Lý luận - phê bình

Vinh danh nữ sĩ bằng ngôn từ tiểu thuyết

Nhà LLPB Bùi Việt Thắng 06:44 24/06/2023

Sống ở khoảng cuối thế kỷ 18, Hồ Xuân Hương là một nhân vật nổi tiếng và còn gây nhiều tranh cãi. Đã có rất nhiều tài liệu, tác phẩm văn chương, âm nhạc, hội họa xoay quanh cuộc đời, tác phẩm của bà… “Hồ Xuân Hương tiếng vọng” của nhà thơ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng là một trong số đó. Cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về nữ sĩ đã ra mắt bạn đọc năm 2022.

imager_10870.jpg

Vinh danh nữ sĩ bằng ngôn từ tiểu thuyết

Có một sự thật thú vị: Trong số các nghệ sĩ ngôn từ Việt Nam được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa Thế giới, đa số là thi nhân, đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu. Vì thế, gọi Việt Nam là “Quốc thi” cũng không có gì quá to tát. Có thể nói, Bà chúa thơ Nôm (theo cách diễn đạt của thi sĩ Xuân Diệu) lần đầu tiên chính thức trở thành nhân vật trung tâm của tiểu thuyết lịch sử “Hồ Xuân Hương tiếng vọng”. Trước nữa, trong tiểu thuyết lịch sử “Nguyễn Du” (2015) của Nguyễn Thế Quang, Hồ Xuân Hương chỉ xuất hiện với “vai” tình nhân của thi nhân Nguyễn Du. Quan sát chuyển động của thể loại tiểu thuyết đương đại, chúng ta sẽ vui mừng khi các nữ sĩ - nhân vật “kiệt hiệt” (Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương) đĩnh đạc tư thế bước vào văn chương như những hình tượng nghệ thuật đa thanh sắc, gây ấn tượng với độc giả. Gần như đồng thời, cũng gây ấn tượng với độc giả, là tiểu thuyết dã sử “Nữ sĩ thời gió bụi” viết về nhà văn Đoàn Thị Điểm của nhà văn Lê Phương Liên đang được chuyển thể thành phim điện ảnh “Hồng Hà nữ sĩ”.

Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” (khảo cứu, 2021) của cùng tác giả Nghiêm Thị Hằng có thể coi là bước chuẩn bị “nguyên vật liệu” để nhà văn sáng tác thành công tiểu thuyết “Hồ Xuân Hương tiếng vọng”. Nhưng tôi dám chắc độc giả thông minh ngày nay không cần so đo tính toán độ chênh lệch giữa nguyên mẫu đời sống - lịch sử và hình tượng nghệ thuật. Bởi “Tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật”. Sự vật nào cũng có lịch sử của nó huống hồ con người với số phận của riêng mình. Tiếp nhận tiểu thuyết của Nghiêm Thị Hằng, độc giả sẽ rất thú vị khi biết thi sĩ tương lai chào đời lúc bố đã 70 tuổi, thời đó thuộc hàng “xưa nay hiếm”, mẹ đã 38 tuổi cũng không còn trẻ nữa. Đó là kết quả của tình cảm vợ chồng tào khang, thắm thiết, mãnh liệt giữa Hồ Phi Diễn và Hà thị để tạo ra một sinh linh mới có tên Hồ Phi Mai (nguyên danh), biểu tự là Xuân Hương, nhằm vào giờ Mão, ngày Canh Ngọ, tháng Canh Thân, năm Quý Tỵ (13/7/1773). Tiết đoạn (tình tiết) “cúng mụ” cho Hồ Phi Mai (trang 83-85) tạo không khí cổ xưa đậm tính chất phong tục tập quán của người Việt Nam. Cũng vì thế, không riêng tôi có cảm xúc được “sống” lại với quá khứ, hay nói cách khác nhà văn đã làm cho quá khứ sống lại trong/ với hiện tại. Cái không khí “cúng mụ” linh thiêng (đôi khi gây cảm giác bí ẩn, kì ảo) đã gợi ra ở độc giả cái đường hướng của câu chuyện sẽ được kể tiếp về Hồ Phi Mai - Hồ Xuân Hương là rất “phiêu”, đậm khí vị tâm linh. Vì mỗi con người là một ẩn số, một “tiểu vũ trụ”. Hồ Phi Mai - Hồ Xuân Hương lại càng là một ẩn số cả trong đời, cả trong văn chương.

Những hằng số của thiên tài

“Hằng số” là một khái niệm/ phạm trù trong vật lý và toán học - về sự bất biến (một đại lượng có giá trị không đổi). Trong phạm trù văn hóa, văn học nghệ thuật, hiện nay chúng ta đang bàn nhiều về nhân cách văn hóa liền với không gian văn hóa nhân văn. Một nhân cách văn hóa được ươm mầm, chăm chút, phát triển thường dựa vào những nhân tố/ thành tố/ điều kiện nào xét về hoàn cảnh tự nhiên - xã hội - giáo dục - đạo đức - kinh tế, với ý nghĩa như một “tổng phổ” (con người là tổng hòa các quan hệ tự nhiên và xã hội)? Khi tiếp cận một tài năng nghệ thuật, có thể dựa vào các hằng số sau: Quê hương (phương pháp Địa - Văn hóa), Gia đình (phương pháp Xã hội học - Nhân học), Nhà trường (phương pháp Giáo dục học), Trải nghiệm đời sống (phương pháp Thực tiễn), Thiên bẩm (phương pháp Tuyển chọn tự nhiên).

image1.jpg

Quê hương của nữ thi sĩ tương lai Hồ Phi Mai - Hồ Xuân Hương sau này, rõ ràng là vùng “địa linh nhân kiệt” (làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Quỳnh Lưu trong không gian văn hóa xứ Nghệ mang đặc tính “sông/ núi” (vừa nhu vừa cương). Con người nhiều thế hệ ở vùng đất này dù đã tỏa đi bốn phương tám hướng khắp mọi miền đất nước, song luôn có cội có rễ, có nguồn có gốc. Quê hương là chùm khế ngọt - câu thơ/ ca này ứng với Hồ Phi Mai - Hồ Xuân Hương dẫu sinh ra ở đất Bắc nhưng cái “cuống rốn” liền khúc ruột với xứ Nghệ.

Quê hương và gia đình là hai nền tảng căn cơ để một nhân cách văn hóa đâm chồi nảy lộc. Trong gia đình thì bậc sinh thành (cha mẹ) cực kỳ quan trọng có ảnh hưởng quyết định đến đường đi nước bước của con cái. “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Ông Hồ Phi Diễn (cha), bà Hà thị (mẹ) không chỉ có công sinh thành, dưỡng dục mà còn “hướng đạo” với cô con gái ngoan, có nhan sắc, tài hoa từ bé. Ở đây có vấn đề huyết thống, di truyền, song có lẽ quan trọng hơn “phần nhiều do giáo dục mà nên”; không có xác suất cao về phương pháp “trời sinh voi trời sinh cỏ” hoang dã, tự nhiên, nhi nhiên.

Nói đến vai trò của trường học với sự hình thành nhân cách văn hóa, riêng đối với Hồ Phi Mai - Hồ Xuân Hương, là một “ca” đặc biệt. Với thi sĩ tương lai, gia đình là “nhà trường/ trường học”, cha là “thầy giáo” (do hoàn cảnh lịch sử cũng như riêng tư tạo nên). Ngôi trường/ trường học lớn nhất với nghệ sĩ ngôn từ Hồ Xuân Hương chính là cuộc sống. Về cái gọi là thiên bẩm của tài năng văn chương Hồ Phi Mai - Hồ Xuân Hương, rõ ràng có bằng chứng thuyết phục từ lúc 6 tuổi đã thấm nhuần, bộc lộ tài năng nghệ thuật, tinh hoa phát tiết ra thơ ca. Tương tự, trong thời hiện đại, thần đồng thơ Trần Đăng Khoa khi 8 tuổi đã làm nổi sóng thi đàn. Nhưng bẩm sinh/ bản năng nếu không được trui rèn, nếu không có môi trường/ hoàn cảnh thuận lợi thì khác nào cá thiếu nước. Với Hồ Xuân Hương, môi trường chính là không khí nghệ thuật từ người bố thẩm thấu/ phả qua con gái từng ngày từng giờ, từ trong gia đình ra ngoài xã hội, từ không gian này đến không gian khác (từ Nam ra Bắc).

Trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, những tài năng trời cho ban đầu nếu muốn tỏa rạng, ảnh hưởng rộng lớn tiếp tục dài lâu thì nhất định phải đến ngụ ở trung tâm, ở đất Việt từ xưa tới nay là Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Chính ở đây Hồ Xuân Hương đã gặp Nguyễn Du, dẫu chỉ là như ánh sao băng mối thâm tình giữa những người liên tài. Kinh đô/ Thủ đô luôn là một chuẩn mực trong bảng “hằng số” của thiên tài khoa học hay văn hóa, văn học nghệ thuật.

Vĩ thanh

Công việc của nhà phê bình, thiết nghĩ, là chỉ ra, là chia sẻ với độc giả tác phẩm này có “trọng tải” (tư tưởng) hay không. Theo cách diễn đạt của nhà văn Ma Văn Kháng thì tình trạng “không trọng tải” của văn chương nói chung, tiểu thuyết nói riêng hiện nay rất đáng quan ngại.

Tiểu thuyết “Hồ Xuân Hương tiếng vọng” của Nghiêm Thị Hằng vừa tầm, xét từ hai phương diện đọc và đón đợi. Vừa tầm đọc với độc giả hiện nay, khi họ ngày càng có ít thời gian nhàn rỗi để đọc sách giấy, trong khi văn hóa nghe nhìn ngày một lấn át. Hơn 300 trang sách là một sản phẩm văn hóa “vừa khoảng” với nhiều lớp độc giả (thời gian, tiền bạc, sử dụng). Là nhà báo có kinh nghiệm (viết ngắn, dễ đọc, dễ nhớ, dễ vận dụng) nên lối viết tiểu thuyết của chị có tốc độ, nhịp điệu. Nhưng vừa tầm đọc chưa phải là yếu tố tiên quyết (vì nếu sách hay dẫu trường thiên thì độc giả vẫn theo đuổi), tầm đón đợi (tưởng - tình cảm) mới là đích đến cuối cùng của nhà văn khi sáng tác. Mới gặp và quen biết chị, nhưng tôi cứ hình dung con người này không khác nào một Hỏa Diệm Sơn, lúc nào cũng chực phun trào năng lượng chữ. Miệng nói, chân đi, óc nghĩ, tay viết… với ưu tính của một nhà báo chuyên nghiệp từ trước, nhưng có vẻ như chị nhất quyết không để báo “báo hại” văn. Nhiều độc giả có quan điểm tương đồng với tôi về nhận xét này. Ấn tượng không của riêng tôi về phẩm chất “thặng dư chữ” sau khi đọc xong “Hồ Xuân Hương tiếng vọng” là hiện thực./.

Bài liên quan
  • Nhà báo Vương Tâm trên những nẻo đường xa
    Nhà báo kiêm nhà thơ Vương Tâm, nguyên Trưởng ban báo Hànộimới Cuối tuần, là người con của xứ Đoài mây trắng. Ông được sinh ra trong hơi thở của vùng đất đá ong nồng ấm, và lớn lên cùng với tiếng đàn bầu của ông nội, tại làng Hương Ngải, Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Bốn mươi năm làm báo và theo đuổi sự nghiệp văn chương của ông đã để lại những dấu ấn thật khó quên.
(0) Bình luận
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
    Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
  • Thơ ca giải phóng miền Nam: Một hình thái đặc thù trên tiến trình văn học 1954 - 1975
    Trong bức tranh toàn cảnh thơ ca giai đoạn 1954 - 1975 không thể không kể đến thơ ca giải phóng miền Nam, một bộ phận thơ ở tuyến đầu chống Mỹ ngụy, với một đội ngũ nhà thơ triệt để và đầy bản lĩnh trong quan niệm nghệ thuật: lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu “Thơ là súng là gươm” (Lê Anh Xuân). Có thể nói, đây là quan niệm chung chi phối cảm hứng và tư thế diễn ngôn của văn nghệ sĩ trong văn học giai đoạn chiến tranh và cách mạng.
  • Văn học thiếu nhi Việt Nam: Những bước chuyển mình sau ngày đất nước thống nhất
    Sau 21 năm bị chia cắt, hai miền Nam - Bắc Việt Nam được nối liền một dải nhờ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Hòa chung niềm vui lớn của đất nước là niềm vui của sách văn học thiếu nhi khi được phát hành suốt từ Bắc tới Nam.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • Cây bút nữ với đề tài chiến tranh
    Trong lịch sử văn học, khi đề cập đến đề tài chiến tranh, phần lớn những gương mặt được ghi dấu trên văn đàn thường là nam giới.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tiếp tục phát triển những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam (Bài 2)
    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Thấm nhuần tư tưởng của Người về xây dựng “Đảng cầm quyền”; Đảng ta đã và đang kế thừa, phát triển, nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, để Đảng thực sự “là đạo đức là văn minh”.
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn của nghệ thuật tạo hình
    Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”, khai mạc sáng 16/5 tại Hà Nội. Với 60 tác phẩm chọn lọc từ bộ sưu tập của Bảo tàng, triển lãm là dịp để công chúng trong và ngoài nước chiêm ngưỡng những hình tượng nghệ thuật đặc sắc về lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.
  • Xuất bản sách "Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Đảo"
    “Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Đảo” là nhan đề cuốn sách được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025).
  • Học sinh thỏa sức sáng tạo, phát huy niềm đam mê khoa học kỹ thuật
    Cuộc thi Robotics là sân chơi bổ ích giúp học sinh Tiểu học và THCS quận Ba Đình thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kiến thức về lĩnh vực robot và tự động hóa.
  • Trải nghiệm triển lãm số “Rạng rỡ tên Người”
    Ngày 16/5, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân khai mạc triển lãm ảnh “Rạng rỡ tên Người” và ra mắt số báo Nhân Dân Cuối tuần đặc biệt, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài, người khai sáng con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đồng thời đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng nước nhà.
Đừng bỏ lỡ
Vinh danh nữ sĩ bằng ngôn từ tiểu thuyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO