qua các siêu phẩm thơ của mình (Lên sáu, Lên tám, Còn chơi, Tản Đà tùng văn, Thề non nước...). Nhận định của Vũ Ngọc Phan là ngắn gọn, đầy đủ nhất: “Tản Đà chỉ là một nhà thơ, văn vần của ông rực rỡ thế nào, văn xuôi của ông lu mờ thế ấy. Thơ của ông giản dị, trong sáng, lại diễn tả tâm hồn Việt Nam đủ mọi vẻ, mọi màu, nên thơ ông quyết nhiên sẽ là thơ bất hủ, và có lẽ trên thi đàn gần đây, ông đứng vào bậc nhất” (Nhà văn hiện đại).
Nhiều thế hệ người Việt Nam bất luận lý do nào đều có thể ngâm nga: “Nước non nặng một lời thề/ Nước đi đi mãi không về cùng non/ Nhớ nhời nguyện nước thề non/ Nước đi chưa lại non còn đứng không/ Non cao những ngóng cùng trông/ Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày. (...)/ Nước kia dù hãy còn đi/ Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui/ Nghìn năm giao ước kết đôi/ Non non nước nước không nguôi nhời thề” (Thề non nước). Yêu nước có nhiều cách biểu hiện, như thơ Tản Đà là một cách kín đáo, tế nhị, bền lâu.
Thi nhân xứ Đoài qua đôi mắt người Sơn Tây
Có thể coi Quang Dũng (1921-1988), quê Đan Phượng, Hà Tây là một “truyền nhân” của bậc tiền bối Tản Đà - ngôi sao sáng nhất của thi nhân xứ Đoài. Quang Dũng tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ kháng chiến chống Pháp. Những tác phẩm thơ của ông (Bài thơ sông Hồng, Mây đầu ô) tuy ít về số lượng nhưng hợp với quy luật khắt khe của sáng tạo nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nói đến thơ ca kháng chiến chống Pháp người ta thường nhắc ngay đến “Tây Tiến” của Quang Dũng, nó được ví như một “tượng đài bằng thơ về người lính cách mạng” với tâm tráng hùng chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bài thơ được viết bằng trải nghiệm sống, trải nghiệm văn hóa ở mức cao sâu nhất của một chân tài thơ trên con đường viễn xứ. Nhưng ở một phương diện khác, “Đôi mắt người Sơn Tây” mới phát lộ cái thần thái nhà thơ, mang khí vị của đất và người nơi sinh thành, nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ tương lai. Những câu thơ như thể là lời tỉ tê tâm sự của những người cùng xứ sở: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương?/ Mẹ tôi em có gặp đâu không/ Những xác già nua ngập cánh đồng/ Tôi cũng có một thằng em nhỏ/ Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông/ Từ độ thu về hoang bóng giặc/ Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn/ Em đã bao ngày lệ chứa chan?/ Đôi mắt người Sơn Tây/ U ẩn chiều lưu lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây…”. Một thi phẩm xuất sắc không cần lời bình vì tự nó đã làm bật lên “hồn đất, hồn người”.
Thi nhân trên Hà Tây quê lụa
Thủ đô của bất kỳ quốc gia nào cũng là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị khoa học, văn hóa (trong đó có nghệ thuật ngôn từ/ thi ca). Ngược dòng thời gian, vào thời kỳ hiện đại hóa văn học ráo riết và thành công (1930-1945), sẽ thấy các tao nhân mặc khách đa số thiên di từ “vùng sâu vùng xa” về Thủ đô (Xuân Diệu, Huy Cận và nhiều thi nhân khác trong Phong trào Thơ mới) lập nghiệp và thi thố tài năng nghệ thuật. Từ 2018, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, Thủ đô Việt Nam được xếp vào “top 10” các thủ đô có diện tích rộng nhất thế giới (với diện tích hơn 3000 cây số vuông, có cả người dân tộc thiểu số). Đất lành chim đậu, đây là cơ hội để các anh tài trong các lĩnh vực, trong đó có sáng tác văn học, có dịp “một lần tới Thủ đô” (nhan đề một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Trần Đăng, viết 1946).
Những tên tuổi mới trên thi đàn Việt Nam hiện đại thuộc không gian “Hà Tây quê lụa” (nhạc phẩm của nhạc sĩ Nhật Lai) góp vào sự giàu có của thơ ca dân tộc thời đại cách mạng và chiến tranh không thể không kể đến Xuân Quỳnh (1942-1988, quê Hoài Đức, Hà Tây) và Bằng Việt (sinh 1941, quê Thạch Thất, Hà Tây). Đây là hai gương mặt thơ nổi trội trong “dàn” thơ thế hệ chống Mỹ (Thu Bồn, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Anh Ngọc, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm...). Thơ Xuân Quỳnh đặc sắc bởi “nữ tính”, “mẫu tính”, “nữ quyền” - bao dung, vị tha, dung dị, nồng nàn - nên phổ đọc rộng. Thơ Xuân Quỳnh luôn trẻ trung vì chất hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm, vừa sôi nổi mãnh liệt như “Sóng”.
Bên cạnh đó, Bằng Việt mang đến thơ một tiếng nói nghệ thuật khác - một phong cách, có thể ví “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim”. Bằng Việt để lại dấu ấn với sự tự tại, sắc sảo, mẫn tiệp, thơ anh nhiều biểu tượng (bếp lửa, trái tim, mẹ, em). Nhiều thế hệ sinh viên ngành văn yêu thích bài thơ “Nghĩ lại về Pauxtốpxki” với những thổn thức của người qua thời của tuổi trẻ vô tư: “Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu/ Cuộc đời không phải thế đâu. [...]/ Ta đã lớn và Pauxtốpxki đã chết”. Đó là một trong những bài thơ đặc trưng cho phong cách thơ Bằng Việt - trí tuệ và cảm xúc chung vai dẫn dắt câu chữ (tiêu biểu như Tình yêu và báo động, Mẹ, Em và tôi, Khoảng cách giữa lời, Em đừng ghen với quá khứ...).
Vĩ thanh
Trong số hơn 700 hội viên Hội Nhà văn Hà Nội hiện nay, hội viên thơ đến từ xứ Đoài không ít, đó là đội ngũ được tập hợp tất yếu từ không gian văn hóa tương đồng hòa nhập vào Kinh kỳ. Tên tuổi và thành tựu thi ca của họ là một kho của cải tinh thần quý giá. Tuy nhiên, trong một bài báo nhỏ tác giả không thể điểm danh, bình luận đầy đủ các gương mặt anh tài trong lĩnh vực thi ca thuộc nhiều thế hệ. Lấy điểm nói diện, lấy ít nói nhiều cũng là cách qua một giọt sương soi chiếu cả ánh sáng mặt trời rực rỡ, qua một giọt nước biển tô đậm vị mặn mòi của đại dương bao la./.