Lý luận - phê bình

Còn đây một thời hoa đỏ

Vũ Quần Phương 08:16 22/05/2023

Thanh Tùng, có những câu thơ thật bình dị, dễ hiểu, nhưng đọc xong cứ phải sững lại. Có gì trong ấy: “Mọi người tiễn em ra mộ/ Anh lại đón em về với trái tim/ Đó là nơi tốt nhất của em/ Nơi không bao giờ thay đổi” (Dù em đã đổi thay).

nha-tho-thanh-tung-anh-me-thuan.jpg
Nhà thơ Thanh Tùng

Có, có một cõi lòng để ngỏ, xót đau, chân thật. Cái làm ta sững lại phải chăng là câu thơ trong dấu ngoặc, một chú thích con con nhân nói đến đổi thay. Câu chuyện tan vỡ của vợ chồng Thanh Tùng, nhiều bạn bè đã biết và đều tiếc cho cả hai, ngay từ ngày ấy. Nhưng phải đến những năm sau này, đọc vào chính thơ Thanh Tùng mới thấy hết nỗi tiếc thương điên dại của anh sau cuộc tan vỡ này. Việc đời đã ra như thế, điều ta quan tâm là chia sẻ ra sao với nỗi lòng người. Là hiểu biết gì thêm về tình cảm con người. Bản tính Thanh Tùng vốn mạnh mẽ, chịu quăng quật, chịu thích ứng, luôn giành chủ động trong mọi tình huống. Nhưng trong nỗi đau tình cảm này, anh đã âm thầm chịu đựng nó, cảm nhận nó trong một tình thế thường xuyên, thậm chí thời gian càng lùi xa cường độ lại càng đau. Đau đến điên dại, mình không nhận được ra mình: “Ai bỏ tôi đi thế này/ Tôi bỏ ai đi thế này/ Kẻ nào đã nuốt hết gió/ Cho buồm chẳng thể ra khơi”.

Ngoài đời, ngỡ vẫn một Thanh Tùng ăn sóng nói gió, đến đâu tưng bừng bạn bè đến đó. Trong thơ, rõ dần một Thanh Tùng âm thầm nghe ngấm trong từng tế bào mình một nỗi cô đơn chung thân, tinh vi, êm ả và triệt hạ. Anh nói rằng người ấy để lại trong tim anh mũi dao, thỉnh thoảng nó lại nhấn sâu thêm một chút. Mọi thứ thuốc chữa đều vô hiệu. Anh phải chữa trái tim đau bằng rượu. Nhưng rồi trái tim cũng hóa thành bình rượu. Và mũi dao kia cũng say mèm song nó vẫn cứ nhấn sâu thêm từng lúc.

Bài thơ “Thời hoa đỏ” đã hình thành trên nền cảm xúc đó, nhưng đối chọi nhau chói chang hơn giữa hạnh phúc và mất mát, giữa khát khao và tan tác, giữa hoa đỏ và máu rơi. Cách thể hiện bài thơ này là một sáng tạo. Những cảm xúc, những suy nghĩ khác nhau, trái chiều nhau cùng đồng hiện mà đan nhau. Như an ủi lại như hành hạ. Rất khó phân tích bằng tư duy logic chỉ có thể cảm nhận. Nghe ra được tâm trạng này không dễ, diễn được nó ra bằng những câu thơ lạ lùng này, tôi nghĩ là một đột xuất của Thanh Tùng và của cả nền thơ. Xin trích một số câu: “Ta nhìn sâu vào mắt nhau mà thấy lòng đau xót/ Trong câu thơ của em anh không có mặt/ Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say”.

Có mấy câu như điệp khúc hùng tráng mà xót thương, tạo hình dữ dội mà dư âm lại rất hiền. Âm điệu ma mị, rất liêu trai: “Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/Như máu ứa một thời trai trẻ Hoa như mưa rơi rơi/ Như tháng ngày xưa ta dại khờ”.

Thời hoa đỏ”, bài thơ gắn vào nhiều nét riêng của duyên phận Thanh Tùng, nhưng anh không định kể lại rồi cảm thán về nó. Anh chỉ nói hiện thực của lòng anh ở thời điểm ấy.

Thơ Thanh Tùng có một bản năng nội tâm sâu sắc. Trong giai đoạn đầu của đời viết, khi cả nền thơ nước ta gánh hai nhiệm vụ: Đấu tranh thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Thanh Tùng đã góp xứng đáng phần mình vào dàn đồng ca chung của thế hệ những nhà thơ (xuất hiện trong thời kì kháng chiến) chống Mỹ. Sự bộc lộ giọng điệu tâm hồn của từng người khi ấy chưa được thuận lợi như những năm Đổi Mới sau này. Thanh Tùng được xếp vào những cây bút tiêu biểu của thơ vùng công nghiệp Hải Phòng, Quảng Ninh, tên anh hay được nhắc cùng với những Đào Cảng, Thi Hoàng, Hoàng Hưng, Yên Đức, Trí Dũng, Trần Nhuận Minh… Ưu điểm chung của các anh, thường được biểu dương là cảm xúc khỏe khoắn, chất thơ mang màu sắc mới, có tính công nghiệp, giọng thơ xốc vác, gần cuộc đời… Đó cũng chính là phẩm chất trội nhất của thơ Thanh Tùng hồi ấy. Anh được coi là người lĩnh xướng trong vạt thơ đề tài công nhân, công nghiệp. Từ khi có quốc sách Đổi Mới, thì Thanh Tùng cũng như cả thế hệ anh đã có một bước phát triển rõ rệt, có thể còn rõ hơn ở hai thế hệ đàn anh. Bạn đọc đã nhận ra một Trần Nhuận Minh hiện thực sắc sảo, một Thi Hoàng thâm trầm giễu cợt, vượt hẳn giai đoạn trước. Riêng với Thanh Tùng, giới nghiên cứu chưa có mấy phát hiện mới về anh. Có thể do đặc tính nghiên cứu văn chương ở ta, nó phải được dấy lên từ một sự kiện có tính phong trào như một cuộc hội thảo hay cuộc giới thiệu sách quy mô, thường là do tác giả tự tổ chức. Việc này người làm thành công nhất và cũng thất bại nhất là một ông làm giả thơ Thiền. Thanh Tùng không có điều kiện làm việc ấy, mà tôi đoán, chưa chắc anh đã thích cung cách đó. Sự đổi thay ở Thanh Tùng có phần lặng lẽ. Lặng lẽ vì anh chuyển sang trữ tình riêng tư, hơn là đuổi theo sự kiện xã hội. Lại đúng chặng anh đăng báo ít, in tập cũng thưa. Công chúng thơ vẫn quen nhìn anh là cây bút chuyên về công nhân, công nghiệp tiêu biểu. Định vị ấy đến nay, với anh, không đủ nữa. Anh đã mở rộng đề tài, mở rộng chủ đề, mở rộng cả cách viết, đặc biệt thể nghiệm và đã có thành công, nhiều bài thơ ứng tác. Những vui buồn thuộc về con người đều chuyển hóa trong tâm hồn anh thành thơ. Những vật vã đau đớn của đời anh đã được thơ anh biết tới. Sau ngày anh tạ thế, tuyển tập thơ Thanh Tùng đã cho thấy đầy đủ hơn chân dung đời anh và sự nghiệp thơ anh: Một khuynh hướng sáng tác phóng khoáng nhưng âm thầm, ngày càng giàu thêm bản lĩnh cá thể nhưng lại ổn định một phong vị cổ điển vững chãi.

Bản lĩnh cá thể mang trong lòng nó một nhân cách hàng đầu của tính hiện đại. Ấy là chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, mà biểu hiện trước tiên là không quan liêu với chính trái tim mình. Kết quả là phẩm chất chân thực của tác phẩm. Chân thực về cá thể tác giả và ngay sau đó là chân thực về cả một thời đại. Đòi hỏi đầu tiên để thực thi phẩm chất này là tác giả phải có năng lực nghe được những diễn biến tế vi trong chính lòng mình và năng lực thể hiện nó ra, sáng rõ thuyết phục, trên ngôn ngữ. Thanh Tùng đã có được những năng lực ấy. Đó là hai đầu vị của tài năng thi sĩ. Tài năng ấy được sinh thành từ bản năng trời cho và một quá trình rèn luyện của từng người. Trong chiêm nghiệm riêng tư của tôi trong ngót sáu mươi năm theo đuổi nghiệp thơ, tôi thấy, nhiều lúc, ở nhiều người, có tôi trong đó, năng lực đáng quý này lại bị xói mòn do cách hiểu còn giáo điều và thô thiển về chức năng văn chương. Thanh Tùng trả phí tổn cho lầm lạc này không lớn. Có lẽ do tính anh phóng khoáng. Mê thơ chứ không mê các thứ lý sự lằng nhằng, đa thư loạn ngôn. Đọc anh thấy rõ lắm khuynh hướng thơ nội tâm phát triển như một tất yếu và khá nhất quán. Ở trên tôi có nói đến nét đặc hiệu của tình cảm anh trong chuyện đổ vỡ hôn nhân. Nét đặc hiệu ấy ta lại có thể nhận ra trong nỗi đau mất mẹ. Thanh Tùng phát hiện ra anh cũng từng có một ý nghĩ lười biếng và u mê rằng mẹ là vĩnh cửu ở bên ta. Anh yên tâm thế và dồn sức đuổi theo khát vọng làm thơ: “Con mải mê để lại mẹ một mình/ Bao lửa ấm con truyền vào thơ hết/ Mẹ già nua lạnh lẽo buổi chiều tàn/ Bao hăm hở con dồn vào phía trước/ Đằng sau mẹ vẫn khóc âm thầm”.

tuyen-tho-thanh-tung.jpg

Để bây giờ, hai câu kết của bài thơ, anh ân hận viết: “Để con luôn vội vã/ Không kịp về với mẹ một lần”. Và ở một bài khác, anh tự nhận lỗi mình: “Con chỉ của mẹ cha một nửa/ Một nửa còn của những quãng đường xa”.

Ý định ấy thật tốt đẹp, cao cả nữa. Nhưng giờ đây anh thực tế hơn và chua chát nhận ra: “Thơ con an ủi cho bao phiền muộn/ Riêng mẹ thì chưa có được bao giờ”.

Ở những đề tài xã hội, anh không khai thác vào sự kiện như thói quen phản ánh và bình luận của thơ bây giờ mà anh nói cái dấu vết của sự kiện đó giột xuống lòng mình. Ý thơ làm bàng hoàng cả tâm trí: Ngày khai trường đứa bé được bố sắm cho sách bút áo quần, cả đồ chơi, các thứ, nhưng cháu vẫn phải nhắc bố, lời nhắc con trẻ hồn nhiên, người lớn nghe mà sững người, thương cháu quá và thấy mình như có tội: “Nhưng cha ơi cha quên sắm cho con đôi nạng mới/ Đã hai năm từ khi con bị bom/ Chiếc nạng cũ chẳng chịu cùng con lớn lên, cha ạ!”

Phong vị cổ điển: Tạng cảm xúc Thanh Tùng vốn giàu dĩ vãng. Anh ngỏ cửa hồn mình mặc cho nó tuôn trào: “Tôi trữ lượng trong mình thác nhớ/ Mùa xuân ơi hãy đạp tung cánh cửa/ Cho tôi về uống lại nước sông Hồng/ Tôi khô cháy lên rồi lê lết dưới trời Nam/ Cho tôi về ngủ dưới gốc cây sưa/ [...]/ Cho tôi về, cho tôi về/ Tôi vừa yêu trở lại/ Mùa thu vừa hò hẹn với riêng tôi”.

Giọng thơ Thanh Tùng thanh thoát, thoáng rộng, là nhờ ở trữ lượng cảm xúc được tích lũy theo khuynh hướng đó. Thi liệu truyền thống, cảm xúc lớp lang, lớp nọ bồi theo lớp kia, không đứt mạch, tự sự sáng rõ, vị tình hơn vị ý… Trong bản chất, mạch trữ tình Thanh Tùng kế thừa được nhiều ưu thế của bút pháp cổ điển. Thế mạnh của anh là tình cảm. Chỗ anh phải cảnh giác là nó dễ khuôn cảm xúc theo lối mòn, ý thơ bị cuốn theo những hình ảnh xưa, và tư duy không mới. Tôi có cảm nhận anh đã có ý vượt qua cái bẫy đó bằng chọn cách dựng bài không bố cục. Mỗi bài như một lát cảm xúc. Mở bài trực khởi vào ngay chủ đề, vào ngay xúc cảm. Và thơ chấm hết khi mạch cảm xúc vừa dứt. Mỗi bài chỉ như một kí họa.

Thanh Tùng thường sử dụng thủ pháp này khi làm thơ ứng tác. Anh có biệt tài cất tiếng thành thơ. Bài thơ gọn, thường một chủ đề sáng rõ. Với Thanh Tùng, anh hay dùng chủ đề hồi cố, vận dụng được kho nguyên liệu ký ức luôn đầy ắp trong hồn. Ý thơ trong từng câu thường chung nhau một khuôn cấu tạo, một kiểu tư duy. Thí dụ bài “Mỗi một mùa xuân”, 11 câu, hai vế. Vế trên 6 câu: mùa xuân thơ ấu; chung kiểu lập ý bằng cái nhìn tưởng tượng của trẻ thơ: phố như làm bằng bánh ngọt, cây như xức nước hoa… Vế sau 5 câu, mùa xuân của bây giờ là một niềm hoài niệm, cái đã mất không thể nào có lại. Bài thơ hết trong một dư vị tình cảm, thường buồn. Nhưng điều đáng nói hơn là anh đã có những bài ứng tác vượt qua cái chung ấy, nhiều bài dù ta đã thoáng lần ra thủ pháp nhưng vẫn bị mê đi về những biến hóa trong cách anh tạo mối liên hệ mới của các chi tiết và nhất là trong tình cảm khi anh đã chạm vào sâu thẳm của việc đời (bài Cơm mới). Ứng tác là một biểu hiện của sức tưởng tượng phóng khoáng và cách nghĩ mẫn tiệp, là một lợi thế của bút pháp Thanh Tùng, nhưng nó cũng là chỗ dễ làm thơ anh dừng lại. Có khi còn phản ý tác giả như bài thơ ngắn đọc mừng cô dâu chú rể tại một tiệc cưới: “Chúc hai em/ Với đôi đũa ngắn/ Gắp được miếng hạnh phúc từ xa” (dẫn theo một bài viết của Nguyễn Vũ Tiềm). Thơ lập ý tương phản, khéo nhưng ý thơ lại như phê phán: đũa ngắn lại chòi gắp xa./.

Bài liên quan
  • Thừa từ và cụm từ
    Lâu nay, khi giao tiếp chuyện trò hoặc đọc sách, báo chúng ta gặp nhiều những từ, cụm từ thừa, trùng lặp. Xin dẫn ra hai kiểu phổ biến (Những cụm từ thừa, trùng lặp được in nghiêng).
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Trường THCS Mễ Trì (Quận Nam Từ Liêm): Hành trình 62 năm với sự nghiệp “trồng người”
    Sáng 20/11, Trường THCS Mễ Trì đã long trọng tổ chức Lễ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 62 năm thành lập và 20 năm xây dựng phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới, biểu dương những cán bộ, giáo viên có thành tích trong công tác dạy, đồng thời đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.
  • Chú trọng xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    Theo Chỉ thị 30 – CT/TU, ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trong đó yêu cầu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tăng cường vai trò định hướng các hội chuyên ngành, các chi hội; động viên văn nghệ sĩ, nhà báo tích cực tham gia, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác phẩm báo chí có giá trị về tư tưởng nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của Nhân dân, hình thành nhân cách chuẩn mực, nhất là giới trẻ, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới.
Đừng bỏ lỡ
Còn đây một thời hoa đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO